Hạ tầng hoàn thiện cùng sự xuất hiện của những đại đô thị đang khiến khái niệm trung tâm thành phố hoàn toàn đổi khác. Dòng chảy di cư tới các "trung tâm mới" đang ngày một rõ nét khi điều nhiều người quan tâm hiện tại là những nơi có đầy đủ không gian, tiện ích, cộng đồng văn minh.
Khái niệm mới về "vị trí"
12 năm trước, khi theo chồng về sinh sống tại khu vực Đại Mỗ (Hà Nội), chị Phan Bích Hường thừa nhận chỉ ngóng đến cuối tuần để được về thăm bố mẹ đẻ trên phố Tây Sơn. Hàng chục năm sống giữa phố lớn, chị quen với cảm giác "vài bước chân ra phố, muốn đi đâu, làm gì cũng tiện". Vùng đất phía Tây Thủ đô cách nhà hơn chục cây số, thời điểm ấy với chị khó trở nên quen thuộc không chỉ bởi xa trung tâm, đi lại khó khăn, mà còn bởi dịch vụ "thiếu đủ thứ".
"Khi ấy, điều duy nhất mong muốn của tôi là cố buôn bán, tích cóp tiền, càng về gần trung tâm càng tốt", chị Hường chia sẻ.
Đó cũng là tâm lí chung của rất nhiều người Hà Nội trước đây. KTS. Hà Thục Linh, chuyên gia đang làm việc tại tập đoàn tư vấn kiến trúc của Pháp tại Việt Nam thừa nhận, khái niệm trung tâm thành phố trong nhiều năm được hiểu là 4 quận lõi: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình. Người Hà Nội trong nhiều năm đều đặt mục tiêu tiến sát khu vực này bất chấp việc điều kiện sinh sống tại những nơi này ngày càng xuống dốc, tất cả để đổi lại sự tiện lợi.
Tuy nhiên, theo bà Linh, định nghĩa này hiện đã lỗi thời bởi yếu tố quan trọng nhất đã chuyển dịch, đó là sự lột xác về cơ sở hạ tầng. Một loạt công trình tầm cỡ xuất hiện trong khoảng hơn chục năm qua đã xóa đi mọi khoảng cách như Đại lộ Thăng Long, cầu Vĩnh Tuy, Đông Trù, Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, Vành đai 3 trên cao, đường Vành đai 2 Nhật Tân - Cầu Giấy, Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng,...
"Vị trí bây giờ đã thay đổi ý nghĩa bởi dù ở bất kì đâu, người dân cũng có thể di chuyển về trung tâm nếu muốn hoặc di chuyển đi các hướng dễ dàng. Thậm chí vị trí các cửa ngõ còn có lợi thế hơn để di chuyển về các tỉnh khác", KTS Hà Thục Linh nói.
Đơn cử như trường hợp của chị Phan Bích Hường, hiện tại, đi từ quận Nam Từ Liêm về nhà bố mẹ, chị có thể chạy dọc Đại Lộ Thăng Long ra đường Trần Duy Hưng và các tuyến phố một cách nhanh chóng.
Đặc biệt, ngoài sự phát triển của cơ sở hạ tầng, chất lượng sống của các khu vực trước kia là vệ tinh nay đã thay đổi rõ rệt. Nếu trước đây hai bên đường đại lộ Thăng Long chỉ là những cánh đồng không hiu quạnh, thì nay khu vực này đã trở nên sầm uất với các tiện ích phục vụ mọi mặt đời sống.
Bởi thế, hiện tại, trái ngược với cảnh "mơ" về trung tâm, chị Hường đã tậu một căn nhà mới tại một đại đô thị ngay trong quận Nam Từ Liêm. Thay vì "trốn" về nhà bố mẹ đẻ mỗi tuần, theo lời chị Hường, mọi thứ hiện đã đảo ngược khi cuối tuần, chị đón bố mẹ về ngôi nhà mới để cả gia đình được đoàn tụ, tránh xa những ồn ã phố thị và hưởng không gian sống tiện nghi, thoáng đãng.
Tái định nghĩa trung tâm từ "đại đô thị"
Ở góc độ nghiên cứu, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu tư vấn Savills Hà Nội trong một hội thảo mới đây khẳng định, xu hướng rời khỏi trung tâm hiện đã rõ nét. Bằng chứng là số dân nội đô đang giảm dần và ngày càng nhiều các dự án nhà ở xuất hiện tại các khu vực trước kia là ngoài trung tâm như Gia Lâm, Đại Mỗ,...
Vấn đề khiến nhiều người quan ngại trước kia, theo bà, là điều kiện sống tại những khu vực ngoài trung tâm. Song hiện tại, đây không còn là vấn đề lớn bởi một yếu tố quan trọng xuất hiện là các đại đô thị có khả năng đáp ứng tất cả nhu cầu sống với tiêu chuẩn cao nhất.
Đồng tình, KTS Hà Thục Linh cho rằng, trong quy hoạch, nếu như hạ tầng giao thông là nền móng thì những vùng dân cư lớn được ví như những "phễu phát triển" giúp tập trung cư dân. Về lí thuyết là vậy nhưng tạo dựng những vùng cư dân lớn không dễ. Bằng chứng là trước kia, những dự án nhà ở đô thị thường có quy mô nhỏ chỉ vài hecta, dù tạo dựng được cộng đồng nhất định nhưng không đủ để thay đổi cảnh quan của cả một vùng, từ đó hấp dẫn các doanh nghiệp, thương hiệu, dịch vụ tập trung.
Chỉ tới khi những đại đô thị như phía Tây Hà Nội có Vinhomes Smart City, phía Đông là Vinhomes Ocean Park hay một số dự án lớn khác xuất hiện, Hà Nội theo bà mới thực sự đổi khác. Với chất lượng không gian sống tốt, những đại đô thị này có tốc độ hấp thụ dân số cực nhanh. Điều quan trọng nữa là khi có cộng đồng cư dân đủ lớn, những "vòng tròn đồng tâm" hình thành và mở rộng ra nhiều phía, bên ngoài dự án, với đầy đủ tiện ích, dịch vụ, các dự án nhà ở,... giúp nâng cao chất lượng sống của cả khu vực.
Những "phễu phát triển" như cách gọi của KTS Hà Thục Linh đang khiến Hà Nội có nhiều hơn một trung tâm. Khái niệm trung tâm thành phố hiện tại theo bà được đo đếm bằng 3 yếu tố cốt lõi: Một là cơ sở hạ tầng, hai là sự tập trung dân cư và ba là năng lực dịch vụ, tiện ích.
Một chuyên gia lâu năm trong ngành đô thị thừa nhận, yếu tố đầu tiên trong định cư là "nhất cận thị" hiện vẫn là số 1. Tuy nhiên, "thị" không chỉ mang ý nghĩa là "chợ", là trung tâm buôn bán như trước đây mà có nghĩa rộng hơn, là các đại đô thị lớn - nơi có thể đáp ứng mọi nhu cầu của cuộc sống ngay tại nơi sinh sống.
"Những ngôi nhà hình ống chen chúc, vốn là điển hình của đô thị Việt sẽ dần thay đổi. Xu hướng tất yếu đang và sẽ diễn ra là những đô thị mới, có hệ sinh thái đầy đủ, chất lượng, có cộng đồng văn minh", vị chuyên gia đánh giá.
Minh Minh
Theo KTĐU