Sự kiện hot
4 năm trước

KBSV: NHNN sẽ duy trì tăng trưởng cung tiền, nới room tín dụng cho các ngân hàng trong quí III

Theo KBSV, NHNN sẽ nới room tín dụng cho từng ngân hàng, ưu tiên các ngân hàng đã đạt Basel II, với ước tính từ 2 - 3 điểm phần trăm trong quí III. Đây là thời điểm bắt đầu mùa cao điểm cho vay của các ngân hàng.

Thanh khoản dư thừa

Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam quí II/2020 của CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) mới đây cho biết thanh khoản hệ thống trong quí I/2020 dồi dào, với mức chênh lệch phần tăng thêm M2 và tín dụng cao nhất so với cùng kì trong 3 năm trở lại đây.

Diễn biến này chủ yếu là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động bơm tiền vào hệ thống thông qua việc mua ngoại tệ (ước tính 3,6 tỉ USD, tương đương khoảng 84 nghìn tỉ đồng) trong giai đoạn trước Tết Nguyên Đán nhằm hỗ trợ thanh khoản.

Bên cạnh đó, dịch bệnh khiến cầu tín dụng yếu đi do các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh. Thanh khoản dư thừa và không thể chảy ra ngoài thị trường đã đẩy lợi suất trái phiếu xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.

Ngoài ra, hoạt động trường mở và thị trường liên ngân hàng khá trầm lắng với việc NHNN chỉ sử dụng công cụ tín phiếu nhằm hút lượng lớn tiền trong hệ thống (147 nghìn tỉ đồng).

KBSV: NHNN sẽ nới room tín dụng cho các ngân hàng trong quí III - Ảnh 1.

Tuy vậy, theo KBSV, với tính liên thông khá yếu, sự dồi dào thanh khoản ở thị trường liên ngân hàng hiện chưa thể giúp lãi suất huy động và lãi suất cho vay trên thị trường 1 giảm mạnh.

Trên thực tế, NHNN đã phải sử dụng biện pháp hành chính, bao gồm điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, hạ trần lãi suất huy động kì hạn dưới 6 tháng vào giữa tháng 3. Biện pháp này đã phần nào có tác dụng, khi mặt bằng lãi suất huy động kì hạn hơn 6 tháng được điều chỉnh giảm 30 – 50bps.

Lãi suất cho vay đã được các NHTM giảm từ 0,5 – 2%/năm dối với các khoản cho vay hiện hữu và vay mới từ 1/4/2020 cho nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng từ COVID-19 theo Chỉ thị 2.

NHNN sẽ duy trì tăng trưởng cung tiền, nới room tín dụng trong quí III

KBSV cho rằng NHNN sẽ duy trì mức tăng trưởng cung tiền và tín dụng trong biên độ tăng trưởng 10-14% xuyên suốt năm, nhằm tránh những hệ lụy về sau như nợ xấu và bong bóng giá tài sản (ví dụ như bất động sản) như giai đoạn 2009 - 2011.

Mức tăng trưởng này là phù hợp và là mục tiêu NHNN duy trì trong hai năm qua nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng, khi chỉ số tín dụng/GDP của Việt Nam sau khi điều chỉnh GDP vẫn ở mức cao trong khu vực (khoảng 110%).

Các biện pháp hỗ trợ thanh khoản ngắn và trung hạn có thể cần được sử dụng linh hoạt. Mặc dù thanh khoản hệ thống đang ở trạng thái tương đối dồi dào, rủi ro từ áp lực tỷ giá tác động đáng kể là kịch bản cần được tính đến.

Trong ngắn hạn, hoạt động thị trường mở (OMO) sẽ được linh hoạt sử dụng khi lãi suất OMO đã được giảm xuống chỉ còn 3,5%.

Trong trung và dài hạn, các biện pháp như sử dụng công cụ tái cấp vốn và tái chiết khấu, hoãn việc thực hiện qui định giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (dự kiến tháng 10/2020 có hiệu lưc) nên được tính đến.

Theo KBSV, NHNN sẽ nới room tín dụng cho từng ngân hàng, ưu tiên các ngân hàng đã đạt Basel II, với ước tính từ 2 - 3 điểm phần trăm trong quí III- thời điểm bắt đầu mùa cao điểm cho vay của các ngân hàng.

Tuy nhiên khả năng hấp thụ của nền kinh tế được dự báo sẽ khá yếu và phụ thuộc vào diễn biến của dịch bệnh, và khả năng khởi động lại của nền kinh tế sau khi dịch kết thúc.

KBSV: NHNN sẽ nới room tín dụng cho các ngân hàng trong quí III - Ảnh 2.

Đối với mặt bằng lãi suất cho vay, xu hướng giảm nhiều khả năng sẽ rõ rệt hơn trong thời gian tới.

Quan sát mối quan hệ giữa lãi suất cho vay và lãi suất điều hành, KBSV nhận thấy xu hướng đồng pha rõ rệt, nhất là trong trường hợp thanh khoản hệ thống gặp vấn đề. Xu hướng lệch pha trong thời gian 3 năm trở lại đây chủ yếu do qui định kiểm soát thanh khoản từ NHNN (giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn).

Thu Hoài

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Từ khóa: