Sự kiện hot
13 năm trước

Lại xôn xao vì phí ô tô

Trong khi Bộ trưởng Thăng cho rằng nộp phí sẽ giúp người dân đi lại thuận lợi hơn, an toàn hơn và là sự thể hiện của lòng yêu nước thì phần đông ý kiến người dân tỏ ra chưa đồng tình. Diễn đàn thu phí giao thông đã tổng hợp những ý kiến đa chiều của người dân về vấn đề này.

Trong khi Bộ trưởng Thăng cho rằng nộp phí sẽ giúp người dân đi lại thuận lợi hơn, an toàn hơn và là sự thể hiện của lòng yêu nước thì phần đông ý kiến người dân tỏ ra chưa đồng tình. Diễn đàn thu phí giao thông đã tổng hợp những ý kiến đa chiều của người dân về vấn đề này.

Ai chịu trách nhiệm và xử lý ra sao?

Nhiều tuần nay, câu chuyện thu phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí ô tô đi vào nội đô giờ cao điểm đang trở thành chủ đề nóng nhất trên mặt báo và là đề tài được bàn luận rôm rả nhất trên các diễn đàn.

Lý giải đơn giản, bởi chính sách này nếu được thực thi sẽ đánh trực tiếp vào túi tiền người dân và mặc nhiên “rút” đi một số tiền không nhỏ mỗi năm.

Mới đây nhất, trong buổi trao đổi với báo giới vào chiều 3/4, Bộ trưởng Thăng tái khẳng định việc thu phí là cần thiết và hoàn toàn hợp lý.

Bộ trưởng cũng cho rằng, với chính sách thu phí này, 600.000 người đang sử dụng ô tô sẽ ủng hộ và tự hào vì được đóng góp.


Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định việc thu 2 loại phí mới là hợp lý

Bộ GTVT cũng đã lên tiếng khẳng định việc thu thêm 2 loại phí này là xuất phát từ thực tiễn, từ lợi ích của người tham gia giao thông và không khiến “phí chồng lên phí” song những lập luận này chưa thuyết phục được phần đông người dân.

Chia sẻ trên VietNamNet, độc giả Hải Đăng cho rằng “Trên nói ai sử dụng nhiều hạ tầng thì phải trả nhiều tiền hơn người dùng ít… nhưng dưới lại nói một chính sách đưa ra chưa hẳn đã công bằng… thì thật là bất nhất…”

Độc giả Duy Thanh nhận định “Hiện vẫn chưa có điều tra xã hội học để đánh giá, sao Bộ trưởng đã nói người sử dụng ô tô đồng tình? Trong khi lúc thì Bộ trưởng nói thực ra không ai muốn nộp phí cả, ai lại muốn bỏ ra khoản tiền mà lẽ ra không phải nộp… nhưng rồi lại kết luận là 600.000 người sẽ ủng hộ và tự hào vì được đóng góp cho đất nước”.

Xung quanh việc Bộ GTVT thay đổi mức thu phí lưu hành phương tiện và phí nội đô từ mức dự kiến 20-50 triệu đồng/xe/năm xuống còn 10-15 triệu/xe/năm, độc giả Mai Thanh bày tỏ: “Bộ GTVT dường như đang đi chợ với dân để mặc cả? Để đưa ra một đề án cần phải nghiên cứu kỹ, đâu có thể cao hứng mà nói rồi lại sửa, lại thay đổi”.

Nhiều luật gia cũng phân tích sự phi lý của những loại phí mới được đề xuất này. Thứ nhất là trái quy định của pháp luật về phí. Phí là tiền mà người sử dụng dịch vụ phải trả cho nhà cung cấp, nhưng hạn chế lưu thông không phải là một dịch vụ và vì vậy không thể nào thu phí được.

Đánh giá về đề xuất thu phí hạn chế phương tiện của Bộ GTVT, hầu hết các ý kiến bạn đọc đều cho rằng việc thu phí thời điểm hiện tại là không hợp lý, khi thu nhập người dân còn thấp và họ đã phải đóng quá nhiều phí. Giá ô tô của Việt Nam hiện tại cũng đã thuộc top cao nhất thế giới và cao gấp 2,5 – 3 lần so với những nước trong khu vực.

“Thật nghịch lý, dân còn nghèo, phí đóng không thấp, tiền đầu tư cơ sở hạ tầng không thấp, song chất lượng công trình giao thông lại rất thấp. Vậy thử hỏi làm sao người dân có thể hào hứng với việc đóng phí?”, độc giả Đức Toàn phân tích.

