Nằm trong nhóm những hàng hoá ế ẩm nhiều nhất do hạn chế chi tiêu của người dân trong bối cảnh kinh tế khó khăn, có lẽ phải đến hơn nửa năm trở lại đây, đi qua hàng điện máy - điện lạnh nào cũng thấy treo biển khuyến mại ưu đãi hấp dẫn,
Nằm trong nhóm những hàng hoá ế ẩm nhiều nhất do hạn chế chi tiêu của người dân trong bối cảnh kinh tế khó khăn, có lẽ phải đến hơn nửa năm trở lại đây, đi qua hàng điện máy - điện lạnh nào cũng thấy treo biển khuyến mại ưu đãi hấp dẫn, nhất là tại các trung tâm thương mại lớn.
Từ giảm giá “khủng” lên tới 30% - 40% đến quà tặng giá trị đi kèm, miễn phí vận chuyển, kéo dài thời gian bảo hành bảo trì. Quảng cáo hấp dẫn là vậy, nhưng có vào mua mới biết thế nào là “nói vậy mà không phải vậy”.
Từ khuyến mại có điều kiện...
Nằm trong nhóm những nhà bán lẻ hàng điện máy lớn trong nước, các siêu thị của Pico (tiền thân là Pico Plaza), Media Mart và HC rải đều ở hầu hết các con phố thương mại sầm uất nhất Hà Nội như Hàng Bài, Bà Triệu, Tây Sơn, Xuân Thuỷ… Đây cũng là ba trong số những trung tâm thương mại kinh doanh hàng điện máy (các sản phẩm điện tử - điện lạnh - viễn thông – công nghệ số, máy móc gia dụng) “siêng” khuyến mại nhất trên thị trường. Hơn nửa năm trở lại đây, hầu như lúc nào cũng thấy chưng những băng rôn, biển quảng cáo giảm giá, bán hàng ưu đãi căng kín mặt tiền. Trước Tết là “Xả hàng cuối năm”, sau Tết là “Xuân ngập tràn, ngàn quà tặng”, còn ở thời điểm tháng 3 này là “Tháng hàng động vì quyền người tiêu dùng” (Pico và HC) hay “Tháng bán hàng không lợi nhuận” (Media)…
Khái niệm “quyền lợi người tiêu dùng” vẫn còn mơ hồ... Ảnh: Bắc Sơn
Những khẩu hiệu thương mại (sologan) thay đổi theo từng thời điểm, nhưng các thông tin đi kèm thì không có gì mới mẻ. Bên cạnh các gói giảm giá là các chương trình hỗ trợ khách hàng như: Vận chuyển miễn phí đến 100 km, bảo dưỡng điều hoà miễn phí, đổi hàng lên đến 30 ngày, tặng thêm 1 năm bảo hành… Thế nhưng, có lẽ ngoài từ tăng thời gian đổi hàng và tặng thêm bảo hành thì các chương trình hỗ trợ còn lại chẳng có gì đáng gọi là mới mẻ. Trong thời gian bảo hành, đương nhiên anh phải bảo trì bảo dưỡng miễn phí cho tôi. Còn vận chuyển miễn phí? Tôi có người bạn ở quê, cách Hà Nội khoảng 150 km. Anh nhờ tôi tham khảo giá một chiếc tủ lạnh dung tích khoảng 500 lít trở lại, ở Hà Nội là bao nhiêu. Rảo qua 2 siêu thị điện máy của Pico và Media Mart nằm rất gần nhau trên phố Hai Bà Trưng, thấy giới thiệu một số sản phẩm đáp ứng yêu cầu anh bạn tôi; được giảm 9% (với điều kiện phải sử dụng thẻ ATM của một số ngân hàng nhất định), tặng kèm điện thoại bàn không dây, hỗ trợ vận chuyển… Báo lại bạn, anh bảo vậy thà mua ở quê, bằng giá ở Hà Nội chưa khuyến mại nhưng có vấn đề gì người ta đến bảo hành cho luôn; chứ bây giờ vận chuyển miễn phí cho mình rồi khi có trục trặc gì, ai dám chắc cửa hàng sẽ cử nhân viên đi cả trăm km đến sửa cho khách.
Nghe cũng có lý. Chưa kể thực tế cho thấy bên ngoài cả hai siêu thị điện máy này đều ghi bản giảm giá đồng loạt 9% các mặt hàng, nhưng không phải mặt hàng nào cũng được giảm, nếu có thì cũng không phải đều ở mức 9%. Khách mua các mặt hàng như laptop, màn hình vi tính, máy tính bảng, điện thoại của các hãng LG, Sonny, Nokia, máy ảnh, máy quay có giá trị từ 4 triệu trở lên và thanh toán bằng thẻ ngân hàng mới được giảm 4%; khách hàng nào dùng thẻ thanh toán của ngân hàng Viettinbank thì được giảm thêm 5% nữa. Không lẽ vì một vài đồng giảm giá phải đi làm cái thẻ thanh toán ở một ngân hàng mà cầm chắc sau này sẽ chẳng mấy khi dùng đến để giao dịch…
Đến khuyến mại ảo...
Một anh bạn khác của tôi, cả 2 vợ chồng là giáo viên, nhà ở khu tái định cư Định Công (Thanh Xuân - Hà Nội). Nói qua thế cũng biết không phải đối tượng dư dả. Dành dụm mãi được mấy đồng quyết định đổi cái tivi tinh thể lỏng thay “con” màn hình lồi cổ lỗ sĩ. Khảo giá chán chê, anh kết luận xem ra chỉ có điện máy HC ở đường Giải Phóng là khuyến mại nhiều hơn cả và không kèm điều kiện phải thanh toán bằng thẻ của ngân hàng này ngân hàng nọ.
Thực ảo lẫn lộn trong khuyến mại của các siêu thị
Cũng đang có nhu cầu, tôi đề nghị đi cùng. Choán ngay lối vào siêu thị là dãy những băng rôn to tướng quảng cáo khuyến mại giảm giá trong chương trình hưởng ứng “Tháng hành động vì quyền người tiêu dùng” mà Sở Công thương thành phố phát động; cùng hàng loạt hình ảnh về những sản phẩm giảm giá. Thế nhưng vào bên trong, tìm mỏi mắt giữa hàng trăm cái tivi LCD của cả mấy hãng nổi tiếng nhất thị trường cũng không thấy những sản phẩm đã “chấm” sẵn đâu. Hỏi nhân viên thì được biết những sản phẩm đó đã hết hàng vì thuộc nhóm khuyến mại nên đông khách mua. Hỏi sao đã hết vẫn ghi khuyến mại ngoài cửa và vẫn “treo” trên mạng; được trả lời hết đợt thì mới gỡ băng rôn xuống chứ không ai ra đi gạch bỏ từng sản phẩm đã hết hàng cả. Rồi những nhân viên này rất nhiệt tình giới thiệu với chúng tôi các sản phẩm khác, tuy đắt hơn (và nhất là không có khuyến mại gì cả), “nhưng là sản phẩm mới ra, cao cấp hơn hẳn dòng khuyến mại kia”. Chương trình bán hàng hưởng ứng “Tháng hành động vì quyền người tiêu dùng” của siêu thị điện máy này triển khai từ 11/3 đến hết 31/3; mà thời điểm chúng tôi vào khảo giá thì chương trình mới khởi động được 2 – 3 ngày…
Kiểu khuyến mại mà không có hàng khuyến mại này khiến tôi nhớ lại câu chuyện của chính mình chỉ tháng trước. Đọc trên mạng thấy một hãng phân phối điện thoại và máy tính rất nổi tiếng trong nước, đang có chương trình bán điện thoại trả góp với lãi suất 0%. Cũng đang có nhu cầu mua một chiếc điện thoại được đánh giá là “siêu phẩm” trên thị trường, tôi đến cửa hàng bán lẻ của hãng này đăng ký thủ tục. Quảng cáo thì hấp dẫn vô cùng với cam kết tạo mọi điều kiện cho khách hàng; nhưng thực tế các đòi hỏi như đánh đố, cuối cùng phải chào thua sau gần 2 tuần chờ đợi và trả lời nhiều cuộc điện thoại đòi hết giấy tờ nọ đến xác nhận kia của nhân viên bán hàng. Lúc đó mới vỡ lẽ, đó chỉ là một chiêu quảng cáo để thu hút sự chú ý của khách hàng mà thôi. Lên các diễn đàn trên mạng mới biết cũng khá nhiều người bức xúc vì mất thời gian với hãng bán lẻ này với kiểu câu khách không trung thực đó. Chẳng biết “câu kéo” được đến đâu, nhưng rõ ràng uy tín với khách hàng thì bị sứt mẻ khá nhiều…
Coi chừng tiêu hao tiền bạc vì chiêu trò...
Khi hàng hóa ế ẩm, việc giảm giá hay tăng cường hỗ trợ khách hàng để kích cầu là điều mà các nhà kinh doanh buộc phải làm. Thế nhưng, dường như một số nhà kinh doanh ở ta vẫn tiếc lợi nhuận của mình hay chỉ đơn giản là sử dụng việc khuyến mãi như một chương trình quảng cáo mà thôi. Tôi bảo đang có sản phẩm A được bán giá ưu đãi, anh cứ đến xem. Hàng hết là do anh đến chậm chân, vậy có sản phẩm B kia không được ưu đãi nhưng tốt hơn rất nhiều, anh nên mua…
Đó là thực tế người viết rút ra được khi khảo sát một số cửa hàng điện máy đang có các chương trình khuyến mại lớn trên thị trường Hà Nội thời gian qua. Không gì bằng lấy ngay dẫn chứng từ bản thân mình. Sau khi hủy giao dịch với nhà phân phối nọ vì cảm thấy bị lừa về chương trình bán hàng trả góp không lãi suất, tôi quyết định đi mua “tiền tươi thóc thật” chiếc điện thoại mình đang ưa thích cho nhanh. Tuy vậy, vẫn ham được giảm giá. Khảo sát một số cửa hàng trên phố Thái Hà, cuối cùng quyết định sẽ lấy máy tại cửa hàng của một nhà bán lẻ cũng khá tên tuổi, lý do được giảm 15%, còn 14,3 triệu, lại được tặng kèm một số phụ kiện có giá trị (ở nhà bán lẻ “trả góp ảo” kia thì không giảm chút nào, ngoài tặng kèm thẻ nhớ trị giá khoảng 250 ngàn). Đã định trả tiền, lại chợt nhớ cũng trên con phố này còn có cửa hàng của một nhà bán lẻ điện thoại khác cũng nổi tiếng không kém mà chưa kịp vào xem. Đã mất công đi thì đi cho chót. Vào đây hỏi cái điện thoại tôi đang quan tâm, đã thất vọng ngay khi nhân viên nói sản phẩm này không nằm trong những chương trình giảm giá hiện hành. Nhưng khi hỏi giá thì thật bất ngờ: Đúng 14,3 triệu, vẫn tặng kèm một số phụ kiện tương tự cửa hàng tôi vừa xem. Nghĩa là thế nào đây hả các nhà kinh doanh?
Thế nhưng, nếu cứ dựa vào những chiêu trò “nói vậy mà không phải vậy” như thế này, e rằng khách hàng một lần đến rồi giã biệt luôn. Lòng tin xây dựng khó, nhưng để mất thì lại dễ vô cùng…
Thu Ba
theo GD&TĐ