Không biết UBND tỉnh Hà Giang quyết tâm “khắc phục những sai phạm trong xây dựng công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama” và “kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan” thế nào khi Panorama Mã Pì Lèng vẫn ngang nhiên hoạt động, mỗi ngày vẫn đón tiếp hàng nghìn lượt khách như thách thức pháp luật.
Mấy ngày nay, dư luận vô cùng ngạc nhiên khi công trình nhà nghỉ nhà hàng Panorama Mã Pì Lèng dù được các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang chỉ rõ là công trình “4 không” và đang xem xét xử lý tháo dỡ nhưng vẫn hoạt động bình thường, thậm chí tấp nập du khách đến “check in”.
Cụ thể, ngay ngày 13/10, tại công trình Panorama Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang), du khách đổ về đây tăng đột biến để "check in" xuất phát từ việc tò mò do thời gian quan công trình vi phạm này xôn xao trên khắp các mặt báo, diễn đàn, mạng xã hội.
Trước đó, dư luận có nhiều ý kiến bất bình khi công trình Panorama Mã Pì Lèng dù “4 không”: Không có Giấy chứng nhận đầu tư, không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không có giấy phép xây dựng, và không có văn bản thẩm định của Bộ VHTT&DL nhưng vẫn ngang nhiên mọc lên 7 tầng tại đèo Mã Pì Lèng làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên tại nơi đây.
Ngày 8/10, UBND tỉnh Hà Giang đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama xây dựng trái phép tại đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc.
Báo cáo nêu rõ, công trình này nằm ngoài khu vực bảo vệ I và II của danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng. Tuy nhiên, theo Điều 36, Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, công trình này có khả năng ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của danh thắng Mã Pì Lèng. Do đó cần có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
|
Công trình Panorama Mã Pì Lèng. |
Về hồ sơ công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama chưa có cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép đầu tư và cấp phép xây dựng. UBND tỉnh Hà Giang xác định trách nhiệm ban đầu thuộc UBND huyện Mèo Vạc trong công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng.
Để xác minh cụ thể vụ việc trên, hiện UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức kiểm tra công trình xây dựng tại khu vực Mã Pì Lèng, yêu cầu báo cáo UBND tỉnh trước ngày 9/10/2019.
UBND tỉnh Hà Giang cũng cho biết, quan điểm và phương hướng giải quyết vấn đề này của UBND tỉnh Hà Giang là không bao che sai phạm và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan. Đồng thời khắc phục những sai phạm trong xây dựng công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama tại khu vực Mã Pì Lèng theo đúng các quy định của pháp luật.
Liên quan vụ việc trên, Bộ VHTT&DL cũng đã có thông tin chính thức liên quan đến công trình này. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng khẳng định, cho đến trước khi vụ việc trở nên “nóng” trong dư luận, Bộ vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của tỉnh Hà Giang đề nghị có ý kiến thẩm định đối với công trình xây dựng tại khu vực đèo Mã Pì Lèng.
Tại cuộc họp báo về vụ việc này, Chánh Văn phòng Bộ VHTT&DL Nguyễn Thái Bình cho biết thêm, theo quan điểm của Bộ, bất cứ công trình nào, nằm trên địa điểm du lịch hay trên toàn lãnh thổ Việt Nam, nếu xây dựng trái phép thì cũng sẽ phải bị xử lý nghiêm. Cũng trong ngày 8/10, Đoàn công tác của Bộ do Cục Di sản văn hoá chủ trì đã lên Hà Giang thanh, kiểm tra việc xây dựng công trình trên.
“Các di tích, di sản văn hoá cần phải có biện pháp bảo vệ, tránh những nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực”, ông Nguyễn Thái Bình khẳng định. Dù là công trình có tính chất khuyến khích, thúc đẩy du lịch phát triển nhưng không tuân thủ quy định pháp luật, Bộ không ủng hộ. “Chúng ta phải có biện pháp, hình thức bảo vệ tốt nhất danh lam thắng cảnh quốc gia Mã Pì Lèng”, ông Bình nói.
