Sự kiện hot
2 năm trước

Lai Châu: Đánh thức tiềm năng, phát huy lợi thế vùng lòng hồ

Với lợi thế tiềm năng vùng lòng hồ Thủy điện Lai Châu, những năm qua, huyện Nậm Nhùn đã đưa ra những định hướng trong phát triển kinh tế, coi đây là hướng đi mới góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Sau khi công trình Thủy điện Lai Châu tích nước vận hành đã hình thành nên vùng lòng hồ rộng lớn với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển đánh bắt, nuôi thả thủy sản cho người dân địa phương. 

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về diện tích mặt nước vùng lòng hồ thủy điện, những năm gần đây, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) đã vận động nhân dân phát triển nghề nuôi cá lồng. Đó là hướng đi mới của huyện miền núi Nậm Nhùn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Nhà máy Thủy điện Lai Châu - Ảnh: IT

Tại xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn, với lợi thế 1.000 ha mặt nước, nguồn thu nhập từ thủy sản lòng hồ phần nào giúp cuộc sống các gia đình trong xã nâng lên đáng kể, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. 

Nhằm tạo điều kiện, giúp đỡ người dân phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng bền vững, xã Mường Mô đã có cơ chế hỗ trợ vay vốn ưu đãi; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện Nậm Nhùn mở các lớp tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trang bị kiến thức cho người dân; tạo cơ chế thuận lợi cho thương lái thu mua, bao tiêu sản phẩm cá lồng.

Bắt tay vào nuôi cá lồng từ năm 2018, cùng với số vốn gia đình bỏ ra, gia đình anh Tống Văn Chiến ở xã Mường Mô còn được hỗ trợ thêm kinh phí làm lồng cá, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trong chăm sóc và phòng chống dịch bệnh. Đến nay, với 8 lồng nuôi chủ yếu các loại cá: trắm, chép, rô phi, lăng… Sản phẩm cá lồng đến thời kỳ xuất bán không chỉ phục vụ cho nhu cầu tại chỗ, còn được thương lái thu mua để xuất bán ra các tỉnh thành khác. Hàng năm, từ nuôi cá lồng đem lại cho gia đình anh Chiến mức thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng.

Nghề nuôi cá lồng đã từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Với nguồn thủy sản từ việc nuôi cá lồng và đánh bắt từ tự nhiên, đến nay, sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của xã Mường Mô đạt 40 tấn/năm. Không chỉ phục vụ nhu cầu thị trường trong huyện, tỉnh, tôm cá đánh bắt, nuôi trồng trên vùng lòng hồ xã Mường Mô còn được thương lái thu mua, xuất bán sang các thị trường Lào Cai, Hà Nội…

Có thể thấy, thực tế thời gian qua, nghề nuôi cá lồng đã giúp cho bà con thay đổi nếp nghĩ cách làm, nhiều hộ gia đình qua nuôi cá lồng trên lòng hồ đã mang lại thu nhập ổn định. Về đầu ra, người dân không còn gặp quá nhiều khó khăn khi có doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm và xuất ra thị trường đầu mối trong cả nước. 

Được biết, thời gian tới huyện Nậm Nhùn tiếp tục khuyến khích các hộ gia đình mở rộng diện tích nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện với những giải pháp gồm quy hoạch phát triển tổng thể nuôi trồng thủy sản đến năm 2030, quy hoạch chi tiết vùng gắn với các đối tượng nuôi chủ lực nhằm sử dụng có hiệu quả những tiềm năng thế mạnh của địa phương.

Khai phá tiềm năng, phát huy lợi thế

Bên cạnh nuôi cá lồng, huyện Nậm Nhùn được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều phong cảnh đẹp, hùng vĩ mang đặc trưng của núi rừng với những cánh rừng nguyên sinh giữ được vẻ đẹp nguyên sơ vốn có; lòng hồ rộng lớn của 2 công trình Thủy điện Sơn La, Lai Châu; vùng đất lưu giữ Bảo vật Quốc gia Bia Lê Lợi - một chứng tích lịch sử.

Nhận thức được điều đó, địa phương cũng đẩy mạnh phát triển du lịch tham quan, khám phá gắn với các dịch vụ nghỉ ngơi trên các bè nuôi cá. 

Không chỉ đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, Mường Mô còn được ví như “Vịnh Hạ Long” thu nhỏ với những đảo nhỏ nhấp nhô, những bản làng của đồng bào các dân tộc soi mình trên mặt hồ xanh biếc, đẹp tựa bức tranh "Sơn thủy hữu tình” thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm.

Một góc lòng hồ tại xã Mường Mô.

Nắm bắt được lợi thế đó, với các chính sách khuyến khích của địa phương trong phát triển du lịch, khám phá vùng lòng hồ, Hợp tác xã Thanh niên Mường Mô đã triển khai thực hiện mô hình nuôi cá lồng kết hợp với đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch khám phá, trải nghiệm vùng lòng hồ.

Đến nay, sau gần 2 năm triển khai thực hiện, mô hình của Hợp tác xã Thanh niên Mường Mô đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, không chỉ mang lại mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng cho các thành viên Hợp tác xã, tạo việc làm cho 2-3 lao động thời vụ tại địa phương mà còn góp phần quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương.

Mường Mô là xã tái định cư, cùng với các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh, huyện để ổn định cuộc sống người dân vùng tái định cư. Khai thác tiềm nắng, lợi thế, đưa ra định hướng giúp người dân phát triển kinh tế luôn là nhiệm vụ trọng tâm được xã quan tâm. Trong đó, việc khai thác các tiềm năng vùng lòng hồ, tạo sinh kế mới để nâng cao thu nhập cho người dân là hướng đi đang được địa phương chú trọng để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Có thể thấy, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) đã xác định phát triển nuôi cá lồng gắn với du lịch là hướng đi đột phá biến tiềm năng, thế mạnh thành mũi nhọn phát triển kinh tế - xã hội. Hàng loạt nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động được ban hành. Huyện Nậm Nhùn đã và đang triển khai thực hiện Đề án Phát triển du lịch theo chuỗi bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, dân tộc gắn với di tích lịch sử, tâm linh; du lịch khám phá, trải nghiệm.

Như Nguyệt

Theo KTĐU

Từ khóa: