Trần Trung Hoàn đầu thú, nhận mình là người thực hiện giao dịch 'mua trinh' trẻ em, nhưng anh trai Hoàn mới là người phải lĩnh án 20 năm tù với tội danh "Hiếp dâm trẻ em".
Trần Trung Hoàn đầu thú, nhận mình là người thực hiện giao dịch 'mua trinh' trẻ em, nhưng anh trai Hoàn mới là người phải lĩnh án 20 năm tù với tội danh "Hiếp dâm trẻ em".
Ai là người "mua trinh"?
Vụ án bắt nguồn từ việc CA tỉnh Quảng Ninh giải cứu hai cháu bé (tên là A và S quê tại Điện Biên) bị nhốt trong căn nhà tại TP Hạ Long vào tháng 4/2010.
Từ lời khai của hai cháu bé về việc bị một số đối tượng lừa về Hạ Long để "bán trinh", CQCA đã khởi tố vụ án và khởi tố một số đối tượng về tội "Hiếp dâm trẻ em"; "Giữ người trái pháp luật"; "Chứa mại dâm". Trong đó, Trần Trung Hiếu bị khởi tố và bắt giam về tội "Hiếp dâm trẻ em". Cáo trạng và bản án sơ thẩm xác định Hiếu là người đã thỏa thuận với Đào Thị Liên (chủ nhà nghỉ Gia Bảo) về việc "mua trinh" cháu S (sinh ngày 10/3/1995).
1h ngày 7/4/2010, Hội (người lừa S từ Điện Biên về Hạ Long) đã nói dối S để đưa đi đăng ký tạm trú nhưng thực chất là dẫn S đến nhà nghỉ Gia Bảo. Tại đây, dưới sự sắp xếp của Liên, Đàm Văn Hội dẫn S lên phòng 203 ngồi chờ rồi tiếp đó đưa S lên phòng 303 - lúc này đang có một người đàn ông (sau này, CQCA xác định là Hiếu) ngồi đợi sẵn. Sau khi Hội ra khỏi phòng, người đàn ông này ép buộc S quan hệ tình dục. Tuy S khóc lóc và chống cự, nhưng người đàn ông này vẫn 3 lần quan hệ tình dục với S trong đêm đó.
Sáng 7/4/2010, Hội đến đón S và được Liên thông báo, khách không trả tiền vì S không còn trinh. Hội đưa S về nhốt trong nhà thì chiều 8/4/2010, lực lượng CA đến giải cứu được S.
|
Bị cáo Trần Trung Hiếu tại phiên tòa ngày 28/6 vừa qua
|
Với cáo buộc này, Liên lĩnh án về tội "Chứa mại dâm". Riêng vợ chồng Hội bị phạt tù về tội "Bắt giữ người trái pháp luật" và cả tội "Hiếp dâm trẻ em" vì cơ quan tố tụng cho rằng hai bị cáo này đã đồng phạm với Hiếu. Bị cáo Hiếu được xét xử trong phiên tòa sau đó và lĩnh án 20 năm tù về tội "Hiếp dâm trẻ em" dù Hiếu liên tục kêu oan, phủ nhận mình là người "mua trinh" đêm ngày 6, rạng sáng ngày 7/4/2011 tại nhà nghỉ Gia Bảo.
Tháng 4/2011 em trai Hiếu là Trần Trung Hoàn đến đầu thú tại C45 Bộ CA, nhận mình mới chính là người "mua trinh" trong vụ án, chứ không phải là Hiếu. Tuy nhiên, CA tỉnh Quảng Ninh cho rằng Hoàn đã cố ý nhận tội thay cho Hiếu nên không chấp nhận và khởi tố Hoàn về tội khai báo gian dối, sau chuyển sang tội danh "Che giấu tội phạm". Hiếu kháng án kêu oan.
Trong hai phiên xử phúc thẩm ngày 27/12/2011 và 28/6 do HĐXX của Tòa phúc thẩm tối cao tiến hành, Hiếu tiếp tục kêu oan, còn những người làm chứng đều xác nhận và khẳng định trước HĐXX rằng: Không hề biết người đứng trước vành móng ngựa (Trần Trung Hiếu - PV) và đây không phải là người đàn ông đã thuê phòng 303 nhà nghỉ Gia Bảo; cũng không phải là người đã gọi gái để mua trinh với giá 15 triệu đồng vào đêm ngày 6/4/2010 rạng sáng ngày 7/4/2010. Thậm chí, nhân chứng Hội còn khai rõ là trước đây phải khai theo gợi ý của CQĐT vì bị đánh, ép cung.
Tại cả hai phiên xử, không chỉ các luật sư mà kiểm sát viên của VKSND TC giữ quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm cũng đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm để điều tra bổ sung do có nhiều vấn đề mâu thuẫn trong chứng cứ buộc tội chưa được làm rõ và dấu hiệu vi phạm tố tụng, nhưng HĐXX phúc thẩm vẫn bác bỏ và tuyên y án.
|
Trần Trung Hoàn nhìn giống hệt anh trai.
|
Phiên xử hy hữu Quá trình xét xử phúc thẩm vụ án này được các luật sư đánh giá là "hy hữu" khi phiên xử phúc thẩm vào ngày 27/12/2011 đã gần như hoàn tất, chỉ còn chờ tuyên án thì đột nhiên HĐXX quyết định hoãn vô thời hạn rồi tại "phiên xử lại" vào ngày 28/6, HĐXX với thành phần là các thẩm phán khác lại quyết định không công nhận kết quả của phiên xử trước đó 6 tháng mà không hề giải thích lý do, cũng như căn cứ pháp luật cho quyết định lạ lùng này. Về việc này, luật sư bào chữa Hoàng Văn Dũng (Công ty Luật hợp danh Bross và cộng sự) cho biết:
"Sau khi kết thúc xét hỏi và đại diện VKSND TC đề nghị tuyên hủy án thì tòa tuyên bố hoãn xử và nhiều tháng sau vẫn không đưa ra phán quyết phúc thẩm. Theo khoản 2 Điều 184 BLTTHS thì "việc xét xử phải được tiến hành liên tục, trừ thời gian nghỉ". Phiên tòa bị hoãn vô thời hạn khi tất cả những lời khai, các vấn đề đưa ra tại phiên tòa cho thấy việc buộc tội bị cáo Hiếu là rất thiếu căn cứ, khiên cưỡng…". Đó là một trong những dấu hiệu bất thường trong cách xử lý vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Còn về chứng cứ buộc tội bị cáo Hiếu trong vụ án thì sao, khi em trai bị cáo đứng ra nhận mình mới là thủ phạm và các nhân chứng khai rằng không hề biết mặt Hiếu. Chúng tôi xin dẫn lại những điều mắt thấy tai nghe tại phiên phúc thẩm ngày 28/6. Tại phiên tòa do bị hại S vắng mặt nên tòa tuyên đọc lời khai của S rằng người hiếp S có xăm hình cô gái lên ngực phải, nhưng thực ra trên ngực bị cáo Hiếu có hình xăm một bông hoa và 1 cô gái, hình cô gái nằm bên trái và bông hoa thì còn to hơn cả hình cô gái.
"Vì sao cô gái đó biết trên ngực anh có hình xăm" - thẩm phán hỏi. "Trên người tôi có dấu vết gì thì CQĐT đều biết hết. Tôi từng bị bắt tạm giam oan 14 tháng trong vụ việc nhiều năm trước. Vụ đó tôi bị oan và đã được minh oan, bồi thường" - bị cáo Hiếu trả lời. Tại phiên xử, Đàm Văn Hội tiếp tục khẳng định mình đã bị cán bộ của CA TP Hạ Long đánh đập, ép cung và khi vụ án được chuyển lên CA tỉnh Quảng Ninh thì còn bị đe là "Lên đó phải khai "trung thực" không thì sẽ bị đánh đau hơn".
Còn về việc nhận dạng thủ phạm hiếp dâm, Hội khai: "Cán bộ điều tra đưa một tấm ảnh ra và nói "Đây là thằng Hiếu đây này", thực ra tôi không biết anh Hiếu mà cán bộ điều tra bảo đó là ảnh của Hiếu". Thẩm phán vặn: "Vậy vì sao trong biên bản nhận dạng, anh lại xác nhận việc này?", Hội đáp: "Nếu không nhận thì sẽ bị đánh và không biết hôm nay có còn đứng nổi ở đây không nữa…".