Liên quan công trình trên, Sở Xây dựng Hà Giang mới đây đã có văn bản gửi UBND tỉnh này báo cáo kết quả kiểm tra công trình khách sạn Panorama 7 tầng xây dựng trái phép trên đỉnh Mã Pì Lèng. Các sở ngành của tỉnh Hà Giang cũng đề xuất phá dỡ 6 tầng khách sạn Panorama để cải tạo thành đất trồng cây xanh, thời hạn phá dỡ hoàn thành trước 15/11.
Như vậy, các cơ quan có liên quan đều đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng về tính chất của vụ việc cũng như hướng xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý cụ thể đối với công trình Panorama này vẫn đang tiếp tục thu hút những ý kiến khác nhau.
Bởi, điều lạ lùng không biết UBND tỉnh Hà Giang quyết tâm “khắc phục những sai phạm trong xây dựng công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama” và “kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan” thế nào khi tất cả các động thái trên chỉ tại cuộc họp và trên giấy. Còn thực tế, Panorama Mã Pì Lèng vẫn ngang nhiên hoạt động, thậm chí thản nhiên sơn sửa, mỗi ngày vẫn đón tiếp hàng nghìn lượt khách như thách thức pháp luật.
|
Dù vi phạm những vẫn hoạt động bình thường, mỗi ngày đón hàng nghìn lượt khách. Ảnh: Tiền Phong. |
Phải chăng các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang dù thể hiện quyết tâm xử lý công trình vi phạm Panorama Mã Pì Lèng trong những văn bản, báo cáo nhưng lại quá dễ dãi trong thực tế. Bà chủ Panorama Mã Pì Lèng Vũ Thị Ánh thay vì lo lắng vì công trình có thể bị tháo dỡ lại “sướng rơn” vì vẫn có thể thu lợi nhuận khủng do lượng khách đến với công trình này ngày một đông.
Đó thực sự là một nghịch cảnh trong thực thi các quy định của pháp luật khiến người dân phải đặt câu hỏi về động thái kiên quyết xử lý công trình vi phạm trên từ các cơ quan chức năng tỉnh Hà Giang. Trong khi đó, vụ việc công trình Panorama trước đó đã đặt ra vấn đề về kỷ cương, kỷ luật, về trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong quản lý xây dựng. Nếu các quy định hiện hành được thực hiện nghiêm túc ngay từ đầu thì rất khó để “con voi chui lọt lỗ kim” và cơ quan quản lý cũng không phải đau đầu tìm cách xử lý “việc đã rồi”. Trong khi đó, việc xử lý công trình vi phạm trên vẫn còn nhiều dấu hỏi về sự quyết tâm của tỉnh Hà Giang.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, pháp luật không cho phép “tiền trảm hậu tấu” trong trường hợp này.
“Trường hợp xây dựng không có giấy phép trên đất nông nghiệp thì rõ ràng là hành vi vi phạm trật tự xây dựng, hành vi xây dựng trái phép. Hành vi này hoàn toàn có thể bị xử phạt hành chính và buộc tháo dỡ công trình xây dựng theo quy định của pháp luật”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Luật sư Cường viện dẫn khoản 7 Điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP về Phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng quy định: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: “Xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng…”. Ngoài việc bị xử phạt hành chính thì người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình vi phạm theo quy định của luật xử lý vi phạm hành chính, luật xây dựng và nghị định này.
Ngoài ra, theo quy định của luật đất đai thì đất nông nghiệp là loại đất sử dụng vào mục đích trồng trọt, pháp luật nghiêm cấm việc xây dựng nhà ở, dịch vụ thương mại trên đất nông nghiệp.
Bởi vậy, hành vi xây dựng nhà ở, nhà hàng, khách sạn trên đất nông nghiệp là hành vi không những vi phạm luật xây dựng, luật nhà ở mà còn vi phạm quy định của luật đất đai. Hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính do chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà đã xây dựng công trình theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai và buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên thì UBND huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang có trách nhiệm xử phạt hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.
Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho rằng, việc để công trình Panorama 7 tầng xây dựng kiên cố xây dựng và tồn tại cả năm trời tại Mã Pí Lèng không thể nói rằng chính quyền không biết. Pháp luật quy định cả một bộ máy để quản lý trật tự xây dựng... Do đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan đối với việc để công trình xây dựng trái phép ngang nhiên tồn tại trong một thời gian dài mà không bị xử lý.
Tâm Đức
Theo Kiến thức