Những câu chuyện chúng tôi kể sau đây sẽ góp phần dựng lên chân dung các điều tra viên được mệnh danh là những “cao thủ” trong điều tra khám phá các kỳ án giết người nơi đại ngàn…
Những câu chuyện chúng tôi kể sau đây sẽ góp phần dựng lên chân dung các điều tra viên được mệnh danh là những “cao thủ” trong điều tra khám phá các kỳ án giết người nơi đại ngàn…
|
Trung tá Nguyễn Lai Bình đang họp triển khai công tác phá án.
|
Miền biên viễn luôn chứa đựng những câu chuyện huyền bí và trong lĩnh vực an ninh trật tự cũng không phải ngoại lệ khi có nhiều vụ án xuất hiện những tình tiết nhuốm màu huyễn hoặc và đậm chất miền ngược.
Các chiến sĩ công an phải luôn vận dụng sự mưu trí, dũng cảm và cả những “ngón nghề” vô tiền khoáng hậu để làm sáng tỏ vụ án, bắt giữ hung thủ từ những “mảnh”, những chi tiết nhỏ nhất.
Khám phá vụ án hiếp giết trẻ em bằng “chiêu” độc
Không phải ngẫu nhiên mà án giết người bao giờ cũng chiếm tỷ lệ cao nhất trong các vụ “án mờ” của lực lượng công an.
Thực tế công tác đấu tranh với các loại tội phạm thì hung thủ các vụ giết người bao giờ cũng khó tìm ra nhất bởi những kẻ đang tâm tước đoạt mạng sống đồng loại sẵn sàng “vẽ” ra cả trăm mưu ngàn kế để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật.
Đại tá Lê Công Bính, Phó giám đốc Công an tỉnh Điện Biên là một chuyên gia về “án mờ” các tỉnh Tây Bắc. Gần 40 năm trong lực lượng công an là chừng ấy năm ông gắn bó với vùng biên viễn nghèo khó. Đại tá Bính đã thụ lý và trực tiếp điều tra hàng trăm vụ án lớn nhỏ, đối mặt với đủ các loại tội phạm nguy hiểm cùng những mưu ma chước quỉ của chúng.
Vụ án nào cũng có khó khăn nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, ông và đồng đội phải “thiên biến vạn hoá” các biện pháp nghiệp vụ, mưu trí lần dò để rồi bóc trần hành tung tội ác và chân tướng của bọn tội phạm.
Qua tổng kết có một điều ngạc nhiên là dù các vụ án xảy ra ở địa bàn rừng rú với những tình tiết cực kỳ phức tạp nhưng công an các tỉnh Tây Bắc lâu nay vẫn nổi danh là những địa phương có tỷ lệ khám phá các vụ trọng án thành công với tỷ lệ rất cao, dẫn đầu cả nước.
Cho đến hôm nay, Đại tá Lê Công Bính vẫn nhớ như in một vụ án đã trở thành “kinh điển” trong việc mưu trí sử dụng các biện pháp nghiệp vụ làm sáng tỏ hung thủ hiếp giết trẻ em trong một thời gian rất ngắn.
Đó là chập tối mồng 3 Tết năm ngoái, tại một khu rừng cách bản Ta Pao, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) chừng 2km, người dân phát hiện xác cháu Lò Thị Viện (13 tuổi) là học sinh lớp 6 Trường THCS Mường Mùn trong tình trạng loã thể với những thương tích khủng khiếp.
Người nhà cho biết, chiều hôm đó bố mẹ sai cháu Viện vào rừng tìm trâu. Đến tối không thấy về, gia đình nhờ mọi người trong bản đi tìm thì phát hiện xác cháu ở bìa rừng.
Nhận được tin, Phòng PC45, Công an huyện Tuần Giáo cùng các đơn vị chức năng khẩn trương vào cuộc; tiến hành khám nghiệm hiện trường, tử thi cho thấy cháu Viện bị hiếp sau đó bị giết chết.
Nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu là do đa chấn thương, chảy máu cấp. Dấu vết trên cơ thể và hiện trường cùng việc cháu bị sát hại dã man cho thấy rất có thể hung thủ không phải một tên và là người quen…
Ban chuyên án tiến hành nhiều biện pháp nghiệp vụ trong đó chú trọng phát động phong trào quần chúng tố giác tội phạm. Qua rà soát thấy nổi lên đối tượng Quàng Văn Hơn, 36 tuổi, là hàng xóm với cháu Viện có những biểu hiện nghi vấn.
