Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết thế giới đang ở “bình minh” của thời đại công nghiệp mới với sản xuất công nghệ năng lượng sạch sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2030 và tạo ra hàng triệu việc làm.
Trong một báo cáo, IEA dự đoán thị trường toàn cầu cho các công nghệ sản xuất hàng loạt quan trọng bao gồm tấm pin Mặt Trời, tua-bin gió, pin xe điện, máy bơm nhiệt và máy điện phân hydro sẽ có trị giá khoảng 650 tỷ USD mỗi năm vào cuối thập kỷ nếu các quốc gia thực hiện đầy đủ các cam kết về năng lượng và khí hậu. Con số này gấp ba lần so với mức hiện tại.
Theo IEA, số việc làm liên quan đến sản xuất năng lượng sạch sẽ tăng hơn gấp đôi từ 6 triệu lên gần 14 triệu vào năm 2030. IEA cho biết: “Thế giới năng lượng đang ở buổi bình minh của thời đại công nghiệp mới - thời đại của sản xuất công nghệ năng lượng sạch”.
Tuy nhiên, IEA cảnh báo rằng việc tập trung khai thác tài nguyên và sản xuất có thể gây rủi ro cho chuỗi cung ứng. CHDC Congo (Công-gô) sản xuất hơn 70% cobalt của thế giới và ba quốc gia-Australia (Ô-xtrây-li-a), Chile (Chi-lê) và Trung Quốc - chiếm hơn 90% sản lượng lithium toàn cầu, một trong những nguyên liệu chính sản xuất pin xe điện.
Báo cáo cho biết thêm căng thẳng chuỗi cung ứng có nguy cơ khiến quá trình chuyển đổi năng lượng trở nên khó khăn và tốn kém hơn. Trong năm 2022, đà tăng của giá cobalt, lithium và nickel đã khiến giá pin xe điện toàn cầu tăng gần 10%. Chi phí xây dựng tua-bin gió bên ngoài Trung Quốc cũng tăng lên sau nhiều năm giảm giá, trong khi xu hướng tương tự đang ảnh hưởng đến các tấm pin Mặt Trời.
Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol đã kêu gọi các quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng, viện dẫn sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga là một ví dụ điển hình về khả năng bị gián đoạn do phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn cung.
Ông nói: “Như chúng ta đã thấy về sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga, khi bạn phụ thuộc quá nhiều vào một công ty, một quốc gia hoặc một tuyến thương mại - bạn có nguy cơ phải trả giá đắt nếu có sự gián đoạn”.
Ông Birol cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác quốc tế, vì không có quốc gia nào là một "hòn đảo" năng lượng và quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ tốn kém và chậm chạp hơn nếu các quốc gia không phối hợp cùng nhau.
Trà My
Theo TTXVN