Dài 5 phút 36 giây, clip Tin nhắn mới chuyển tải một thông điệp quan trọng trong cuộc sống hiện đại: tin nhắn điện thoại - một phương tiện liên lạc hiện đại lại đang tạo nên khoảng cách giao tiếp giữa các thế hệ trong xã hội.
Dài 5 phút 36 giây, clip Tin nhắn mới chuyển tải một thông điệp quan trọng trong cuộc sống hiện đại: tin nhắn điện thoại - một phương tiện liên lạc hiện đại lại đang tạo nên khoảng cách giao tiếp giữa các thế hệ trong xã hội.
Nhiều người lớn đã giật mình khi biết rằng những tác giả đưa ra thông điệp sâu sắc ấy lại là một nhóm học sinh THPT.
Cảnh trong clip Tin nhắn mới: tin nhắn điện thoại thay thế mọi lời nói -
Ảnh chụp lại từ YouTube
Là sản phẩm đoạt giải nhất của một cuộc thi làm phim nghiệp dư mang tên “Qua ống kính trẻ thơ” dành cho học sinh, Tin nhắn mới sẽ giúp đội KWN Trường Hà Nội - Amsterdam tham gia tranh tài cùng với sáu đội làm phim khác như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Úc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 12 tới.
Thế nhưng, điều thú vị nhất lại không nằm ở giải thưởng mà ở sự tán đồng của cộng đồng mạng, của cả những người thuộc thế hệ “ngón tay cái” như các tác giả trẻ này lẫn của người lớn - phụ huynh. Rất nhiều trang mạng đã giới thiệu clip đến độc giả, những thành viên của các diễn đàn dành cho tuổi học trò và đặc biệt là các diễn đàn dành cho bà mẹ, ông bố trẻ cũng dẫn lại đường link clip này và bàn luận.
Tuy không tạo ra làn sóng (đến nay chỉ hơn 10.000 lượt xem trên YouTube và hơn 10 diễn đàn/trang tin/blog dẫn lại clip) và nhận được nhiều lời khen - chê khác nhau nhưng có thể nói Tin nhắn mới đã nói trúng một vấn đề rất thời sự trong thói quen giao tiếp hiện nay. An Phạm trên diễn đàn Giadinh24h chia sẻ: “Tôi rất thấm thía và thú vị khi xem clip này. Giật mình nghĩ lại về gia đình mình, mỗi người kè kè một chiếc điện thoại, có lúc người tầng trên kẻ tầng dưới nhắn hoặc gọi điện thoại cho nhau mà lười chạy xuống. Nhiều lúc còn có cảm giác việc nhìn mặt nhau ngày càng hiếm hoi”.
Phong Nguyen bình luận trên YouTube: “Nếu kiểu này thì hơi quá, riết càng ngày càng mất đi tiếng nói, lệ thuộc quá nhiều vào điện thoại”. Trieu Tran khẳng định: “Ngày càng hiện đại thì con người ta càng trở nên ít cảm xúc và lười nhác”. Trong khi đó, có những công dân mạng chỉ ra những tình tiết hơi quá. Trên một trang tin điện tử, daokhanhhuyen93 nhận xét: “Ý tưởng tốt nhưng tình tiết rất thiếu tự nhiên”. Hurt Love thì phê bình: “Có điêu quá không? Đi mua sách cũng nhắn tin với người bán hàng?”.
Tuy nhiên, có lẽ cũng không nên quá đòi hỏi, xét nét vì nhóm tác giả này còn đang là học sinh. Điều quan trọng là các bạn đã chuyển tải được thông điệp của mình và khiến không ít người xem hiểu và đồng cảm.
Cách đây không lâu, nhiều nhà nghiên cứu tâm lý xã hội đã cảnh báo nguy cơ bạo lực ở trẻ vị thành niên thế hệ “ngón cái” (thế hệ chuyên giao tiếp bằng tin nhắn) bởi vì càng ít giao tiếp bằng ngôn ngữ thì khả năng đàm phán của người trẻ càng giảm sút và khi xảy ra xung đột thì việc dùng “nắm đấm” để giải quyết vấn đề sẽ càng tăng lên.
Bên cạnh đó, khi các thành viên trong gia đình thường xuyên giao tiếp với nhau bằng tin nhắn mà hiếm thời gian trao đổi, chia sẻ, hỏi han nhau thì rõ ràng tình cảm gia đình sẽ khó có thể nồng ấm và giới trẻ cũng dễ cảm thấy xa rời bố mẹ hơn. Không nhìn vào mắt nhau thì làm sao biết người kia nghĩ gì? Những tin nhắn không thể thay thế cho một ánh nhìn động viên, đồng cảm, yêu thương được. Đó là chia sẻ của nhiều người làm cha làm mẹ trên các diễn đàn.
Theo Tuoitre