Bí mật xác minh được biết, chiều ngày mồng 3 Tết, Hơn cùng một số người đi quăng chài ở suối Mường Mùn có về qua khu vực phát hiện xác cháu Viện (?). Tiếp tục theo dõi, trinh sát thấy tên Hơn có biểu hiện lo lắng, uống nhiều rượu và không có mặt tại lễ tang cháu Viện…
|
Các điều tra viên Phòng PC45 trên đường xuống địa bàn.
|
Một “chiêu” được các trinh sát vạch ra…
Ba ngày sau khi cháu Viện chết, gia đình làm lễ bỏ mả (tương tự như lễ ba ngày của người Kinh) và có mời đại diện các gia đình đến dùng cơm. Trong lễ cúng, sau khi đã được công an “bày trò”, ông thầy mo lảm nhảm niệm thần chú, “nhập hồn” cháu Viện rồi đi đến trước mặt Quàng Văn Hơn hét lớn: “Chính mày! Chính mày đã giết tao!?”. Quàng Văn Hơn mặt tái xanh đánh rơi cả chén rượu, sau đó bỏ về với vẻ sợ hãi.
Ban chuyên án bố trí trinh sát theo dõi hành tung của hắn. Đêm đó về nhà, Hơn bảo vợ mổ gà để hắn cúng ma. Mọi lời khấn vái, xin cháu Viện tha tội được bí mật ghi âm lại bằng phương tiện kỹ thuật đặc biệt.
Ngày hôm sau, Quàng Văn Hơn được triệu tập lên trụ sở Công an huyện Tuần Giáo về hành vi… đốt nương gây cháy rừng! Dù ma mãnh và xảo quyệt nhưng rốt cuộc Hơn đã phải cúi đầu nhận tội. Tội ác của hắn cùng những con thú đội lốt người bị phơi bày…
Chiều mồng 3 Tết, Hơn cùng Quàng Văn Nguýn, Quàng Văn Nguyn (2 anh em ruột), Quàng Văn Hùng ở bản Ta Pao (xã Mường Mùn) đi kéo chài dưới suối về, gặp cháu Lò Thị Viện một mình đi tìm trâu ở bìa rừng, mấy gã buông lời chọc ghẹo, sau đó lôi cháu vào hốc đá thay nhau hãm hiếp.
Sau khi thoả mãn thú tính, sợ lộ nên tên Hùng bàn với mấy tay kia hạ sát cháu để bịt đầu mối, thế là cả đám đuổi theo. Đá hộc, dao, khúc cây thi nhau giáng xuống thân thể non nớt của cô bé 13 tuổi…
|
PC45 cùng các cơ quan chức năng khám nghiệm tử thi, tìm dấu vết tội phạm.
|
Những kì án chỉ có ở miền ngược…
Trung tá Nguyễn Lai Bình, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Điện Biên trưởng thành từ trinh sát hình sự huyện vùng cao Tủa Chùa nhưng nổi danh rất sớm. Anh nói thông thạo tiếng Mông, tiếng Thái và là một “tay công” trong rất nhiều vụ án nơi rừng thẳm núi cao.
Trung tá Bình có “duyên” với án mờ, bằng chứng là sau 1 năm anh được điều từ Phó trưởng Công an TX Mường Lay về giữ cương vị Trưởng phòng PC45, anh đã “vấp” phải 5 vụ án giết người nhưng cho đến nay PC45 Điện Biên chưa chịu thất bại trước vụ án nào.
5 vụ án giết người đều có những tình tiết rất phức tạp, địa bàn xảy ra ở nơi rừng rú, xa dân cư, chưa kể hiện trường bị xáo trộn, gia đình đã tự khâm liệm và mai táng nạn nhân. Để tìm dấu vết, các cơ quan chức năng bắt buộc phải cho khai quật tử thi đã chôn cả chục ngày.
Xác định hung thủ các vụ án này không khác gì “mò kim đáy bể” do rất khó để làm rõ được nguyên nhân, động cơ gây án. Nhưng bằng sự mẫn cảm nghề nghiệp, sự tinh thông nghiệp vụ, các trinh sát và điều tra viên của Phòng PC45 và các đơn vị nghiệp vụ đã nhanh chóng xác minh, khoanh vùng, làm rõ vụ án, bắt giữ được hung thủ.
Hai mươi hai năm trong lực lượng Công an, Trung tá Bình không nhớ đã có bao nhiêu vụ án, bao nhiêu tên tội phạm nguy hiểm đã “qua tay” anh nữa. Nhưng có rất nhiều vụ án xảy ra trên địa bàn với nhiều tình tiết phức tạp, quá trình điều tra ly kì đã trở thành những bài học quí cho anh và đồng đội trong thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ở vùng biên ải, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Dưới “trướng” Trung tá Nguyễn Lai Bình có rất nhiều cao thủ trong điều tra, truy xét các vụ trọng án, điển hình như Trung tá Nguyễn Văn Hiển, Phó trưởng phòng PC45.
Trước khi về PC45, Trung tá Hiển từng lăn lộn 16 năm ở các địa bàn vùng cao, hẻo lánh nhất của tỉnh Điện Biên. Anh trải lòng: Hoạt động tội phạm ở miền núi có những qui luật và tính chất riêng. Khó khăn lớn nhất các điều tra viên và trinh sát Phòng PC45 phải đối mặt không phải là những chuyến đi bộ dài dặc, ăn rừng ngủ rú, đói khát, sốt rét, bệnh tật giữa rừng thẳm mà chính là sự nhận thức pháp luật của người dân.
Người vùng cao chân chất, thật thà, tư duy trực giác, hiểu biết pháp luật hạn chế nên không ít vụ trọng án xảy ra do sự thiếu hiểu biết, là nạn nhân của các hủ tục lạc hậu, luật tục đứng trên luật pháp, “phép vua thua lệ bản”.
Còn nhớ cách đây chưa lâu, tại bản Vằng Xôn, xã Nậm Khăn, huyện Mường Chà xảy ra một vụ án nghiêm trọng. Anh Poòng Văn Cơi, 37 tuổi bị bệnh dạ dầy đã nhờ anh đồng hao với mình là Poòng Văn Sưn cắt thuốc nam.
Nhưng có lẽ do ông Sưn nhầm lẫn khi hái cây thuốc, nên sau khi sắc và uống hết một bát thuốc, anh Cơi đã bị tử vong. Một vụ án khá nghiêm trọng như vậy nhưng hai gia đình và dân bản không trình báo cơ quan Công an, họ thống nhất “đóng cửa bảo nhau” !?
Khi vụ việc này được phát hiện, “quân và tướng“ Phòng PC45 phải mất nhiều ngày “3 cùng” tại bản Vằng Xôn gặp gỡ hai gia đình, tổ chức họp dân bản tuyên truyền, giáo dục, để họ hiểu và chấp hành các thủ tục theo qui định của pháp luật.
Trung tá Nguyễn Lai Bình trầm ngâm kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện về những vụ án mà kẻ gây án lại cứ nhầm tưởng mình “thay trời hành đạo”. Đơn cử như những vụ giết người vì mê tín, không ít người dân còn tìm cách không tố giác tội phạm vì họ mù quáng nghĩ rằng hung thủ chính là kẻ đã thay mặt nhân dân trừ gian diệt ác.
Đối mặt với những loại tội phạm này, các điều tra viên cũng phải có “chiêu” riêng, không thể cứ mang luật ra mà “ốp” đối tượng. Các anh phải gần gũi, tìm cách tuyên truyền, giáo dục theo kiểu mưa dầm thấm lâu, tranh thủ người có uy tín như già làng, trưởng dòng họ để tác động nếu không khôn khéo xử lý tình huống hậu quả sẽ khôn lường…
Còn nhớ hồi tháng 5/2011, liên tiếp ở huyện Mường Nhé xảy ra 2 vụ trọng án giết người mà nạn nhân đều là phụ nữ người dân tộc Mông. Bà Vàng Thị Say, SN 1951 ở bản Nậm Chua 4, xã Nà Hỳ đang ở nhà một mình thì bị kẻ nào đó xông vào chém tử vong; người kia là chị Giàng Thị Sú, SN 1973 ở bản Huổi Đáp, xã Nà Khoa đang ngủ cùng chồng thì bị hung thủ gí súng qua vách liếp bắn chết.
Trung tá Nguyễn Văn Hiển, Phó trưởng phòng PC45 kể lại, khi đó cả một vùng ngã ba biên giới Mường Nhé đang manh nha xuất hiện những nhân tố gây mất ổn định về an ninh trật tự nên hai trọng án xảy ra đúng thời điểm nhạy cảm đã gây tâm lý hoang mang cho quần chúng nhân dân, kẻ xấu cũng tìm cách xuyên tạc, tuyên truyền các luận điệu lừa bịp. Không chỉ Ban giám đốc Công an tỉnh “nóng ruột” mà đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn đã yêu cầu lực lượng Công an phải nhanh chóng tìm ra thủ phạm, trấn an dư luận.
Áp lực nặng nề đặt lên vai Ban chuyên án. Qua nghiên cứu hồ sơ và nhân thân nạn nhân, các điều tra viên nhận thấy cả bà Say và chị Sú đều là những người phụ nữ Mông xuất thân từ gia đình nông dân nghèo đói, chân chất hiền lành, quanh năm chỉ biết có gia đình và mảnh nương khô cằn, không thù tức với ai. Tình huống giết người cướp của, mâu thuẫn tình ái nhanh chóng bị loại trừ.
Phải gần một tháng tung quân ăn rừng ngủ núi, rà soát từng mối quan hệ và các đối tượng nghi vấn các điều tra viên mới phát hiện ở khu vực bìa rừng gần bản xuất hiện những vật dụng, lễ vật của một buổi lễ cúng ma, trừ tà của người dân tộc Mông; đó là quả trứng và cây đũa tre cùng vài nén hương cháy dở.
Chi tiết đắt này chính là manh mối của vụ án. Ban chuyên án nhận định bà Say và chị Sú rất có thể là nạn nhân của của nghi án giết người do “ma chò ma chài”.
Theo quan niệm mê tín của người Mông, “ma chài” thường nhập vào ai đó để làm hại những người trong gia đình, dòng họ của mình. Cách “phát hiện” “cổ điển” nhất là thắp hương, đặt một quả trứng gà trên sống dao, sau đó đọc tên, địa chỉ cư trú những người nghi vấn, nếu đọc đến tên ai mà quả trứng vẫn không rơi thì chắc chắn người đó sẽ là “ma”(!). Việc trừ ma có thể nhờ thầy mo nhưng nếu thầy mo bất lực thì chỉ còn cách là giết người đang bị “ma” nhập.
Từ nhận định và trên cơ sở những chứng cứ thu thập được, Ban chuyên án đã triệu tập 2 đối tượng nghi vấn để đấu tranh. Chân tướng hung thủ đã sáng tỏ, đó là tên Lầu A Sở, 22 tuổi ở bản Nậm Chua 4 là thủ phạm chém chết bà Vàng Thị Say và 2 tên Thào A Páo, 40 tuổi và Thào A Hồ, 39 tuổi ở bản Huổi Đáp, xã Nà Khoa là hung thủ dùng súng kíp sát hại chị Giàng Thị Sú.
Động cơ và nguyên nhân gây án của 3 tên này là do trong gia đình có con, cháu bị ốm lâu không khỏi nên nghi cho 2 nạn nhân là “ma chài” nên chúng đã ra tay hạ sát!
“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn…”
Chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, Phòng PC45 Công an tỉnh Điện Biên đã thụ lý, điều tra 345 vụ án/465 đối tượng, tỷ lệ điều tra khám phá các vụ trọng án đạt 100%, thường án 92%.
Trung tá Bình tâm sự “Đánh án vùng cao có những khó khăn chẳng giống ai, nhưng những kẻ giết người dù tinh vi, xảo quyệt đến đâu cũng để lại dấu vết, điều quan trọng là lực lượng Công an phải mưu trí, sáng tạo, lần tìm dấu vết từ những “mảnh”, những chi tiết nhỏ nhất”.
Vụ tìm ra hung thủ sát hại ông Nguyễn Hữu Thổ 78 tuổi ở xã Thanh An, huyện Điện Biên là một ví dụ. Ông Thổ sinh sống một mình tại một nơi hẻo lánh giáp ranh với khu rừng Noong Chứn. Rạng sáng một ngày trung tuần tháng 12/2011 hàng xóm phát hiện ông đã tắt thở trong vũng máu.
Ông bị hung thủ đâm 13 nhát vào cổ. Ban chuyên án mất rất nhiều ngày để xác định hung thủ mà vẫn mờ mịt cho đến khi các trinh sát phát hiện một mảnh giấy báo "Nông thôn ngày nay" số 223, ngày… có chữ viết tay mấy con số bằng bút bi trong ruột chiếc đèn pin nằm gần hiện trường. Rà soát được biết, trên địa bàn xã Thanh An và khu vực lân cận có một số người đặt dài hạn báo "Nông thôn ngày nay".
Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát phát hiện gia đình ông Nguyễn Thanh Bình ở Đội 14, xã Thanh An đặt loại báo này, đáng chú ý ông Bình có một cậu con trai tên là Nguyễn Ngọc Thăng. Thăng nghiện hút ma túy chẳng mấy khi có mặt ở nhà vì “đói” thuốc nhưng từ hôm ông Thổ bị sát hại, anh ta lại nằm lỳ không ra ngoài.
Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát thu giữ dưới đầu giường nhà Thăng tờ báo "Nông thôn ngày nay" có vết xé trùng với mảnh báo trong chiếc đèn pin bị thu giữ. Trên cơ sở của các chứng cứ thu thập được, Ban chuyên án nhận định Nguyễn Ngọc Thăng chính là hung thủ gây án và đã thi hành lệnh bắt khẩn cấp. Thăng phải cúi đầu nhận tội.
Liên tiếp trong tháng 2 và 3 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Điện Biên xảy ra 2 vụ giết người nhưng các điều tra viên Phòng PC45 đều làm sáng tỏ vụ án, bắt giữ hung thủ.
Có một kỳ án khá “kinh điển” để lại nhiều bài học quí trong thực tiễn công tác đấu tranh với tội phạm, đó là vụ Lò Văn Vinh ở bản Sư Lư 4, xã Na Son, huyện Điện Biên Đông giết người, cướp tài sản.
Ngày 3/2, một số người dân đi nương phát hiện 1 xác chết là nam giới tại khu vực khe Huổi Cơ Muông, giáp ranh giữa bản Nậm Ngám và bản Pú Nhi, xã Pú Nhi.
Nhận được tin báo, Phòng PC45 đã chủ trì phối hợp với Công an huyện Điện Biên Đông và các cơ quan chức năng xuống ngay hiện trường tiến hành các hoạt động điều tra khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và điều tra xác minh thu thập tài liệu chứng cứ.
Ngay việc xác định tung tích nạn nhân cũng phải mất rất nhiều công sức; nạn nhân là anh Trần Xuân Đoài, SN 1973, trú tại Đội 16, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân là do bị vật nhọn, sắc đâm 2 nhát thấu ngực và cổ, làm đứt cuống tim.
Anh Đoài hành nghề giết mổ trâu bò và thường xuyên đi lùng mua trâu bò ở các bản làng vùng cao, những chuyến đi kéo dài cả tuần lễ nên chính vì vậy, gia đình cũng không nghi ngờ khi anh đột ngột vắng nhà cả chục ngày.
Người nhà nạn nhân cho biết, anh Đoài thường mang theo từ 10 – 20 triệu đồng để mua trâu bò. Ban chuyên án nhận định đây rất có thể là vụ giết người cướp của nhưng xác định hung thủ thực sự khó khăn…
Ban chuyên án đã có nhiều cuộc họp, các điều tra viên và trinh sát cũng lăn lộn gần hai chục ngày dưới bản nhưng chưa phát hiện điểm nghi vấn cho đến khi phát hiện thêm một chi tiết, đó chính là vài vết mờ chân chó ở vạt đất mềm cách hiện trường không xa.
Sống ở vùng cao nhiều năm nên Trung tá Nguyễn Lai Bình biết người dân tộc có thói quen khi đi làm nương thường dẫn theo chú chó nhỏ. Những con chó này rất tinh nhanh, vừa là bạn đường vừa giúp chủ phát hiện, săn đuổi những con dúi, con rắn chui lủi dưới hốc cây, hang đá.
Trung tá Bình nhận định dấu vết chân chú chó sẽ tạo bước đột phá cho việc phát hiện chủ nhân của nó và rất có thể sẽ là hung thủ vụ án. Rà soát, lục tìm từng bụi cây ngọn cỏ, các trinh sát phát hiện 1 nhúm lông chó nhỏ màu vàng dính ở đám cây song ở gần đó. Hướng điều tra chuyển sang lùng chú chó có bộ lông màu vàng cháy có mặt gần hiện trường…
Quả không phụ công các trinh sát, trong đó có sự trợ giúp đắc lực của các chú chó cảnh khuyển, chủ nhân của những con chó vàng ở các bản thuộc xã Pú Nhi, Na Son (Điện Biên Đông); Mường Phăng (huyện Điện Biên); Nà Nhạn, Noong Bua (TP Điện Biên Phủ) đều được rà soát, xác minh kỹ càng.
Trong số 243 đối tượng Ban chuyên án đã khoanh vùng, đã xác định đối tượng nghi vấn đó là tên Lò Văn Vinh ở bản Sư Lư 4, xã Na Son (Điện Biên Đông). Trước những phân tích và lập luận sắc bén của các điều tra viên, nhất là chứng kiến việc chú chó vàng của hắn cứ sủa lên ông ổng, rồi hít hà vị trí nạn nhân bị đâm chết, Lò Văn Vinh run rẩy khuỵ xuống…
Theo Cảnh Sát Toàn Cầu