Sự kiện hot
13 năm trước

Khái niệm hơn thua đánh mất hạnh phúc

Người ta thường dựa vào kinh nghiệm, kiến thức, thế mạnh của mình mà tự cho rằng mình là người hiểu biết, hơn người khác, có quyền này, quyền kia, hay ưu tiên nọ, ưu tiên kia... Đó là nỗi đau, là ung nhọt trong mối quan hệ giữa người với người.

Người ta thường dựa vào kinh nghiệm, kiến thức, thế mạnh của mình mà tự cho rằng mình là người hiểu biết, hơn người khác, có quyền này, quyền kia, hay ưu tiên nọ, ưu tiên kia... Đó là nỗi đau, là ung nhọt trong mối quan hệ giữa người với người.

Sống hơn thua với nhau chỉ vì khái niệm ảo!

Khi ước mơ về sự mở trí, về đời sống tinh thần bình yên và ổn định đã đến rồi, một số người an trú được trong thực tại bình yên đó, nhưng một số lại bắt đầu thấy mình có kiến thức, có kinh nghiệm, mình hay, mình giỏi và bắt đầu cũng cố địa vị. Địa vị là một khái niệm, trong khi đó, hạnh phúc là một trạng thái thực không có ý niệm, khái niệm.

Do đó, khi bắt đầu cũng cố địa vị tức là bắt đầu đi vào thế giới khái niệm, cũng tức là đánh mất hạnh phúc. Chúng ta xây dựng sự nghiệp trên khái niệm nghĩa là đang tiến sâu vào khái niệm. Và chính chúng ta đánh mất hạnh phúc mà mình đã có, đã chạm tới. Cái ngã là như vậy - thấy mình hay, giỏi hơn người khác, có quyền hơn, ưu tiên hơn…

Một người sống trong sự ganh ghét, ghen tị, hơn thua làm sao có được hạnh phúc? Nếu cười thì chỉ là giả bộ bên ngoài, chắc chắn bên trong không có hạnh phúc. Người đó giống như gặp món ăn thật ngon, thèm khát mà không ăn được và tự mình đẩy đồ ăn xuống đất.

Tại sao lại như vậy? Vì thấy mình hay hơn, giỏi hơn và thấy mọi người cần phải chú ý, để ý tới mình… Đó chính là cái bẫy mà người đời bị dính. Người ta rất dễ bị sập bẫy khi được người khác khen ngợi.

Không thấy mình có công lao, hay khôn hơn người khác, chúng ta mới hưởng được trọn vẹn hạnh phúc. Vấn đề rất đơn giản như vậy!

Tình thương và sự chân thật - vấn đề khó giữa người với người

Nói tới tình thương giữa người với người là nói tới sự chân thật, cũng chính là không thấy mình hơn người khác. Sự chân thật là gì? Không phải nói thật, làm thật, thẳng tính là chân thật. Quý vị đừng lầm lẫn chỗ này! Chân thật là trong lòng không hề ghen ghét với bất cứ ai. Chân thật là trong tâm hồn, đầu óc không thấy khó chịu vì sự ghen ghét.

Hai chữ tình thương rất sâu và rộng nghĩa, chỉ ra một thế giới sâu thẳm. Không thể định nghĩa tình thương hay yêu là gì. Tất cả mọi định nghĩa về chữ yêu đều không đúng. Khi chữ yêu được dùng trong quan hệ giữa bạn trai và bạn gái, chữ đó đưa người nghe đến chỗ cởi bỏ tất cả mọi khái niệm để đi vào một thế giới sâu thẳm.

Khi cha nói yêu con, nhờ chữ yêu đó, cả một thế giới rất sâu thẳm hiện ra mà chỉ có người cha mới biết. Ngược lại, khi người con nói yêu cha mẹ lắm, chữ yêu đó cũng hiện ra một thế giới sâu thẳm mà chỉ có người nói mới hình dung được, hay chỉ có những người cùng chung cảnh ngộ thương cha mẹ mới hình dung được.

Duy Tuệ
Theo Tienphong

Từ khóa: