Sự kiện hot
7 tháng trước

Còn nhiều dư địa để Ngân hàng Nhà nước thực hiện giảm lãi suất cho vay trong năm 2024

Xu hướng giảm lãi suất vẫn đang tiếp tục diễn ra ở cả đầu vào và đầu ra. Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 31-1-2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.

Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đối với ngân hàng giảm xuống  30% từ ngày 1/10/2023
Còn nhiều dư địa để Ngân hàng Nhà nước thực hiện giảm lãi suất cho vay trong năm 2024

Theo báo cáo mà SSI Research vừa công bố, công ty chứng khoán này nhận định kinh tế Việt Nam sẽ quay lại đà hồi phục trong năm 2024, vẫn từ các động lực tăng trưởng truyền thống như thương mại, đầu tư công và trên hết là các chính sách hỗ trợ tăng trưởng là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn xuất phát từ các vấn đề nội tại của nền kinh tế. Trong nước, những rủi ro chính đối với Việt Nam là nợ xấu gia tăng từ nửa cuối năm 2024, với khả năng không trả nợ đúng hạn tăng cao đối với các lĩnh vực có rủi ro như bất động sản/xây dựng.

Rủi ro này có thể được giảm thiểu một phần nhờ lãi suất ở mức thấp hoặc nếu Chính phủ thành công trong việc phát triển thị trường vốn để doanh nghiệp có thể dễ dàng hơn trong việc tìm nguồn tài chính dài hạn hơn để giải quyết các vấn đề ngắn hạn và trung hạn.

Với thách thức bên ngoài, phân mảnh địa kinh tế và nguy cơ suy thoái Về các yếu tố bên ngoài, độ trễ của chính sách tiền tệ với mức lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn có thể dẫn đến tác động lớn và xấu hơn mong đợi đối với tăng trưởng toàn cầu.

Trong kịch bản xấu, suy thoái kinh tế có thể không chỉ diễn ra trong thời gian ngắn mà có thể kéo dài luân phiên, từ ngành này sang ngành khác, từ nền kinh tế này sang nền kinh tế khác, chứ không phải là một cuộc suy thoái toàn diện. 

Vì vậy, SSI Research dự báo, các chính sách tài khóa mở rộng và tiền tệ nới lỏng được kéo dài thêm một năm nữa khi tăng trưởng được coi là ưu tiên hàng đầu. 

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện lãi suất giảm về mức thấp nhất trong 20 năm qua. Nhiều ngân hàng thương mại nói lãi suất không thể thấp hơn được nữa. Tinh thần chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước là các ngân hàng vẫn tích cực tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế.

Trong báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán năm 2024 vừa công bố, Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) ghi nhận mặt bằng lãi suất huy động hiện đã ở vùng thấp lịch sử, thậm chí là thấp hơn cả thời điểm Covid-19 đối với một số ngân hàng.

Mới đây lãi suất huy động cho kỳ hạn 1 - 2 tháng tiếp tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm mạnh. Hiện mức lãi suất huy động dưới 3 tháng được ghi nhận giảm sâu nhất từ trước đến nay, khi nhóm 4 ngân hàng thương mại lớn nhất dao động từ 1,9 - 2,5%.

Tuy nhiên, ngân hàng vẫn sẽ là kênh huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp khi thị trường trái phiếu chưa phục hồi, trong khi áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024 cao kỷ lục, lên tới gần 300.000 tỷ đồng.

Ngân hàng 'trói chân' doanh nghiệp, vay vốn khó như... lên trời

Bên cạnh đó, chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước vẫn theo hướng nới lỏng khi áp lực lạm phát và tỷ giá hạ nhiệt. Trong kịch bản cơ sở, KBSV cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% và tỷ giá sẽ giảm khoảng 0,5% trong năm 2024. “Do vậy, việc lãi suất huy động hạ thêm trong năm 2024 là khó xảy ra trong bối cảnh lạm phát vẫn là yếu tố khó lường”, phía KBSV nhận định. Chuyên gia công ty chứng khoán này cho rằng trong năm 2024, mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp trong khoảng 4,85 - 5,35%.

Bà Lê Hoàng Khánh An, Giám đốc khối Tài chính của VPBank, cho biết sự thuận lợi của vĩ mô đã giúp ngân hàng tiếp tục giảm chi phí vốn nhờ nguồn huy động rẻ hơn so với trước. Theo đó, vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024, các khoản huy động đến hạn vừa qua tiếp tục giúp ngân hàng giảm chi phí vốn, dự kiến tối thiểu quanh 1-1,5%.

Đại diện VPBank cũng nhận định thêm rằng chi phí vốn hiện nay toàn thị trường đang khá ổn định. Xu hướng giảm sẽ còn tiếp tục trong bối cảnh vĩ mô hiện nay, bao gồm cả tình trạng thanh khoản ở các nhà băng.

Theo các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), mặt bằng lãi suất kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm thêm khoảng 1 - 1,5% trong năm 2024. Tính tới cuối quý III/2023, lãi suất cho vay trung bình ghi nhận trên báo cáo tài chính các ngân hàng niêm yết giảm khoảng 0,6% từ mức đỉnh quý I/2023, tuy nhiên vẫn cao hơn 1,6% so với mức đáy quý IV/2021. Chuyên gia Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam cũng nhận định lãi suất cho vay bình quân sẽ có dư địa để giảm thêm 0,75 - 1,0%.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho hay năm 2024, xu hướng lãi suất của các nước có thể còn nhiều biến động. Theo đó, lãi suất của các ngân hàng Trung ương lớn, đặc biệt là Fed, có thể giảm từ giữa năm sau, nhưng mức giảm sẽ nhỏ giọt, bởi phải cân đối với khả năng ứng phó với lạm phát.

Còn tại Việt Nam, ông Hiếu dự đoán lãi suất huy động của các ngân hàng có thể khó giảm thêm và sẽ tăng từ quý II/2024, chủ yếu do nền kinh tế được dự báo sẽ khởi sắc, từ đó thúc đẩy nhu cầu về vốn, khiến các ngân hàng tăng lãi suất huy động để hút vốn. Dẫu vậy, lãi suất cho vay có khả năng giảm tiếp trong những tháng đầu năm tới.

SSI Research dự báo lạm phát cho năm 2024 của Chính phủ ở mức 3,8%. Trong năm 2023, lạm phát toàn phần đã giảm từ khoảng 5% xuống còn 3,5% vào tháng 12/2023 nhờ giá năng lượng và giá thực phẩm giảm mạnh trong khi lạm phát cơ bản cũng yếu hơn cho thấy việc giảm bớt áp lực cầu kéo.

Tuy nhiên, rủi ro lạm phát năm 2024 có thể đến từ các yếu tố đẩy chi phí, bao gồm khả năng giá dầu thô và các hàng hóa khác tăng cũng như tăng lương tối thiểu. SSI cũng lưu ý, một yếu tố quan trọng khác cần theo dõi cho năm 2024 sẽ là việc hiệu chỉnh lại trọng số trong rổ tính CPI, với kỳ vọng được thực hiện vào khoảng tháng 7 hoặc tháng 8.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: