Nhằm hỗ trợ thanh khoản, nghiệp vụ mua kỳ hạn đã được NHNN đẩy mạnh sử dụng trong nhiều phiên giao dịch gần đây.
Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN), gần 15.000 tỷ đồng đã được bơm ra thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) trong phiên giao dịch ngày hôm nay (26/7).
Cụ thể, NHNN chào mua kỳ hạn thành công gần 15.000 tỷ đồng giấy tờ có giá với 8 thành viên trúng thầu trên 20 thành viên tham gia. Điểm đáng chú ý là lãi suất trúng thầu là 3,8%/năm (kỳ hạn 7 ngày) thay vì mức 2,5% được ấn định trong suốt thời gian qua.
Phương thức đấu thầu lãi suất trên kênh cầm cố OMO được NHNN mở lại ngay từ phiên giao dịch cuối tuần trước khi lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh. Trong hai ngày 22/7 và 25/7, các ngân hàng cũng "vay nóng" gần 5.000 tỷ đồng (kỳ hạn 14 ngày) và 10.000 tỷ đồng (kỳ hạn 7 ngày) từ NHNN qua kênh OMO với lãi suất 2,5%.
Như vậy, NHNN ngừng hút tiền về, thay vào đó là bơm ròng liên tục hàng chục nghìn tỷ đồng. Sự đảo pha đột ngột này diễn ra trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng tăng vọt và thanh khoản không còn dư thừa như trước.
Báo cáo thị trường tiền tệ mới đây của CTCP Chứng khoán SSI cho biết, trong tuần qua, việc thực hiện các hợp đồng USD giao ngay và kỳ hạn đã làm giảm đáng kể thanh khoản tiền đồng trên hệ thống ngân hàng, kết hợp với việc NHNN đã liên tục phát hành tín phiếu trong suốt 1 tháng qua dẫn đến một lượng lớn VND đã bị hút ra khỏi hệ thống.
Lãi suất liên ngân hàng đã nhanh chóng bật tăng dưới áp lực của thanh khoản, kết tuần, lãi suất kỳ hạn qua đêm ghi nhận ở 2,8% (tăng gần 2 điểm % so với tuần trước) và 1 tuần là 2,82%, tăng 1,45 điểm %.
Trên thực tế, nhằm hỗ trợ thanh khoản, nghiệp vụ mua kỳ hạn đã được đẩy mạnh sử dụng trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước (22/7), và tổng khối lượng phát hành trong tuần đạt 6.260 tỷ đồng - mức cao nhất kể từ tháng 2 năm nay ở kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,5%.
Chênh lệch lãi suất VND-USD đã đảo chiều sang dương và tạm thời giúp giảm áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, trong tuần này, SSI cho rằng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên ít nhất 0,75 điểm % sẽ tiếp tục tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất liên ngân hàng và tỷ giá.
Trong khi đó, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng lãi suất liên ngân hàng sẽ khó có khả năng trở lại ngưỡng trung bình của năm 2021. Thay vào đó, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng trung bình năm 2022 có thể cao hơn 1,2-1,5 điểm % so với trung bình năm 2021.
Trong giai đoạn này, áp lực từ lạm phát kỳ vọng duy trì khi giá nguyên vật liệu thế giới vẫn neo ở mức cao. Điều này cũng khiến nhà điều hành có động thái thận trọng hơn, NHNN với ưu tiên chính sách hàng đầu là kiểm soát lạm phát không thể quá mạnh tay trong việc duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào.
Chuyên gia cho rằng thông qua công cụ bán ngoại tệ (đổi từ kỳ hạn sang giao ngay) và tín phiếu, thanh khoản sẽ bị hút đi góp phần giảm áp lực tỷ giá, lạm phát.
Ngoài ra, VCBS cũng lưu ý đến các mốc sự kiện có thể ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường như các quyết định chính sách tiền tệ của Fed trên thị trường quốc tế. Mốc đáng chú ý ở trong nước là thời điểm NHNN cân nhắc điều chỉnh hạn mức tín dụng đối với một số NHTM với nguồn lực tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh, hỗ trợ kinh tế hồi phục sau đại dịch.
Bên cạnh đó, lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào điều hành cũng như định hướng của NHNN trên thị trường mở thông qua hoạt động repo và tín phiếu.
Phương Nga
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh