Sự kiện hot
5 năm trước

Không chỉ giảm tốc, tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng đã về mức âm trong quí I

Theo thống kê, có tới 9/27 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng cho vay âm trong bối cảnh doanh nghiệp tập trung vào thu hồi vốn, trả nợ vay và không có nhu cầu vay vốn do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng âm

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết 31/3, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đạt 1,1% so với cùng kì. Trước đó, hai tháng đầu năm, chỉ tiêu này chỉ tăng 0,06%, thấp kỉ lục trong 6 năm qua do dịch COVID-19 hoành hành.

Mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cũng cho hay tính đến giữa tháng 4/2020, tăng trưởng dư nợ tín dụng cả nước chỉ đạt 0,8%.

Giải thích lí do tín dụng sụt giảm mạnh, ông Hùng cho biết hiện nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sụt giảm mạnh do không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới thực hiện giải pháp giãn cách xã hội, tiêu dùng và xuất khẩu đều giảm mạnh, nguyên liệu đầu vào lẫn thị trường đầu ra đều khó khăn.

"Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp tập trung vào thu hồi vốn, trả nợ vay, không có nhu cầu vay vốn tiếp. 4 ngân hàng quốc doanh muốn đẩy mạnh vốn vay mà không thể cho vay được", ông Hùng cho biết thêm.

Cũng theo số liệu từ báo cáo tài chính quí I/2020 của 27 ngân hàng, tổng dư nợ cho vay ra nền kinh tế của các ngân hàng vào cuối tháng 3 là gần 5,9 triệu tỉ đồng, tăng 1,1% so với cùng kì năm trước.

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu vay vốn đã sụt giảm mạnh khiến tăng trưởng ngân hàng giảm tốc, thậm chí đã có tới 9 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng âm. Có thể kể đến như: NCB, MB, ABBank, SeABank, PG Bank, Saigonbank, Eximbank và cả những ông lớn như BIDV, VietinBank.

Cùng với đó cũng chỉ có 4 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng trên 5% gồm OCB (tăng 8,8%), SHB (tăng 6,4%), VietABank (tăng 5,3%) và TPBank (tăng 5,1%). Điều này cho thấy hoạt động cho vay chậm lại ở hầu hết các ngân hàng.

Trong ba ngân hàng TMCP Nhà nước thì chỉ có Vietcombank có tăng trưởng cho vay đạt 2,7% còn lại VietinBank, BIDV đều ghi nhận con số âm.

Doanh nghiệp không có nhu cầu vay, tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng giảm tốc - Ảnh 2.

Nguồn: BCTC quí I/2020 (đvt: Tỉ đồng, Thu Hoài tổng hợp).

Tăng trưởng tín dụng giảm tốc nhưng dự phòng rủi ro cho vay lại tăng khá mạnh cho thấy sự thận trọng trước nguy cơ phát sinh nợ xấu của các ngân hàng. Tính đến 31/3/2020, tổng dự phòng rủi ro cho khách hàng đạt 86.474 tỉ đồng, tăng 13,5% so với cùng kì.

Trong đó, có 5 ngân hàng có tăng trưởng dự phòng rủi ro trên 15% bao gồm Vietcombank (tăng 38,8%), Kienlongbank (tăng 23%), OCB (tăng 22,1%), MBBank (tăng 22,1%), TPBank (tăng 18,5%).

Ở chiều ngược lại, chỉ có 3 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng dự phòng rủi ro là LienvietPostBank (giảm 0,5%), PG Bank (giảm 4,3%), SeABank (giảm 17,4%).

Không chỉ giảm tốc, tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng đã về mức âm trong quí I - Ảnh 2.

Nguồn: BCTC quí I/2020 (đvt: Tỉ đồng, Thu Hoài tổng hợp).

Top 10 ngân hàng cho vay nhiều nhất

Trong 5,7 triệu tỉ đồng dư nợ cho vay tại 27 ngân hàng, lượng cho vay ra của ba "ông lớn" ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, VietinBank và BIDV chiếm tỉ trọng gần 50% với 2,8 triệu tỉ đồng.

Ở nhóm ngân hàng cổ phần, dẫn đầu có số dư cho vay khách hàng lớn nhất là những gương mặt như: Sacombank (306.299 tỉ đồng), SHB (282.160 tỉ đồng), ACB (274.794 tỉ đồng), VPBank (263.748 tỉ đồng)....

Số dư cho vay khách hàng các ngân hàng cuối quí I/2020

Không chỉ giảm tốc, tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng đã về mức âm trong quí I - Ảnh 3.

Đvt: tỉ đồng (Nguồn: Thu Hoài tổng hợp từ BCTC các ngân hàng).

Thu Hoài

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: