Bão tố quăng quật…
Diễn biến nền kinh tế vĩ mô và sức khỏe của DN niêm yết là nhân tố cơ bản quyết định giá cổ phiếu. Tuy nhiên, chính những bất cập nội tại của thị trường nhiều khi lại là nguyên nhân chủ yếu gây nên sự sụt giảm không giống ai của TTCK Việt Nam.
Chỉ số VN-Index bị bóp méo dẫn đến tình trạng "xanh vỏ đỏ lòng"; vi phạm công bố thông tin của các DN niêm yết; hiện tượng làm giá của các đội lái... Nhưng có một thực tế là NĐT cứ kêu, phương tiện truyền thông cứ nói, trong một thời gian dài, rất ít biện pháp hữu hiệu được đưa ra để giải quyết triệt để các vấn nạn trên.
Kinh doanh có lúc thua lỗ là chuyện bình thường. Nhưng NĐT trên TTCK cảm thấy "tủi phận" khi chứng khoán luôn là đối tượng phải "hy sinh" trong các quyết sách điều hành.
Chính sự "ghẻ lạnh" ấy vô hình trung ngày càng triệt tiêu chức năng là một kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế của TTCK.
Khi niềm tin của NĐT dần rơi rụng, dòng tiền theo đó cũng rời khỏi thị trường, thanh khoản sụt giảm thê thảm. Tổng khối lượng niêm yết trên cả hai sàn chính thức hiện nay khoảng 22 tỷ cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, nhưng từ giữa năm 2011 trở lại đây trung bình chỉ có khoảng trên 30 triệu chứng khoán khớp lệnh/phiên.
HNX-Index, chỉ số không có những mã siêu khủng như MSN, BVH, VIC, VNM làm méo mó, đã liên tục lập đáy mới trong lịch sử 6 năm tồn tại.
So với mức đỉnh trong năm 2007, chỉ số này cũng mất tới gần 90% - thật khủng khiếp! Hàng loạt CTCK thua lỗ nặng nề phải đóng cửa nhiều chi nhánh và phòng giao dịch, cắt giảm nhân sự. Thậm chí, có CTCK với vốn điều lệ trên 2.000 tỷ đồng đã tính chuyện bỏ nghề.
Kể từ khi thành lập TTCK Việt Nam đến nay, có lẽ năm 2011 chứng kiến sự thay đổi nghiệt ngã nhất ở đội ngũ quản trị cấp cao các CTCK và quỹ đầu tư. Nhiều CEO, từng gắn bó từ khi TTCK ra đời, đã phải nói lời giã biệt trong sự cay đắng như thể họ vừa là nạn nhân và cũng là tội đồ của thị trường vậy!
TTCK là một kênh giúp DN có thể huy động vốn trung và dài hạn. Nhưng năm qua, nhiều cuộc phát hành thất bại. Gần đây còn nổi lên hiện tượng DN, khi không còn thấy sự hữu dụng của thị trường, đã xin hủy niêm yết cổ phiếu.
Những “chiến binh” còn lại vẫn hy vọng vào một ngày TTCK hồi sinh
… vẫn có những niềm hy vọng!
Qua một năm triển khai quyết liệt Nghị quyết 11 của Chính phủ, kinh tế vĩ mô đang chuyển biến tích cực: tốc độ tăng GDP cả năm khoảng 6%; CPI 5 tháng cuối năm liên tục duy trì dưới 1%; cán cân thanh toán dự báo thặng dư hơn 3 tỷ USD, trong khi năm 2009 thâm hụt 8,8 tỷ USD và năm 2010 thâm hụt 3,07 tỷ USD; tỷ giá USD/VND cuối năm đã được kiểm soát ổn định khác hẳn các năm trước; sự hỗn loạn trong cuộc đua lãi suất huy động đã được đẩy lùi...
Chính phủ đang phát đi tín hiệu mạnh mẽ về quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng minh bạch và hiệu quả. Và TTCK cũng không phải ngoại lệ. Sức nóng của tái cơ cấu đang lan tỏa.
Vai trò của TTCK đối với nền kinh tế được thừa nhận với lời khẳng định của Thủ tướng Chính phủ, gắn quá trình tái cơ cấu với việc xây dựng và vực dậy TTCK; những bước đi, giải pháp cụ thể mà Bộ Tài chính và UBCK đã triển khai trong những tháng cuối năm 2011 và thời gian tới.
Thực tế, cho dù hai chỉ số VN-Index, HNX-Index vẫn suy giảm trong hai tháng cuối năm, hiện không khó để gạn lọc những mã cổ phiếu đã cắt cơn giảm giá như FPT, MBB, REE, PPC, VSH..., hay những mã cổ phiếu đạt được mức tăng từ 10 - 20% như RAL, SJS, CII, HAI, GMD...
Phân tích kỹ thuật đang cho thấy vùng 320 - 340 điểm đối với VN-Index và 51 - 55 điểm đối với HNX-Index là vùng hỗ trợ rất mạnh, nếu không muốn nói là vùng hỗ trợ "cứng" cho thị trường trong xu hướng giảm hiện nay.
Mấy tháng cuối năm 2011 cũng chứng kiến những đợt mua thêm cổ phiếu tăng sở hữu tại các DN lớn của nhiều NĐT chiến lược, một số vụ M&A được thực hiện trong không khí khẩn trương.
Công ty Orchid Fund Private Limited trở thành cổ đông lớn nhất của FPT; thỏa thuận mua - bán 347,6 triệu cổ phiếu VCB giữa Tập đoàn tài chính Mizuho (Nhật Bản) với Vietcombank (đang chờ sự phê duyệt của Chính phủ) - vụ M&A lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay...
Theo lý thuyết DOW, thời kỳ tích lũy của một thị trường giá tăng (Bull market) xuất hiện trong bối cảnh các DN vẫn tràn ngập khó khăn, số đông NĐT cảm thấy chán nản, giá cổ phiếu rơi xuống mức thấp kỷ lục.
Tuy nhiên, trong thời kỳ này, dòng tiền thông minh bắt đầu xuất hiện. Giai đoạn suy thoái nhất, kể từ khi thành lập TTCK Việt Nam đến nay, dường như đang kết thúc?
Liệu đã có cơ sở để tin rằng thị trường rốt cuộc có cơ hội để hồi sinh? Xuân Nhâm Thìn 2012 đến rất gần. Và mùa Xuân là mùa của niềm tin và hy vọng!
Phạm Tường Phán
Theo Dau tu chung khoan