Cô cháu gái tôi năm nay học lớp 7, về nhà thút thít mách dì chuyện cháu bị bạn bè nói xấu, dựng chuyện và bình luận chê bai trên mạng xã hội. Cháu nói không muốn đi học vì cảm thấy xấu hổ và sợ hãi về những lời “bạo hành” tinh thần đó.
Làm gì khi con bạn là nạn nhân của trò quấy rối trên mạng xã hội? (Ảnh: Zing)
Mẹ cháu có biết chuyện nhưng phần vì chưa có kinh nghiệm xử lí chuyện này, phần vì coi nhẹ chuyện đó và nói đó là “chuyện trẻ con”. Con bé thấy mẹ gạt đi thì càng lúng túng và hoang mang, mấy hôm cứ lấy cớ đau bụng để xin nghỉ học, tôi dò hỏi thì mới biết sự tình.
Cụ thể là cháu năm nay 13 tuổi, đang ở độ tuổi dậy thì nên ngoại hình thay đổi, từ một cô nhóc gầy nhom bỗng nhiên tăng cân vùn vụt, cao mét rưỡi nhưng nặng gần 50kg. Mọi người trong nhà cũng thấy bình thường, trộm vía bụ bẫm đáng yêu nên cũng không yêu cầu cháu phải giảm cân, kiêng kị gì vì đang tuổi lớn. Thế nhưng, khi đọc những bình luận của bạn bè, và cả người lạ trên facebook của cháu tôi thực sự sốc với những từ như: Con lợn, ăn như heo, mặt xinh mà dáng như cái xe lu, không học giỏi thì không được cái nước gì… và nhiều bình luận tục tĩu khác.
Cháu kể khi đọc những lời đó cháu rất buồn, những người đó không phải là bạn thân mà chỉ là bạn cùng khối, và bạn cùng tuổi, có bạn cháu không biết, chỉ kết bạn để đấy. Đến lớp thì mọi chuyện rất bình thường, không ai trêu chọc gì cháu cả, nhưng ở trên mạng xã hội có nhiều người ác ý lấy ảnh của cháu tung vào các hội nhóm rồi ghi những lời tự mãn khiến cháu bị ném đá. Dù đã vào hội nhóm đó để thanh minh rằng đó là facebook ảo nhưng họ vẫn lôi cháu ra làm chủ đề để đàm tiếu, giễu cợt, cho dù cháu không làm gì sai.
Trên các hội nhóm tuổi teen, nạn quấy rối trên mạng xã hội xảy ra thường xuyên (Ảnh: chụp màn hình nhóm hot teen VN)
Chuyện quấy rối trên mạng xã hội của các bé đang ở tuổi dậy thì là hiện tượng phổ biến trên mạng xã hội, có thể dạo các nhóm về tuổi teen như nhóm Hot teen Việt Nam thì sẽ thấy nhóm tuổi này hoạt động mạnh, chủ yếu là ném đá, bôi bác, dè bỉu các hot teen bằng những ngôn từ tục tĩu, thóa mạ, gây tổn thương đến người chẳng may “đắc tội”. Điển hình là các cô, cậu tuổi teen đang được giới trẻ chú ý như Linh Ka, Long Hoàng, Chi bé… đều là nạn nhân của trò ném đá tập thể, thậm chí còn có những hội anti fan thường xuyên vào trang cá nhân của các hot teen này để bình luận chửi bới.
Các cô cậu tuổi teen vào thẳng trang cá nhân của các hot teen để chửi bới, xúc phạm bằng những lời tục tĩu (Ảnh: FB Linh Ka)
Qua đó cho thấy nạn ném đá, quấy rối trên mạng xã hội ở độ tuổi teen là có thật và cháu tôi đang là một nạn nhân ở mức độ nhẹ nhưng hậu quả là cháu đã cảm thấy sợ đi học và bị tổn thương bởi những lời bình luận ác ý đó.
Tôi có đưa ra cho cháu một số giải pháp và cháu làm theo, từ đó đến nay là 1 tuần và tâm lý của cháu đã được cải thiện theo hướng tích cực:
Về việc sử dụng trang cá nhân
Cháu có chia sẻ là lớp cần sử dụng mạng xã hội để đưa các thông tin về trường lớp, giáo viên tiện theo dõi, quản lí và nhắc nhở học sinh ngoài giờ học ở lớp. Việc này tôi thấy chính đáng nên cho phép cháu dùng mạng xã hội, nhưng nhắc nhở cháu để chế độ bạn bè, lọc hết những người không quen biết và xóa những bình luận tục tĩu, chê bai, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lí, chặn những người có bình luận xúc phạm đến cháu, hạn chế đăng ảnh cá nhân lên mạng xã hội. Sử dụng tối đa 2 tiếng đồng hồ cho việc lướt mạng.
Mẹ và con gái nên chia sẻ nhiều hơn
Tôi nhắc mẹ cháu nên chú ý đến tâm lí và các câu hỏi của cháu, ở đô tuổi nà việc chăm sóc con còn vất vả hơn giai đoạn vừa sinh, bởi vì lúc này các cháu đã dậy thì, có rất nhiều vấn đề hỗn loạn về tâm sinh lí, mẹ lúc này không chỉ là mẹ mà còn nên là bạn tâm tình của cháu, điều mà các bé ở độ tuổi này cần là một người bạn chín chắn, trưởng thành, tin cậy để cháu có thể tin tưởng chia sẻ những thắc mắc và các vấn đề khiến bản thân các cháu lo lắng.
Tôi khuyên mẹ cháu nên chia sẻ nhiều hơn và đặt vấn đề là dùng chung trang cá nhân với cháu, việc này cần nói tế nhị để cháu thấy mẹ là đồng minh chứ không phải để kiểm soát cháu. Trong mọi trường hợp, mẹ luôn phải đứng về phía con để bảo vệ con trước những nguy cơ bị xâm hại theo nhiều nghĩa.
Nếu con sai, mẹ con về nhà đóng cửa bảo nhau. Với những sức ép từ dư luận, gia đình luôn phải là khiên giáp vững chắc để hạn chế tối đa việc con bị tổn thương sâu sắc từ mạng xã hội.
Trong mọi trường hợp, mẹ luôn phải bảo vệ con trước nạn quấy rối trên mạng xã hội (Ảnh: Mẹ và bé)
Cho con niềm tin rằng con là người đáng được trân trọng
Điều này rất quan trọng với sự tự tin của một đứa trẻ. Ngày tôi còn bé, nếu như bố mẹ không động viên tôi và luôn nói với tôi rằng “Ba tin là sau này con sẽ là một người phụ nữ thành công, chí ít là ba thấy con rất nhanh nhẹn, sau này theo nghề buôn bán hoặc luật sư sẽ tốt”. Mẹ tôi thì hay khen “Chỉ cần con chăm chỉ chút nữa sau này con sẽ độc lập và sống tốt, lập gia đình hay không không quan trọng”. Những lời khen cộng với một vài chỉ dẫn nhẹ nhàng sẽ khiến trẻ tiếp thu lời khuyên dạy nhanh chóng và tự tin với khả năng của bản thân.
Như cháu tôi, tôi hay khen cháu xinh gái, khuôn mặt phúc hậu, nếu muốn giảm cân thì có rất nhiều chế độ khoa học để tham khảo, nhưng tuổi cháu thì nên ăn đủ chất, quan trọng là việc học tập thật tốt, đó mới là điều mà không ai dám chê bai khích bác cháu, hãy giỏi nhất một thứ, thứ mà khó ai vượt qua, ví dụ học giỏi, chơi đàn giỏi, bơi giỏi, hoạt động tập thể nhiệt huyết, ngoại ngữ giỏi… nhất thiết phải xuất sắc ở một lĩnh vực, những điều khác chỉ là thứ yếu.
Tự học cách đối diện
Tôi chia sẻ với cháu rằng, khi tôi bằng tuổi cháu nhiều bạn cũng biết thích bạn khác giới và cũng đã có những phản ứng ghen tị xung quanh chuyện ai học giỏi hơn, ai được nhiều bạn khác giới thích hơn… và chính bản thân tôi cũng từng bị khủng hoảng tinh thần. Sau đó, tự bản thân tôi cũng phải tỏ ra cứng cỏi và tìm cách thoát ra khỏi sự tẩy chay “ngầm” của các bạn đồng lứa.
Ai cũng phải học cách đối diện với những vấn đề của riêng mình, đó là cuộc sống. Sau những lần đối diện ấy, mọi người sẽ trưởng thành hơn, và điều cần nhất trong chuyện này đó là sự tự tin. Làm sao để có được sư tự tin? Hãy chú ý hoàn thành 3 điều ở phía trên mà tôi vừa liệt kê. Mong rằng, các phụ huynh có con ở tuổi “ẩm ương” đọc bài viết này và cùng cháu lớn lên với tuổi thơ trọn vẹn, dù bé đúng hay sai thì vẫn luôn có gia đình là điểm tựa vững chắc.
Phượng Quỳnh
Theo Vietnammoi