Sự kiện hot
12 năm trước

Khó dự đoán điểm dừng giá vàng

Trong 10 năm qua, giá vàng đã biến động khó lường, tác động đến nhiều mặt của nền kinh tế, đời sống, xã hội. Song chưa thể xác định chính xác điểm dừng của giá vàng.

Trong 10 năm qua, giá vàng đã biến động khó lường, tác động đến nhiều mặt của nền kinh tế, đời sống, xã hội. Song chưa thể xác định chính xác điểm dừng của giá vàng.

Nhìn lại năm 2011, giá vàng tuy có tăng, giảm qua các tháng, nhưng tính chung cả năm vẫn tăng rất cao.

Qua biểu đồ có thể thấy, trong 12 tháng qua, mặc dù có tới 5 tháng giá vàng giảm, nhưng với 7 tháng tăng, trong đó tăng mạnh vào các tháng 3, 8 và 9, khiến cho giá vàng tính chung cả năm tăng cao (24,09%). Với tốc độ tăng này, giá vàng đã tăng cao gấp trên 1,3 lần tốc độ tăng 18,13% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và cao gấp gần 10,8 lần tốc độ tăng 2,24% của giá USD.

Điểm đáng chú ý thứ hai là, giá vàng trong nước tăng, giảm có nguyên nhân quan trọng nhất là do ảnh hưởng của giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới biến động lớn: lúc đỉnh điểm lên tới 1.925 USD/ounce, lúc thấp điểm xuống dưới 1.550 USD/ounce. Nguyên nhân chủ yếu do diễn biến khó lường của lĩnh vực tài chính, kinh tế thế giới; sự lên xuống khó dự đoán của giá USD;  việc mua vào/bán ra bất thường của các quỹ đầu tư vàng lớn.... Vì thế, sự biến động giá vàng thế giới tới đây sẽ rất khó dự đoán.

Thứ ba, giá vàng ở trong nước đã chuyển vị thế từ thấp hơn sang cao hơn so với giá vàng thế giới. Chênh lệch cao nhất có lúc tới 4 - 5 triệu đồng/lượng, còn thường xuyên ở mức trên, dưới 1,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân quan trọng là giữa thị trường vàng ở trong nước với thị trường vàng thế giới chưa có sự liên thông. Có nguyên nhân lớn khác là lạm phát cao ở trong nước làm cho đồng Việt Nam bị mất giá. Chỉ tính từ năm 2004 đến nay, CPI đã cao gấp trên 2,4 lần; hay đồng tiền bị mất giá, chỉ còn 41,6%; tính ra cùng một lượng tiền, nếu cuối năm 2003 còn mua được 100% lượng hàng, thì nay chỉ mua được 41,6% lượng hàng.

Có nguyên nhân do tình trạng vàng hoá, đô la hoá của nền kinh tế khá cao. Lượng vàng ở trong dân, trong các DN ở mức cao. Đây là lượng vốn rất lớn không được huy động để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Khi giá vàng tăng cao hoặc giảm sâu, thì lượng vàng tồn đọng lại trở thành hàng hoá, hút vào - đẩy ra một lượng tiền lớn, làm tăng hoặc giảm lượng tiền ở các kênh đầu tư khác, như  chứng khoán, bất động sản…

Thứ tư, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới không chỉ hút một lượng tiền lớn vào đây, tạo áp lực lên tâm lý kỳ vọng lạm phát, mà còn tác động đến hai hiện tượng khác. Một là xuất hiện hiện tượng nhập lậu vàng, làm tăng nhập siêu, gây áp lực làm mất cân đối cán cân thương mại… Hai, để nhập khẩu vàng lậu, các nhà nhập khẩu phải mua USD ở trong nước, tạo áp lực làm tăng tỷ giá VND/USD.

Thứ năm, Ngân hàng Nhà nước đang có biện pháp để ổn định giá vàng trong nước. Giá vàng trong nước hiện vẫn còn cao hơn giá vàng thế giới cỡ 1 - 2 triệu  đồng/lượng.

Đây là lúc cần tạo điều kiện để thị trường vàng ở trong nước liên thông với thị trường vàng thế giới. Có như thế mới mong đạt được ý tưởng giá vàng ở trong nước chỉ dao động +/- 400.000 đồng/lượng so với giá vàng thế giới như ý tưởng mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra.

Đào Ngọc Lâm
Theo Dau tu

Từ khóa: