Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp Quốc gia năm 2020. Trong đó, 2 sản phẩm Trà xanh và Hồng trà của HTX chế biến chè Phìn Hồ, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang được công nhận OCOP 5 sao Quốc.
Theo kết quả chấm điểm, đánh giá của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP Quốc gia, trong số 20 sản phẩm, sản phẩm của Hà Giang được chấm điểm cao thứ 2 từ 93 – 95 điểm, chỉ đứng sau sản phẩm trà atiso nổi tiếng của tỉnh Lâm Đồng. Các sản phẩm đạt OCOP 5 sao sẽ được Bộ NN&PTNT cấp giấy chứng nhận, được sử dụng biểu trưng, tem OCOP Quốc gia trên bao bì, nhãn mác và các tài liệu giới thiệu, quảng bá về sản phẩm theo quy định. Kết quả phân hạng có giá trị 36 tháng kể từ ngày công nhận. Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các tỉnh, thành có sản phẩm OCOP tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các cơ sở sản xuất nâng cao chất lượng, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Cơ sở sản xuất, doanh nghiệp được công nhận cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm.
Với kết quả trên cho thấy sự nỗ lực rất lớn của HTX chế bến chè Phìn Hồ cũng như sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh Hà Giang, các ngành Công thương, Nông nghiệp và địa phương Hoàng Su Phì trong việc xây dựng sản phẩm chất lượng, mang giá trị, thương hiệu Hà Giang. Đặc biệt, với sự chú trọng thúc đẩy nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng năm ngoài việc đầu tư nguồn khuyến công cho các hoạt động sản xuất, chế biến, ngành Công thương cũng chủ trì trong việc bình chọn các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Qua đó động viên, thúc đẩy việc sản xuất và nâng cao sản phẩm công nghiệp nông thôn của địa phương.
Hiện nay, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) có 1.470 ha chè đã được chứng nhận hữu cơ; trong đó có 161 ha theo tiêu chuẩn Liên minh châu Âu. Ngoài ra, chè Hoàng Su Phì đã có chứng nhận chỉ dẫn địa lý và chứng nhận quần thể cây chè di sản Việt Nam. Sản phẩm chè của huyện đã xuất khẩu sang một số quốc gia và vùng lãnh thổ, nhận được sự đánh giá cao của khách hàng. Thời gian qua, huyện Hoàng Su Phì đang tập trung chế biến sâu các sản phẩm từ chè như: Bạch trà, Hồng trà, Trà xanh, Trà móng rồng… Năm 2020, có 2 sản phẩm chè OCOP của huyện Hoàng Su Phì đạt 5 sao là sản phẩm trà Xanh (hộp 100 gam) và Hồng trà (hộp 100 gam) của HTX chế biến chè Phìn Hồ được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Với mục tiêu đưa được sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ của huyện Hoàng Su Phì có độ tuổi lâu năm, có hàm lượng dinh dưỡng cao đến với đông đảo người tiêu dùng trong nước và nước ngoài, HTX chế biến chè Phìn Hồ đã xây dựng mối liên kết chặt chẽ với người nông dân là dân tộc thiểu số trên địa bàn, từng bước nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm.
Được biết, để tạo vùng nguyên liệu có chất lượng và ổn định, hàng năm HTX chế biến chè Phìn Hồ liên kết, hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho trên 900 hộ dân, với diện tích trên 600ha chè. Doanh thu của HTX đạt từ 15 -20 tỷ/năm; bình quân mỗi ha chè cho thu nhập khoảng 35 - 40 triệu đồng, tăng hơn 3 lần so với 10 năm trước và các hộ dân trồng chè thôn Phìn Hồ 100% thoát nghèo.
Chia sẻ với báo chí, ông Triệu Tạ Hin, Giám đốc HTX chế biến chè Phìn Hồ cho biết, HTX được thành lập bởi các hộ gia đình đồng bào Dao đỏ. Lĩnh vực hoạt động chính của HTX là sản xuất, chế biến trà Shan tuyết cổ thụ vùng núi cao thuộc huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang với thương hiệu sản phẩm là Fìn Hò Trà.
Ông Hin nhấn mạnh mục tiêu của HTX là đơn vị cầu nối liên kết bà con dân tộc thiểu số vùng cao trồng chè được tiêu thụ 100% sản phẩm chè tại địa phương với giá trị cao. Đồng thời xây dựng được giai cấp nông dân là người dân tộc thiểu số có tư duy, có kiến thức trong sản xuất chế biến sản phẩm hàng hóa thông qua lớp học tập huấn, đào tạo cách chăm sóc, cách sản xuất chế biến sản phẩm chè mang tiêu chuẩn cao, được những giảng viên là chuyên gia chè trong nước và quốc tế trực tiếp giảng dạy.
Khi tham gia Chương trình OCOP, ông Hin chia sẻ: "Chúng tôi thấy đây là chương trình hết sức đúng đắn phù hợp trong triển khai phát triển sản phẩm hàng hóa ở Việt Nam. Đồng thời, chương trình góp phần phát triển kinh tế xã hội, trong đó người nông dân, doanh nghiệp vừa được tiếp cận đào tạo kiến thức sản xuất sản phẩm, vừa tăng giá trị sản phẩm thông qua xây dựng thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường".
HTX chế biến chè Phìn Hồ đã nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của Chương trình OCOP trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm, HTX đã triển khai rất quyết liệt chương trình này bằng việc hoàn thiện sản phẩm, lựa chọn tạo vùng nguyên liệu, kỹ thuật sản xuất, xác định sản phẩm tốt nhất và có tiềm năng lớn nhất để đưa vào xây dựng hồ sơ OCOP.
Xác định chè là cây chiến lược để giảm nghèo, tỉnh Hà Giang nói chung và huyện Hoàng Su Phì nói riêng đã tập trung chỉ đạo, đưa ra một số chính sách cũng như giải pháp để khuyến khích các tập thể, cá nhân đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh chè. Trong đó có thể kể đến như Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) và Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giúp đem lại những hiệu quả thiết thực, góp phần thay đổi tư duy sản xuất, giúp người dân cải thiện thu nhập và từng bước nâng cao đời sống.
Việc 2 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 5 sao không chỉ khẳng định chất lượng, thương hiệu của sản phẩm địa phương của tỉnh Hà Giang được nâng tầm quốc gia mà còn mở ra cơ hội tiêu thụ tốt sản phẩm ở thị trường trong nước đồng thời hướng đến xuất. Từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn, đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng để làm giàu cho quê hương và đây cũng chính là cơ hội để các sản phẩm đặc trưng của huyện Hoàng Su Phì mở rộng việc liên kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; từng bước đưa các mặt hàng nông sản của địa phương vươn ra thị trường trong, ngoài nước.
Tạ Thành
Theo KTDU