Trong khi mâu thuẫn giữa các hộ dân và ban quản lý căn hộ cao cấp Keangnam chưa được dàn xếp ổn thỏa, hôm qua (5-12), Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản “thổi còi” hành vi coi thường khách hàng của Keangnam.
Phải công khai các khoảng thu chi
Theo văn bản ký ngày 5-12, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn yêu cầu Công ty TNHH MTV Keangnam Vina tuyệt đối không được dừng cung cấp các dịch vụ điện, nước, thang máy để bảo đảm sinh hoạt bình thường của các hộ dân sinh sống tại tòa nhà.
Người dân ở chung cư cao cấp Keangnam phản đối do bị cắt dịch vụ
Đáng chú ý là trước phản ánh của các hộ dân về việc thu phí dịch vụ cao không tương xứng với chất lượng dịch vụ, Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu Keangnam phải tiến hành xây dựng giá dịch vụ nhà chung cư theo đúng nội dung hướng dẫn của Bộ Xây dựng và công khai toàn bộ các khoản thu, chi, hạch toán giá dịch vụ nhà chung cư cho toàn bộ hộ dân sinh sống tại tòa nhà để thỏa thuận theo đúng các quy định hiện hành.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng đề nghị UBND huyện Từ Liêm giám sát, kiểm tra chủ đầu tư thực hiện việc quản lý dịch vụ, không để chủ đầu tư cắt điện, nước, thang máy, bảo đảm ổn định sinh hoạt cho các hộ dân sinh sống tại tòa nhà. Đồng thời, báo cáo các nội dung liên quan đến việc quản lý sử dụng dịch vụ Keangnam về Sở Xây dựng trước ngày 12-12 để tổng hợp báo cáo UBND TP Hà Nội theo quy định.
Phí quản lý quá cao!
Trước đó, trưa 3-12, ban quản lý Keangnam đã bất ngờ cắt quyền sử dụng thang máy của hàng trăm người dân tại tầng 48 làm cho họ rơi vào cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Việc này khiến người dân, trong đó nhiều người già, trẻ em và gần chục phụ nữ mang thai đã phải vạ vật ở sảnh tòa nhà.
Hàng chục người dân mắc võng, trải chiếu, phát loa phản đối chủ đầu tư. Thậm chí, theo phản ánh của người dân, Keangnam còn cắt điện và internet của nhiều hộ dân. Đại diện chính quyền và Công an huyện Từ Liêm đã có mặt để giải quyết sự việc. Đến tối cùng ngày, chủ đầu tư mới chịu mở cửa thang máy cho dân sử dụng.
Lý do được Keangnam đưa ra là do các hộ dân chưa đóng phí dịch vụ là vi phạm hợp đồng và ban quản lý có quyền đơn phương “khóa” thẻ từ vào thang máy của các hộ dân cũng như cắt các dịch vụ khác.
Trước đó, Keangnam đã đưa ra mức phí dịch vụ là 18.843 đồng/m2/tháng. Hầu hết hộ dân ở đây đã không chấp nhận mức phí này vì cho là quá cao so với chất lượng mà họ được hưởng và hai bên đã không đạt được thỏa thuận.
Chị Lê Thị Minh Thảo, một người dân sống ở Keangnam, bức xúc: “Ban quản lý căn hộ Keangnam đã ép buộc đóng phí quản lý cao, không tương xứng với chất lượng dịch vụ”.
Theo chị Thảo, ở khu chung cư cao cấp gần Keangnam chỉ thu phí quản lý dưới 10.000 đồng/m2/tháng nhưng có tới 3 bể bơi lớn, diện tích sân vườn rất rộng, đáp ứng cho 300 hộ dân.
Trong khi Keangnam chỉ có một bể bơi nhỏ, diện tích cây xanh hẹp hơn rất nhiều lại phục vụ trên 900 hộ dân. Chủ nhân của căn hộ B3306 ở Keangnam nói: “Người dân phải trả số tiền rất lớn để mua căn hộ (3.000 USD/m2) và phí dịch vụ thì đòi cao nhưng thỉnh thoảng người bên ngoài vào hành hung cư dân tòa nhà mà bảo vệ tòa nhà chỉ đứng nhìn, không hề can thiệp, hay cửa thoát hiểm khóa chặt, tầng hầm ánh sáng không bảo đảm… là quá phi lý”.
Phí dịch vụ căn hộ từ 2.400 đến 4.000 đồng/m2
Theo Quyết định số 4520 ban hành ngày 29-9-2011 của UBND TP Hà Nội, giá trần dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội được chia theo 3 mức: 2.400 đồng, 3.100 và 4.000 đồng/m2/tháng. Văn bản này cũng quy định trong trường hợp giữa bên cung cấp và bên sử dụng dịch vụ đã có thỏa thuận về các điều kiện liên quan đến giá dịch vụ nhà chung cư thì thực hiện theo thỏa thuận đó.
Trong khi đó, theo Thông tư số 37 của Bộ Xây dựng ban hành năm 2009, giá dịch vụ nhà chung cư được xác định dựa trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí nhưng phải phù hợp với thực tế.
|
Theo Bảo Trân (Nguoi lao dong)