Với những vấn đề, chi tiết, chứng cứ còn nhiều mâu thuẫn, trong phần tranh luận sau đó đại diện VKSND TC giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị HĐXX tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra bổ sung những vấn đề không thể bổ sung, làm rõ tại phiên tòa. Các luật sư bào chữa cũng đồng tình với đề nghị này để đảm bảo tính khách quan của vụ án, giúp bản án tuyên đúng người, đúng tội.
Theo luật sư Hoàng Văn Dũng, việc không tiến hành đối chất khi có vấn đề mâu thuẫn là vi phạm nghiêm trọng tố tụng; việc nhận dạng cũng có dấu hiệu không khách quan; việc giám định cũng không khách quan theo đúng quy định khi một nhóm tiến hành giám định còn kết luận lại được người khác ký. Một vấn đề khác, theo luật sư Hoàng Văn Dũng là chứng cứ ngoại phạm của Hiếu đã bị bỏ qua.
Luật sư phân tích: Bị cáo Liên khai tất cả khách nghỉ qua đêm đều được ghi vào sổ và khai báo với CA phường Cao Xanh. Trong sổ đăng ký khách tạm trú nhà nghỉ Gia Bảo (bút lục 119-121) thể hiện: Phòng 303 (nơi xảy ra vụ hiếp dâm) do một người tên Vũ Văn Anh (SN 1979 hộ khẩu tại Tràng Kênh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) đến lưu trú ngày 6/4, ngày đi 7/4/2010 do một người tên "Khoa" đi trình báo.
Như vậy theo tài liệu của chính CQĐT thì người nghỉ tại phòng 303 tại thời điểm đó là người khác. Còn bị cáo Hiếu khẳng định tại thời điểm đó bị cáo đang ở nhà với vợ. "Chứng cứ ngoại phạm của Trần Trung Hiếu đã rõ và không phải bàn cãi. Cuốn sổ đăng ký khách tạm trú là chứng cứ rất quan trọng nhưng không được xem xét đề cập trong quá trình giải quyết vụ án, đó là vi phạm thủ tục tố tụng" - Luật sư Dũng phân tích.
Dù các luật sư và đại diện VKSND TC đề nghị hủy án sơ thẩm, nhưng bản án phúc thẩm được tuyên ngay sau đó đã bác bỏ các đề nghị này, cho rằng kiểm sát viên và các luật sư đánh giá các vấn đề trong vụ án một cách "rời rạc". Án sơ thẩm 20 năm tù dành cho bị cáo Trần Trung Hiếu được giữ nguyên.
Bị cáo phải tự chứng minh mình vô tội
LS Hoàng Văn Dũng cho biết: Biên bản phiên tòa sơ thẩm ngày 15/4/2011 (bút lục 291-298) lại thể hiện cách chứng minh tội phạm tại phiên tòa đã trái hoàn toàn với nguyên tắc tố tụng hình sự. HĐXX quy kết, cáo buộc bị cáo bằng những câu hỏi như: "Bị cáo có cung cấp tài liệu chứng minh mình bị oan hay không?" (bút lục 292) hay "như vậy bị cáo cho rằng mình không có hành vi hiếp dâm cháu S.?... Bị cáo có bằng chứng nào chứng minh mình không có hành vi phạm tội?...
Bị cáo khẳng định bị cáo ở nhà bằng tài liệu nào?" (bút lục 291). Như vậy, HĐXX đã đẩy nghĩa vụ chứng minh mình vô tội về phía bị cáo, trái nguyên tắc tố tụng. "Việc HĐXX đặt ra những câu hỏi mang tính chối bỏ nghĩa vụ như vậy đã vô tình xâm hại tới quyền được bào chữa của bị cáo và nguyên tắc pháp chế XHCN trong tố tụng hình sự được quy định tại Điều 3 BLTTHS"- LS Dũng khẳng định.
|
Theo Pháp Luật Xã Hội