Bạn đọc Nguyễn Tiến Long cũng cho rằng “Trước hết hãy làm cầu đường chất lượng tốt rồi hãy thu phí vì trách nhiệm của nhà nước là cung cấp dịch vụ tốt cho dân, chứ không phải ban cho dân những thứ kém chất lượng rồi lại bắt dân đóng phí để bù vào cho tốt”.

Một số người cũng tỏ ra thắc mắc, khi việc thu phí được thực thi nhưng đường không hết tắc, chất lượng công trình không cao lên thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm và hướng xử lý ra sao?

Cần, nhưng phải có lộ trình

Dù phần đông người dân tỏ ra không đồng thuận với đề xuất thu phí của Bộ GTVT vào thời điểm hiện tại, song nhiều ý kiến vẫn cho rằng việc thu phí là cần thiết, nhưng phải có lộ trình, minh bạch và phải sử dụng đúng mục đích.

Độc giả Trung Sâm chia sẻ “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc Bộ trưởng đã và sắp triển khai. Nhưng cần có lộ trình và tính toán cụ thể. Cần xem lại một số loại thuế, phí, người dân thu nhập còn thấp mà phải chịu nhiều loại phí trên đầu phương tiện thì thật vô lý”.

“Nên thu qua phí xăng dầu, người nào đi nhiều thì phải đóng nhiều”, độc giả Vinh Phúc đề xuất.

Độc giả Nguyễn Đình Thắng cũng cho rằng “Việc triển khai thu phí hạn chế xe cá nhân là chủ trương đúng, nhưng nên xem lại mức thu”.


Việc thu phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí ô tô vào nội đô giờ cao điểm sẽ tác động toàn cục đến nền kinh tế

Độc giả này cho rằng mức thu hợp lý chỉ nên từ 3-5 triệu đồng/xe/năm. Bởi thu nhập người dân còn rất thấp, rất nhiều người đang sử dụng ô tô trị giá dưới 100 triệu đồng/xe - nếu phải đóng mức phí như Bộ GTVT đề xuất là hoàn toàn không hợp lý.

Bàn luận về đề xuất thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, độc giả Lê Toàn cho rằng: “Nếu là phí hạn chế phương tiện cá nhân thì chỉ nên đánh tại đầu vào để hạn chế nhập khẩu hoặc sản xuất thêm chứ xe đã và đang lưu hành thì làm sao hạn chế được? Tương tự như sinh đẻ kế hoạch vậy, phải hạn chế sinh mới chứ đã sinh con rồi lại giết đi sao được? Hay phí cứ đưa ra, còn dân không đóng được thì cất xe ở nhà mới gọi là hạn chế?”.

Dẫn ra một loạt hệ lụy khi thu thêm phí, bạn đọc Nhân Ái cho rằng Bộ GTVT cần nghiên cứu kỹ tác động tổng thể của mỗi chính sách nói chung và chính sách hạn chế phương tiện nói riêng.

Còn theo đánh giá của các chuyên gia, hạn chế phương tiện cá nhân sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến nền kinh tế: Phí tăng giá cước vận tải, cước taxi tăng, các mặt hàng sẽ tăng giá gấp 2-3 lần…

Phí tăng cũng sẽ khiến người dân sẽ ít tiêu thụ xe dẫn đến sản xuất xe máy, xe ôtô bị hạn chế dẫn đến giảm công ăn việc làm, tác động trực tiếp đến mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hóa.

Nhìn nhận xa hơn, độc giả Hoàng Nguyên lo lắng: “Phí chồng phí, có thể cái lợi trước mắt tăng ngân sách, đường sá thông thoáng, giảm ô nhiễm nhưng ngược lại chính nó cũng kìm hãm sự phát triển kinh tế, kìm hãm động lực phát triển mà hệ quả của nó còn nặng nề hơn những cái lợi trước mắt!”.

“Hiện tại tổng các loại thuế, phí ô tô ở Việt nam đang thu cao gấp 20 lần ở Mỹ trong khi thu nhập bình quân ở Mỹ cao gấp 50 lần ở Việt Nam. Đây là nghịch lý mà ai cũng dễ thấy”, bạn đọc Phước Hùng bức xúc.

“Điều kiện tiên quyết để giảm ùn tắc là phải phát triển phương tiện giao thông công cộng và đường giao thông, chứ không phải là tăng thu phí. Hãy thu phí khi những điều kiện trên được đảm bảo”, độc giả Quốc Dũng nhấn mạnh.

Minh Đức
Theo Vietnamnet

Từ khóa: