Sự kiện hot
5 năm trước

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: “Do giáo dục mà nên!”

Mệnh đề trên là nội hàm triết lý giáo dục đúc kết từ hàng nghìn năm lịch sử được Bác Hồ di huấn cho thế hệ mai sau. Con người là sản phẩm xã hội, hình thành bởi sự giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội. Tư duy “3 trong một” ấy bất biến trong phương pháp giáo dục mọi thời đại, thậm chí được mọi quốc gia áp dụng…

Hoàn cảnh thế kỷ 21 đương nhiên đã đổi khác rất nhiều so với hoàn cảnh của thế kỷ 20. Nó tác động mạnh mẽ vào cuộc sống, nếp sống, cơ cấu của gia đình, xã hội và thiết chế giáo dục, môi trường giáo dục Việt Nam nhất là khi giáo dục nước nhà đang từng bước hội nhập sâu rộng với giáo dục quốc tế, chịu ảnh hưởng mức độ khác nhau nền giáo dục một số quốc gia. Môi trường gia đình, nhà trường, xã hội cũng không ngừng đổi thay từng ngày.

Thành công của sự nghiệp trồng Người được thể hiện ở sự thịnh vượng của quốc gia, dân tộc; chỉ số tăng trưởng kinh tê ́- xã hội, bình quân thu nhập đầu người; tỷ lệ đói nghèo, chất lượng nguồn nhân lực, năng xuất lao động, trình độ dân trí... Ngoài ra, còn là tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chất lượng môi trường sống, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng xã hội… Nội dung giáo dục, sự nghiệp giáo dục luôn gắn liền với đời sống của mỗi cá thể, cộng đồng với sứ mạng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nói thế để thấy tầm quan trọng đặc biệt của giáo dục của bất cứ quốc gia nào.

Trở lại lịch sử nước nhà, Bác Hồ là công dân nước thuộc địa, bị nô dịch, phải bôn ba nhiều thập kỷ, đến nhiều quốc gia tư bản, hùng mạnh để tìm đường cứu nước. Người làm đủ nghề, cực khổ, tủi nhục để kiếm sống, để học, tìm kiếm phương pháp cách mạng nhằm lật đổ chế độ phong kiến, đánh đuổi thực dân xâm lược.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, tập hợp, đoàn kết toàn dân dựng xây nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, chính quyền mới tiến bộ, giành độc lập, hòa bình cho đất nước. Tự học, tự đào tạo qua sách vở, nhất là tắm mình trong thực tiễn cuộc sống là cơ sở để Bác hình thành tư tưởng lớn, toàn diện, trong đó có triết lý giáo dục. Di sản mà Bác Hồ đeể lại cho dân tộc vô cùng đồ sộ, phong phú và vô giá: đầy đủ, toàn diện, cụ thể, sâu sắc mà dễ hiểu, dễ nhớ thẫm đẫm tự nhiên vào mọi lứa tuổi, đối tượng. Tư duy giáo dục của Người kế thừa tinh hoa giáo dục của dân tộc, của nhiều nước mà người đã từng sống, làm việc: Tôn sư trọng đạo; Không thầy đố mày làm nên; Một chữ, nửa chữ cũng là Thầy... Phân tích sâu hẳn sẽ cắt nghĩa được mối quan hệ tốt đẹp giữa thầy, cô, trò ngày nay. Tình cảm thiêng liêng, triết lý nhân sinh trong đời sống giáo dục kết tinh trong những tổng kết bất biến ấy. Mỗi khi tự soi, ngành giáo dục hẳn sẽ nhận ra điểm mạnh, yếu của giáo dục hôm nay.

Chưa bao giờ, lĩnh vực giáo dục lại được xã hội đặc biệt quan tâm và luôn là mặt trận nóng bỏng như những năm qua. Công lao, thành tích, kết quả của ngành không nhỏ, không thể phủ nhận. Nhưng vẫn còn đó những nỗi lo hiệu hữu: tiêu cực trong giáo dục; đạo đức thầy, cô trò qua ứng xử, phương pháp giáo dục; hình ảnh thày, cô, trò ở một bộ phận không nhỏ bị méo mó, biến dạng, biến thái. Truyền thông dường như chưa làm tròn trách nhiệm xây dựng và bảo vệ hình ảnh tốt đẹp của thầy, cô, trái lại nó bị mạng xã hội bóp méo.

Tích cực trong giáo dục chưa đủ sức đẩy lui tiêu cực? Nhiều “sự cố” trong đời sống xã hội được truyền thông dường như ít nhiều có liên đới đến giáo dục. Thừa, thiếu giáo viên, lương chưa đủ sống, nhà giáo cũng cần hạnh phúc khi đến lớp; các em học sinh muốn mỗi ngày đi học một ngày vui là khát khao chính đáng của thầy cô, trò. Những hạn chế, yếu kém mang tính xã hội, đâu chỉ là lỗi của riêng của ngành giáo dục? Muốn giải quyết được cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, cộng đồng.

Vi phạm thuần phong mỹ tục, văn hóa lai căng biến thái; xả thải gây ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội cùng các vụ án đau lòng xảy ra mỗi ngày; vi phạm luật giao thông, vi phạm đạo đức công vụ…tất cả đều đổ lỗi cho giáo dục cũng chưa đúng. Trách nhiệm ấy còn là của mỗi gia đình, của các thành viên cộng đồng xã hội, của cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức xã hội…

Nỗi lo của xã hội ta hiện nay chính là lớp trẻ chưa tận thấy nhiều tấm gương sáng để họ soi rọi. Lỗi này một phần do truyền thông chưa khai thác, tuyên truyền, và còn thiếu tấm gương có sức lan tỏa-lãnh đạo có chức vị cao trong xã hội; họ phải là người dẫn dắt nêu gương. Thế hệ của những cuộc kháng chiến đã vợi rất nhiều. Họ vốn là tấm gương mẫu mực cho con cháu. Nay rất cần thế hệ người cán bộ các cấp, càng cao càng quý, sau chiến tranh. Thầy cô đánh mất tư cách đạo đức; giả dối trong thi cử, bạo lực dâm ô với học trò; mua bán bằng cấp, học giả, thi giả…dù ai đó bảo là “con sâu” cũng chỉ là ngụy biện, vì nhiều sâu rồi nên nếu không cẩn thận sẽ hỏng cả “nồi canh” ngon.

Không ít vụ án lớn, nhỏ, người vi phạm pháp luật được sinh ra trong gia đình có truyền thống tốt đẹp, đáng nể trọng; trong đó không ít cán bộ, đảng viên có chức quyền cao, nắm giữ trong tay nhiều tài sản công, sinh mạng người khác… Tiếc thay! Vô tình họ là gương xấu, làm mất lòng tin lớp trẻ. Vậy nên, rất cần những tấm gương sáng, tốt đẹp được truyền thông, nhân rộng để lấy lại niềm tin lý tưởng tận hiến và tương lai đất nước.?

Mọi thời đại, mọi giai đoạn lịch sử, giáo dục luôn là quốc sách hàng đầu; là nguyên khí Quốc gia. Giáo dục đóng vai trò quyết định để đưa quốc gia, dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc Năm Châu như Bác Hồ đã nhắn nhủ các thế hệ trẻ phải ra sức học tập và muốn họ nên Người phải được chăm lo giáo dục thường xuyên.

Muốn vậy, thái độ của chúng ta là luôn cầu thị, khiêm tốn; bình tâm lắng nghe mọi lời khuyên, mọi góp ý; kể cả đôi khi “khó nghe, nghịch nhĩ” để luôn thấu hiểu; đặc biệt tôn trọng những ý kiến tâm huyết, tư tưởng tận hiến, không bỏ sót người tốt, ngay thẳng, ý hay của cộng đồng.

“Phần nhiều do giáo dục mà nên” được xem là bí quyết thành, bại của sự nghiệp trồng Người qua hàng nghìn năm mà cha ông đã để lại cho chúng ta!

Văn Hùng
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng

Từ khóa: