Trong lúc đang dùng xe múc Sumitomo SH200 dỡ đất thuê, thì bị chính quyền lập biên bản cho là có hành vi khai thác khoáng sản trái phép và bị công an lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực khoáng sản, tạm giữ và sau đó là quyết định tịch thu xe…
Trong lúc đang dùng xe múc Sumitomo SH200 dỡ đất thuê, thì bị chính quyền lập biên bản cho là có hành vi khai thác khoáng sản trái phép và bị công an lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực khoáng sản, tạm giữ và sau đó là quyết định tịch thu xe…
Vườn cà phê của bà Xui thuê ông Tùng dùng xe đào sang làm đất để trồng cà phê (ảnh lớn) và chiếc xe bị tịch thu của ông Linh đang chờ xử lý (ảnh nhỏ)
Gia đình ông Trần Phước Linh, SN 1983, thôn Hiệp Thuận, Ninh Gia, Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng có một xe cơ giới dùng làm công cày dỡ đất thuê. Ngày 10/9/2012, tài xế Trần Văn Tùng (SN 1979) mang xe đi cải tạo đất cà phê cho bà Phan Thị Xui tại thôn Đại Ninh, Ninh Gia, Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Trong lúc đang dỡ đất thì bị chính quyền đến lập biên bản vì cho rằng đang khai thác khoáng sản không phép. Theo biên bản vi phạm hành chính do Đội trưởng Đội 3 Phòng PC 49 Công An huyện Đức Trọng Trần Xuân Phú lập lúc 16 giờ 50 phút ngày 10/9/2012, thì Tùng cùng 6 người khác dùng xe múc đất đá khoáng sản đổ lên dàn sàn khai thác mà không có giấy phép. Khi đoàn kiểm tra tới thì số thanh niên này đã bỏ chạy. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu anh Tùng dừng ngay hành vi vi phạm và đưa chiếc máy múc Sumitomo SH200 về UBND xã Ninh Gia làm việc. Riêng dàn máy đãi khoáng sản do điều kiện đường xa, khó đi nên đoàn không đưa về được. Qua làm việc, Tùng khai nhận là chủ địa điểm khai thác khoáng sản, và không có giấy phép khai thác.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Ninh Gia Nguyễn Ngọc Huyên cho biết, khu đất 19.435m2 của bà Phan Thị Xui được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mục đích là đất trồng cây lâu năm và đất màu trong đó có 400m2 thổ cư và có 7.000m2 thuộc quy hoạch đất ở, không có quy hoạch mỏ hay khoáng sản gì. Phòng TN&MT huyện cũng đã lấy mẫu vật tại hiện trường đi kiểm định tại Viện Hạt nhân Đà Lạt, kết quả theo tỷ lệ của các thành phần thì không thể kết luận có trữ lượng khoáng sản quý hiếm gì.
Dù ông Linh hoàn toàn không biết hành vi vi phạm của anh Tùng, đã xuất trình giấy tờ là chủ sở hữu để xin trả lại xe, nhưng UBND huyện Đức Trọng vẫn “xử” tịch thu xe này. Nhưng ngày 28/11/2012, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng Võ Văn Phương đã có Quyết định 218/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản 15 triệu đồng, và tịch thu máy đào
Sumitomo SH200 thuộc sở hữu của ông Linh.
Sau đó, ông Linh, ông Tùng khiếu nại, Hội đồng Tư vấn pháp luật huyện Đức Trọng gồm các cơ quan Công an, Tư pháp, Tài nguyên và Môi Trường, Thanh tra, Toà án, Viện kiểm sát, Công thương thống nhất trả lại xe cho ông Linh. Tại UBND xã Ninh Gia, ngày 13/3/2013 Thanh tra huyện Đức Trọng cũng đã thông báo ý kiến này đến ông Tùng và ông Linh.
Tuy nhiên, do ông Linh khiếu nại đòi bồi thường thiệt hại vì xe bị giữ từ 10/9/2012 đến 13/3/2013, ngày 24/4/2013 UBND huyện Đức Trọng có Quyết định giải quyết khiếu nại 31/QĐ-UBND-ĐT với nội dung: Quyết định 218/QĐ-XPHC tịch thu xe của ông Linh là đúng vì cho rằng, ông Linh bàn giao máy đào cho ông Tùng toàn quyền sử dụng và quyết định về chiếc xe. Do đó, ông Tùng bị xử lý theo quy định pháp luật với hành vi khai thác khoáng sản trái phép với hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu máy đào theo quy định tại tiết b, điểm 6, khoản 3, Điều 1, Nghị định số 77/2007/QĐ-CP ngày 10/5/2007 của Chính phủ và phải chịu trách nhiệm dân sự trước ông Linh.
Theo Phó Trưởng phòng TN&MT Phan Anh Tuấn, người trực tiếp tham mưu trong vụ tịch thu này cho biết: Theo quan điểm của chúng tôi, chiếc xe này ông Tùng được giao cho sử dụng hợp pháp thì xử lý ông Tùng. Sau này, ông Linh sẽ khởi kiện vụ án dân sự khác đòi lại giá trị tài sản, chứ chúng tôi không thể áp dụng quy định pháp luật để trả lại xe được!
Tuy nhiên, theo Nghị định 150/2004/NĐ-CP ngày 29/7/2004 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, Nghị định 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, thì với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, mà không biết rõ chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp, hoặc những người này không đến nhận thì người có thẩm quyền tịch thu phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tịch thu; trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày thông báo được niêm yết công khai, nếu không xác định được chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp hoặc những người này không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật… Đối với tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.
Thiết nghĩ các quy định pháp luật điều chỉnh trong vụ việc này đã cụ thể chi tiết. Trường hợp này, ông Tùng chỉ được giao xe để làm thuê không có quyền định đoạt tài sản này, việc sử dụng xe để thực hiện hành vi khai thác khoáng sản là trái với ý chí của ông Linh. Ông Linh không cho phép ông Tùng sử dụng xe để thực hiện hành vi vi phạm hành chính này. Ông Linh không có lỗi trong hành vi của ông Tùng thì được trả lại xe để ông Linh được thực hiện quyền sở hữu của mình đối với tài sản này theo Bộ Luât Dân sự.
Hiện nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đang giải quyết khiếu nại vụ việc này. Báo thanh tra sẽ tiếp tục phản ánh vì sao dàn sàn đãi khoáng sản là 1 tang vật quan trọng để xác định kẻ cầm đầu lại không được thu giữ và số phận chiếc máy đào của ông Linh trong số báo tới.
Phước Lộc
theo Thanh tra