Lúc mới yêu nhau, người ta hồ hởi, phấn khởi, thấy gì cũng đẹp, dễ thương, hấp dẫn nên tạm thời quên tất cả. Người ta chỉ thấy họ đang đón nhận hạnh phúc và tưởng tượng sắp tới một hạnh phúc thật sẽ đến với họ bằng đời sống chồng vợ. Lúc ấy, bảo gì người ta cũng nghe, bảo làm gì cũng làm. Nhưng khi đã thành vợ chồng…
Lúc mới yêu nhau, người ta hồ hởi, phấn khởi, thấy gì cũng đẹp, dễ thương, hấp dẫn nên tạm thời quên tất cả. Người ta chỉ thấy họ đang đón nhận hạnh phúc và tưởng tượng sắp tới một hạnh phúc thật sẽ đến với họ bằng đời sống chồng vợ. Lúc ấy, bảo gì người ta cũng nghe, bảo làm gì cũng làm. Nhưng khi đã thành vợ chồng…
Đời sống chồng vợ là một bản thoả thuận tự nguyện
Một buổi chiều nọ, tôi tiếp một người thanh niên cùng người yêu sắp cưới của cậu ấy. Người thanh niên này là một người sùng đạo Phật, còn người bạn gái là một người sùng đạo Thiên Chúa giáo. Họ chỉ đến gặp tôi để biết cách giữ tình yêu và để tiến tới đời sống thật sự, biết cách sống trong đời sống chồng vợ ổn định. Họ chưa phát hiện ra sự trục trặc, rối rắm trong vấn đề khác biệt tôn giáo. Tôi chỉ giải quyết mong muốn của họ là có một số kiến thức để biết sống với nhau khi đã trở thành chồng vợ.
Anh là một nghệ sĩ nghiệp dư, có tài điều khiển các nhạc cụ khác nhau. Và người bạn gái cũng thường cùng đi hát để giúp đỡ các quỹ từ thiện. Trong buổi trò chuyện đó, tôi nói rất nhiều với họ:
“Rõ ràng hai người đang yêu nhau. Nhưng lúc hai người sống với nhau trong tình yêu trai gái không thể giống như lúc hai người sống với nhau trong tình thương chồng vợ. Lúc yêu nhau, tình yêu không có biên giới, không phân biệt tuổi tác, màu da, không có sắc tộc, ngôn ngữ, trình độ, kiến thức…
Nói chung tình yêu vượt ra khỏi mọi giới hạn, ra khỏi những định giá của đầu óc con người. Nhưng khi bắt đầu chấp nhận cuộc sống chồng vợ, hai người phải sống trong khuôn khổ định giá của chồng vợ. Không nhầm lẫn chỗ này được. Ở tình yêu không có thoả hiệp, vô điều kiện, chỉ là sự hi sinh của người này, người kia hoặc của cả hai người.
Nhưng khi đi vào đời sống chồng vợ là đi vào khuôn khổ của một bản thoả hiệp. Đừng quên yếu tố này. Đã thoả hiệp thì phải bảo vệ sự thoả hiệp này, phải tôn trọng một cách tình nguyện. Đây là những thoả hiệp tình nguyện chứ không phải là những thoả hiệp mang tính chất bắt buộc.
Khi đã sống cuộc sống chồng vợ thì phải sống với một bản thoả thuận. Vì vậy khi cưới nhau mới có giấy chứng nhận, còn khi yêu nhau không ai đi xin giấy chứng nhận hai người yêu nhau. Không có cơ quan nào trên thế giới cấp cho quí vị giấy chứng nhận hai người đang yêu nhau. Nhưng đã trở thành vợ chồng thì có giấy chứng nhận. Đó chính là giấy tờ trên thoả thuận và bắt đầu ràng buộc những quyền lợi có điều kiện hết. Nếu chúng ta hiểu được tính chất căn bản này, chúng ta mới hiểu được nền móng của quan hệ chồng vợ.
Và khi đã thoả thuận như vậy, người chồng hoặc người vợ không được áp đặt người phối ngẫu phải sống theo ý muốn của mình. Tất cả đều phải sống trong sự thoả thuận với nhau và hai người đồng lòng với nhau. Người này không được ra lệnh cho người kia, không thể lấy bất cứ lý do gì để phủ bóng lên hay áp đặt lên người kia được. Nắm được tính chất cơ bản này, sau này khi trở thành chồng vợ, hai người mới thấy dễ chịu trong cuộc hôn nhân của mình.”
Những cặp vợ chồng khác đức tin
Chiều hôm sau tôi lại tiếp một đôi vợ chồng trẻ tiêu biểu cho chuyện thương tâm trong vấn đề hôn nhân khác tôn giáo. Vấn đề này quả thật gay go, nhưng vì sức nhìn của tôi khác, nên tôi có thể giúp họ gỡ chỗ này. Đây là sự đau khổ lớn lao của một bộ phận nhân loại.
Cô gái là em ruột của anh thanh niên hôm qua. Chồng của cô là người Thiên Chúa giáo. Chính người anh ruột và bạn gái của anh ta đã đưa cặp vợ chồng này đến gặp tôi. Cô vợ rất hiền, dễ thương và còn rất trẻ, chưa tròn 30 tuổi, nhưng người rất tiều tuỵ như xác không hồn, như một cánh hoa héo. Lúc đầu tôi không biết hai vợ chồng này khác tôn giáo. Người vợ nhìn chồng và nhìn tôi, rồi bật khóc.
Cô kể lại nỗi uất ức trong năm năm làm vợ của một người chồng khác tôn giáo. Cô lên án người chồng đã ức hiếp cô về vấn đề tôn giáo. Cô bảo, khi đã lấy anh ấy, cô chấp nhận đi nhà thờ, tham dự tất cả các thánh lễ của nhà thờ, nhưng cô không chấp nhận bỏ đạo Phật nên cô đến với chùa, đến với các vị tu sĩ Phật giáo và cô thường hay hát trong các buổi diễn văn nghệ để gây quỹ từ thiện cho chùa.
Cô gặp hai trở ngại lớn. Thứ nhất, người chồng không vui khi cô đi hát cho các chùa. Do vậy, mỗi lần đi hát ở chùa cô rất đau khổ. Hoặc có những lúc chồng không vui nên cô không đi hát. Thứ hai, khi dẫn chồng cùng đi vào chùa lễ Phật, thấy chồng không vui nên cô ấy lễ Phật cũng không vui. Thật bi đát! Một nỗi khổ nữa là năm năm rồi cô không dám có con, bởi vì trước ấy, lúc hai người còn yêu nhau cô đã lỡ đồng ý với người chồng rằng, khi con sinh ra sẽ theo đạo Thiên Chúa giáo.
Đó là một lời hứa trước khi cưới, giống như là một sự thoả thuận, sự bắt buộc của phía nhà chồng. Và người chồng bị phía gia đình mình kiểm soát hoàn toàn về vấn đề tôn giáo. Cha mẹ chồng kiểm soát hai vợ chồng hoàn toàn trong vấn đề thể hiện đức tin của tôn giáo. Người chồng cũng rất cố chấp về tôn giáo do áp lực từ cha mẹ.
Những người ở trong hoàn cảnh ấy đều thấy mình đúng, bên chồng thấy mình đúng, bên vợ cũng thấy mình đúng. Nhưng người bên ngoài hoàn cảnh thì thấy cả hai đều dại dột. Nếu một ngày nào đó cả hai vợ chồng vượt ra khỏi hoàn cảnh này, họ sẽ thấy chính mình đã trải qua một thời gian dại dột – chỉ vì chuyện bên ngoài mà đánh mất hạnh phúc thật của mình. Họ yêu nhau tha thiết nhưng cuối cùng bị chuyện khác biệt tôn giáo phủ bóng vào tình yêu, khiến tình yêu ấy bị giết chết và trở thành hai con người sống trong sự uất ức với nhau.
Lúc còn yêu nhau thì không thấy rõ, nhưng khi đã bước vào đời sống chồng vợ, những rắc rối này mới hiện ra. Cũng như cặp của người anh trai gặp tôi chiều hôm trước, bây giờ đang yêu nhau say đắm không thấy gì, nhưng nay mai cưới nhau về mới thấy rắc rối.
Giải quyết làm sao?
Họ gặp tôi trong vòng có mấy tiếng đồng hồ nên tôi chỉ nói với họ một số vấn đề về nguyên tắc, khuyên họ giữ nguyên tắc đó và thường xuyên gặp tôi vào thứ sáu và chủ nhật để tiếp tục giải quyết, khôi phục hạnh phúc vợ chồng. Đâu dễ gì để tìm được một mối tình như vậy. Nhưng thương nhau mà lại không ở được với nhau sẽ khiến hai người rất khó thoát ra khỏi vết thương lòng kéo dài.
Điều căn bản mà tôi khuyên cặp vợ chồng này là:
Thứ nhất, hai vợ chồng phải tránh xa sự tác động của cha mẹ. Nếu chấp nhận, hai vợ chồng phải sống độc lập, sống phải tự tin vào chính mình, tự tin vào khả năng của mình và phải cắt đứt sự ràng buộc giữa hai gia đình ở sau lưng mình. Nếu không đủ sức làm chuyện này thì hạnh phúc cũng tan rã. Chúng ta chấp nhận sự cố vấn, sự hướng dẫn tinh thần của cha mẹ, nhưng không thể chấp nhận sự thúc đẩy, sự ràng buộc của cha mẹ, của dòng họ sau lưng mình được. Bởi vì cha mẹ thương mình cũng thương theo ý cha mẹ, dòng họ thương mình cũng thương theo ý dòng họ. Họ là con người mà ý của con người thì vô tận vô biên.
Chúng ta không thể sống như vậy được. Hạnh phúc là của hai vợ chồng chứ không phải hạnh phúc theo kiểu suy nghĩ của những người sau lưng chúng ta. Do đó, không được để các mối quan hệ xung quanh chi phối vào quyết định, cách sống của hai vợ chồng. Người ta có thể cố vấn, tư vấn nhưng người ta không thể quyết định được, quyết định chính là hai vợ chồng.
Khi tôi nói đến đó, người vợ bảo: “Vì thế nên con đã nói với chồng phải mua nhà chỗ khác, không được ở gần cha mẹ chồng nữa.” Người chồng cũng đã đồng ý mua nhà chỗ khác, không ở gần gũi bố mẹ mình để tránh sự ảnh hưởng thường xuyên mỗi ngày. Đây là một điều rất tích cực.
Vấn đề thứ hai là, người chồng không được bắt vợ mình bỏ đức tin. Bởi vì buộc vợ bỏ đức tin là một cách giết vợ rất tàn nhẫn. Bảo một người đang tin dựa vào đức tin từ bỏ đức tin tức là đang giết linh hồn của họ. Cho nên, không được làm điều ấy. Người vợ có thể đến nhà thờ dự lễ nghe giảng là điều tốt. Nhưng nếu bỏ đức tin về đạo Phật là điều không nên làm, không được làm. Bởi nếu làm như vậy, người vợ sẽ như một thây ma không còn linh hồn để sống nữa.
Nếu thật sự yêu vợ, người chồng phải biết trân trọng, bảo vệ đức tin của vợ mình, đưa vợ đến chùa hoặc tìm cách để vợ tiếp cận với đức tin của cô ấy qua sách vở, qua những vị thầy tốt, có đủ trình độ, có tâm hồn rộng mở, có nhân cách. Nói tóm lại, người chồng phải tôn trọng và tạo điều kiện để vợ mình tiếp cận với đức tin một cách thông minh nhất.
Về mặt nguyên tắc, mỗi người giữ đức tin riêng của mình và tôn trọng đức tin nhau. Về mặt sâu thẳm bên trong đầu óc, phải tôn trọng tuyệt đối, không được xem thường, gây khó khăn trong vấn đề tiếp cận và thực hiện đức tin của mỗi người. Hai vợ chồng phải đồng ý điều này.
Về cách tiếp cận và thực hành đức tin như thế nào thì hai vợ chồng bàn bạc với nhau. Nhưng phải tiếp cận đức tin khôn ngoan, không được mù quáng vì không khéo sẽ làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, sẽ dẫn mình đi tới ngõ cụt của cuộc đời. Và tôi nói rất rõ cho hai vợ chồng rằng, mục tiêu cuối cùng của đức tin là mình thương được ai, tha thứ được ai, thông cảm được với ai. Chứ không phải đức tin là sự cố chấp.
Vậy, người chồng hãy xem lại mình có đủ sức thương và thông cảm với vợ chưa. Người vợ hãy xem lại mình có đủ sức thương và thông cảm với chồng chưa. Đừng để đức tin trong đầu khống chế rồi áp đặt lên người khác, đánh giá người khác sống trong vô minh. Đi theo tôn giáo là để thương người, để thông cảm với con người, để tha thứ, thương yêu, giúp đỡ nhau. Như vậy mới là chân chính đi theo tôn giáo. Đó là mục tiêu của đức tin mà tôi nhấn mạnh cho hai vợ chồng trẻ.
Duy Tuệ
Theo Tienphong