Bằng những kết quả tích cực trong thời gian qua, sự phát triển của Chương trình OCOP cho thấy đây là chủ trương sáng suốt, giúp nâng tầm nông sản Việt Nam, đồng thời góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân từ sản xuất manh mún, thô sơ sang cánh đồng mẫu lớn, phát triển sản phẩm truyền thống theo hướng chuyên sâu, hình thành các vùng sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP ngày càng được nhân rộng ở khắp mọi miền Tổ quốc.
Để có được thành công trong chương trình OCOP, mỗi tỉnh có cách làm sáng tạo riêng nhưng đều cho thấy quyết tâm chính trị cao, nhiều giải pháp phù hợp, sát thực tiễn. Trong đó, chủ chốt là khơi dậy tiềm năng sản xuất hàng hóa đối với nông sản có thế mạnh.
Theo số liệu từ ngành nông nghiệp tỉnh Cao Bằng, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và phát triển được 58 sản phẩm đạt chứng nhận tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 55 sản phẩm đạt hạng OCOP 3 sao và 03 sản phẩm đạt hạng OCOP 4 sao.
Qua kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh, các sản phẩm sau khi được công nhận sản phẩm OCOP đã được các chủ thể tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm bằng nhiều hình thức như: Đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử (Postmart.vn, voso.vn, shopee.vn…)
Theo thống kê hiện tại ở 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đều có các sản phẩm OCOP. Thuộc 6 lĩnh vực: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải may mặc; đồ lưu niệm - nội thất, trang trí; dịch vụ du lịch.
Tại huyện Nguyên Bình, đến nay có 4 sản phẩm được UBND tỉnh Cao Bằng đánh giá, phân hạng và gắn sao sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó, 2 sản phẩm đạt 4 sao là chiếu trúc và chiếu trúc hoạt hóa của Công ty TNHH Một thành viên 688; 2 sản phẩm đạt 3 sao là thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ của Hợp tác xã An Phú.
Năm 2022, huyện Nguyên Bình phấn đấu gắn sao cấp tỉnh cho 6 sản phẩm. Trong đó, 6 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng để gắn sao OCOP cấp tỉnh gồm: miến dong của Hợp tác xã dong riềng Trung Hiếu; cơ sở sản xuất miến dong Minh Đào; Công ty TNHH Kolia Cao Bằng (xã Thành Công); cơ sở miến dong Khánh Hoa (thị trấn Nguyên Bình); hộ sản xuất, kinh doanh lê VH6 Triệu Kiềm Vạng (xã Quang Thành); cơ sở mật ong tự nhiên Đoàn Linh (xã Minh Tâm).
Để đạt mục tiêu gắn sao cho sản phẩm OCOP, ngay từ đầu năm, huyện Nguyên Bình chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với UBND các xã trực tiếp làm việc với các chủ thể sản phẩm để rà soát, tổng hợp theo tiêu chí quy định đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP.
Bên cạnh đó, UBND huyện Nguyên Bình tổ chức thành lập đoàn tham gia gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại Lễ hội ẩm thực và du lịch làng nghề Hà Nội năm 2022 (từ ngày 19 - 23/5/2022) nhằm giới thiệu bản sắc văn hóa, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch; giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ đối với các sản phẩm nông sản tiêu biểu trên địa bàn huyện, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. Tăng cường công tác quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; chú trọng thúc đẩy chuỗi giá trị, đầu tư nguồn lực và sự tham gia của cả cộng đồng. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý Chương trình OCOP, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ thể tham gia Chương trình OCOP…
Có thể thấy, việc công nhận sản phẩm đạt OCOP đã giúp nâng tầm giá trị cho nông sản của tỉnh Cao Bằng, thúc đẩy người nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá an toàn gắn liền với quy chuẩn, tiêu chuẩn hoá các sản phẩm, có địa chỉ và truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Ánh Tuyết
Theo KTĐU