Dantin - Đến con dốc thứ 49, đồng hồ đã chỉ 2g chiều, khi đầu gối gần như rơi rụng thì chùa Địa Ngục hiện ra. Đó là một chiếc lán dựng tạm trên nền gạch đổ nát được bao quanh bởi rừng cây âm u.
Dantin - Đến con dốc thứ 49, đồng hồ đã chỉ 2g chiều, khi đầu gối gần như rơi rụng thì chùa Địa Ngục hiện ra. Đó là một chiếc lán dựng tạm trên nền gạch đổ nát được bao quanh bởi rừng cây âm u. Bên cạnh là những lều bạt tạm bợ dành cho vị sư trụ trì và người trong chùa ở tạm. Nếu không thấy tiếng tụng kinh đố ai dám nghĩ đó là chùa. Mà đó lại là ngôi chùa độc nhất vô nhị của Việt Nam.
Năm vạn bước chân và 50 dốc núi
Sáng sớm đổ sương trắng bạc đầu trên những dãy núi trập trùng của Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc). "Hãy mang nước, mang dù (ô) và đủ thức ăn vào trong đó. Đi đến đâu, nhớ đánh dấu ký hiệu lên thân cây kẻo bị lạc" , cô Nguyễn Thị Tâm, một người bán hàng ở thị trấn Tam Đảo dặn dò. Cô Tâm còn tốt bụng cho mượn thêm chiếc bếp ga mini "để đề phòng cần nấu nướng bởi, trong đó không có gì ăn được cả".
Con đường từ cửa rừng đi vào (4km) ngày càng hẹp, có chỗ chỉ còn một mét, hoàn toàn là đường mòn. Đi sâu vào rừng là đường lên núi, dốc dựng đứng làm chùn chân người đi đường. Cứ một cây số là hai con dốc. Hai mươi lăm cây số là 50 con dốc. Nhiều người lên chùa Địa Ngục trước chúng tôi nói chỉ đi được một nửa đã phải quay về bởi hai bàn chân đã bỏng rộp vì không quen.
Chùa Địa Ngục hiện nay dựng trên nền cũ
Bên đường, sạn đạo năm xưa khi chưa mở đường mòn lên núi vẫn còn nguyên dấu vết. Đó là những cây gỗ làm trụ, cây nứa là sạp, một đầu vắt ngang thân cây một đầu gác vào thân núi. Theo lời thầy Thích Thanh Toàn, trụ trì chùa Địa Ngục "sạn đạo đủ làm run chân những người kiên gan nhất"
Đi đến con dốc thứ 30, chiếc cầu đá xếp qua một con suối nước trong thấy đáy chúng tôi dừng chân nghỉ tạm. Ở đây có dựng bức tượng Phật Bà Quan Âm cạnh đầu con suối lưng tựa vào núi, mặt ngoảnh ra nhìn về phía đồng bằng bát ngát. Đến đây con đường mòn lại chia làm hai hướng. Những lá cờ trên đường mà nhà chùa đánh dấu lên chùa để khách bộ hành khỏi bị lạc cũng không còn. Chúng tôi đánh bạo chọn một đường với những dải rừng trúc thẳng đứng mà đi.
Cái lo lạc đường chỉ dừng lại khi một nhóm kiểm lâm vườn Quốc gia Tam Đảo ì ạch đẩy xe thồ gạo lên tiếp tế trên chốt chùa Địa Ngục. "Chỉ còn 15 con dốc nữa là đến", anh Phan Văn Hùng, một cán bộ kiểm lâm trẻ măng động viên. Đường xuyên qua những cây gỗ dẻ và chò nâu hàng trăm năm tuổi phong lan phủ kín cành cây. "Đây là những đoạn lầy lội nhất quanh năm không thấy ánh mặt trời. Chỉ khi nào đúng ngày hạ chí mới thấy một vài tia ánh sáng len được đến mắt người trong rừng", anh Hùng nói.
Bặm môi, bấm chân để khỏi ngã trên con đường trơn trượt mà mồ hôi ướt đầm vai áo. Đến con dốc thứ 49, đồng hồ đã chỉ 2g chiều,khi đầu gối gần như rơi rụng thì chùa Địa Ngục hiện ra. Đó là một chiếc lán dựng tạm trên nền gạch đổ nát được bao quanh bởi rừng cây âm u. Bên cạnh là những lều bạt tạm bợ dành cho vị sư trụ trì và người trong chùa ở tạm. Nếu không thấy tiếng tụng kinh đố ai dám nghĩ đó là chùa.
Đêm nghe chuyện "rừng ma ao dứa"
Mộ tháp tại chùa Địa Ngục được phục dựng
Chiều buông xuống rất nhanh trên đỉnh Tam Đảo. Mới 4g chiều ánh sáng đã tắt, sương mờ lối đi. Anh Nguyễn Văn Tú, người Lập Thạch, một công nhân xây dựng bị tai nạn tật nguyền một chân ở lại trông chùa từ năm xây bảo tháp nổi lửa nấu cơm. Lại thêm cơm chay một bữa với lạc rang, đậu phụ và dưa muối chua vàng. "Tớ chưa được tu chính thức. Chỉ ở lại trông chùa giúp sư trụ trì (sư thầy Thích Thanh Toàn - NV) thôi. Nhưng vẫn phải ăn chay và lo nhang khói khi sư thầy vắng nhà", anh Tú cho biết.
Anh Tú ở đây từ năm 2008 khi nền cũ chùa Địa Ngục được sư thầy Thích Thanh Toàn cất công tìm ròng rã một năm trời mới thấy. Từ đó đến nay, sư thầy chỉ một tháng hai lần vào thỉnh kinh còn trông chùa lo nhang khói chính là anh Tú và một người chấp tác (người thừa hành phận sự trông giữ chùa -NV).
Đêm ở Tam Đảo âm u, rùng rợn. Anh Tú và người chấp tác đốt đống lửa giữa chiếc lán trung tâm ngồi nói chuyện. Củi tươi lẫn củi ướt tỏa khói mịt mù. Giữ lời hứa ban chiều, anh Tú và người chấp tác kể lại câu chuyện "rừng ma ao dứa".
"Đừng tưởng trên núi không có ao. Chiếc ao rộng hàng nghìn mét, nước xanh, sâu thẳm. Xung quanh là những bụi dứa dại gọi là dứa ma mọc um tùm. Trên ao khoảng mười mét, lúc nào cũng có mây mù giăng kín, mưa rơi không ngớt. Ao được một nhóm thợ săn bản địa phát hiện ra từ lâu nhưng chỉ còn một người thoát ra được kể lại câu chuyện...", anh Tú mở lời.
Theo lời anh Tú, mấy chục năm trước, khi rừng Tam Đảo vẫn chưa là vườn Quốc gia, người dân quanh vùng vẫn vào rừng đốn củi, săn bắt. Nghi rừng có hổ, một nhóm thợ săn đã tìm đường lên. Lần theo dấu chân hổ, nhóm thợ săn tìm đến chiếc ao kỳ bí kia. Nghi con hổ ăn mồi khát nước tìm đến, họ nằm phủ phục chờ đợi. Một ngày, hai ngày, ba ngày, con hổ vẫn không xuất hiện trong khi cơm nắm chỉ còn những hạt cuối cùng. Họ bỏ cuộc săn, chở về nhà. Nhưng khi đi theo những dấu buộc lại trên thân cây từ trước thì kỳ lạ thay, đi cả ngày mà vẫn quay lại chỗ cũ. Mòn mỏi, đói khát, những người thợ săn thiếp dần cạnh những bụi dứa. Vợ những người thợ săn phát hiện ra chồng mình không về nhà đổ xô đi tìm. Đề phòng lạc, những người vợ đã ròng dây từ chân núi đi lên. "Cả nhóm thợ săn chỉ còn đúng một người tóc tai bù xù như người rừng hóa điên hóa dại. Tất cả những người còn lại đều không thấy dấu vết. Từ đó đến nay, câu chuyện rừng ma ao dứa vẫn tiếp tục, thỉnh thoảng vẫn có người bị lạc không về. Người trong chùa vẫn nghe thấy những tiếng hú trong đêm khuya. Ma hay người đi lạc?", anh Tú nói...
Người chấp tác lặng lẽ bỏ thêm củi vào bếp, tiếp lời: "Cách đây chưa lâu, hai người nước ngoài cắt rừng đi vào trong núi. Mê cung của rừng ma ao dứa lại không cho ra. Tín hiệu cấp cứu của hai người này liên tục phát ra chỉ đến khi hàng chục cán bộ vườn Quốc gia tỏa đi tìm kiếm họ mới thoạt nạn. Cũng tại họ vào rừng với ý không tốt. Họ đem theo những thiết bị dò tìm khoáng sản quý. Đến khi ra đến cổng rừng mà đôi mắt xanh của họ vẫn lạc thần".
Sư thầy Thích Thanh Toàn, trụ trì chùa Địa Ngục không khẳng định gì về câu chuyện ấy có thật hay không. Sư thầy chỉ bảo hơn chục năm trụ trì ngôi chùa này, chẳng thấy ma quái mà chỉ thấy những dấu tích đầu tiên của Phật giáo VN dần lộ diện đã được khẳng định. “Ngôi chùa không chỉ độc nhất vô nhị ở cái tên mà nó còn ghi nhiều dấu ấn của nền Phật giáo VN. Chùa Địa Ngục cũng là ngôi chùa nằm trong những đỉnh cao nhất Việt Nam (hơn 1.000m so với mực nước biển).
Tiếng chuông đêm ở chùa Địa Ngục
5g sáng, người chấp tác mặc bộ quần áo màu vàng, mũ trùm đầu đã dậy đánh chuông và lần tràng hạt. Tiếng chuông xen tiếng gió rít trong khe núi tỏa hơi lạnh thấu xương. Người chấp tác nói chuông chùa Địa Ngục chỉ vang lên hai lần mỗi ngày lúc 7 g chiều và 5g sáng. Chuông chùa có trọng lượng 2,2 tấn, một trong những chiếc chuông lớn nhất Việt Nam hiện nay. Đánh chuông, thỉnh kinh xong, người chấp tác tuổi chỉ tầm hai mươi khẽ đọc bài thơ trên đại hồng chung: “Nghe chuông phiền não tan mây khói/ Giác ngộ tâm từ một hướng đi”...
|
Vĩnh Bình