Lạm phát giảm không bắt nguồn từ sự đi lên của nền kinh tế, năng suất của doanh nghiệp (DN) mà chủ yếu là do sức mua thấp, nền kinh tế khó khăn, hàng tồn kho tăng cao...
Lạm phát giảm không bắt nguồn từ sự đi lên của nền kinh tế, năng suất của doanh nghiệp (DN) mà chủ yếu là do sức mua thấp, nền kinh tế khó khăn, hàng tồn kho tăng cao...
Trả lời phóng viên Báo NTNN, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, lạm phát đang trên đà giảm nhưng không thực chất.
Ngành nào cũng đòi tăng giá
Thưa ông, việc giảm giá xăng dầu liên tiếp 2 lần gần đây có tác động như thế nào tới chỉ số giá (CPI) của tháng này, và những tháng tiếp theo?
Ông Ngô Trí Long
- Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay thì việc giảm giá các mặt hàng chiến lược, như xăng dầu, được tí nào là tốt tí ấy. Bởi việc giảm giá xăng dầu ít ra sẽ mang lại vài tác động tích cực cho thị trường và nền kinh tế. Giá xăng giảm dù ít nhiều sẽ giúp người dân giảm chi phí cho xăng, DN giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, từ đó giảm chi phí giá thành, nếu không giúp giảm giá bán hàng hóa được ngay và lớn thì cũng giúp DN không tăng giá thêm...
Nhiều báo cáo của các cơ quan nhà nước đã dự báo CPI tháng 4 này sẽ vẫn tiếp tục ổn định hoặc giảm nhẹ. Tuy nhiên, diễn biến của thị trường hiện nay lại cho thấy, giá cả nhiều hàng hóa đã bắt đầu nhích lên, như giá thực phẩm, rau củ đã tăng 10-15% rồi. Do vậy tôi cho rằng, dù giá xăng dầu có giảm thì CPI sẽ không giảm là bao...
Thực tế nhiều DN cho rằng, mức giảm giá xăng dầu như hai lần vừa qua là quá ít, không đủ để họ giảm giá hàng hóa, dịch vụ?
- Đúng là giá xăng dầu giảm như 2 lần vừa qua là quá ít (hơn 900 đồng), không đủ để xoay chuyển tình hình giá cả thị trường, kinh doanh của DN. Chưa kể, hiện nền kinh tế của chúng ta vẫn đang rất khó khăn, dù tăng trưởng GDP quý I/2013 cao hơn cùng kỳ năm 2012 nhưng tổng cầu của nền kinh tế vẫn rất yếu. Tiêu dùng của người dân vẫn trên đà giảm. Doanh số bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng sau khi loại trừ yếu tố giá cũng chỉ tăng có 4,5%, so với mức 5% của cùng kỳ 2012.
Đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến nay liên tục giảm, DN đăng ký thành lập mới cũng giảm, tín dụng vào khu vực sản xuất vẫn chưa được cải thiện, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn quá yếu... Tất cả sẽ làm cho việc kiềm chế lạm phát, hồi phục nền kinh tế trở nên khó khăn. Trong khi đó, bình quân lạm phát quý I đã bằng khoảng 40% cả năm, do vậy nếu không có các giải pháp quyết liệt trong việc điều hành giá cả của các mặt hàng chiến lược như xăng dầu thì lạm phát cả năm sẽ khó ở dưới mức 6-7% như mục tiêu đề ra.
Mặt bằng giá cả đã không giảm như kỳ vọng của người dân khiến đời sống nhìn chung vẫn rất khó khăn.
Hiện nay, ngành than đang đòi tăng giá than bán cho điện, ngành điện thì thông báo sẽ phải chạy điện giá cao, cho thấy sức ép tăng giá điện tới đây là rất rõ, nếu giá điện tăng sẽ tác động như thế nào tới lạm phát, thưa ông?
- Tôi cho rằng, việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như điện, xăng dầu là rủi ro lớn nhất ảnh hưởng tới việc kiểm soát lạm phát trong năm 2013. Giá các mặt hàng cơ bản và tỷ giá sẽ là nhân tố chính chi phối việc thực hiện mục tiêu lạm phát của cả năm nay.
Mới đây, báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố cũng phân tích: Nếu giá xăng và giá điện đều tăng 20% thì lạm phát có thể tăng thêm 1,73%; nếu tỷ giá được điều chỉnh tăng 4% và sự điều chỉnh này được chuyển hết vào giá hàng nhập khẩu và giá năng lượng (điện và xăng dầu) thì lạm phát tăng thêm khoảng 2%, trong đó 1,6% tăng do tăng giá hàng nhập khẩu và 0,4% tăng do tăng giá điện và xăng. Phân tích thì như vậy, nhưng thực tế nếu giá điện tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn hơn tới việc kiềm chế lạm phát và đến đời sống của người dân.
Nhưng các cơ quan nhà nước cũng cho rằng, khi lạm phát đã trong khả năng kiểm soát (ví dụ như CPI tháng 3 đã giảm) thì có thể điều chỉnh giá điện, xăng dầu, than... cho phù hợp với lộ trình giá thị trường của các mặt hàng này, thưa ông?
- Các cơ quan chức năng công bố CPI giảm như vừa qua, nhưng người dân vẫ không thấy giảm. Hầu như mặt bằng giá cả đã không giảm như kỳ vọng của người dân khiến đời sống của họ vẫn rất khó khăn. Nếu phân tích sâu hơn cũng thấy rõ, CPI giảm như hiện nay lại không phải do hiệu quả của nền kinh tế, năng suất của DN mà cho thấy dấu hiệu của giảm phát.
Sức mua của người dân thì thấp, DN thì khó khăn, tồn kho hàng hóa thì lớn. Hiện nhiều tỉnh còn đang đề nghị tăng giá nhiều hàng hóa và dịch vụ như y tế, giáo dục... Do vậy, với các mặt hàng tăng theo lộ trình như than, điện, xăng dầu, nếu Chính phủ và các bộ, ngành không cân nhắc kỹ việc tăng giá thì sẽ gây tác động xấu tới việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát hiện nay.
Phải “bắt” đúng bệnh
Vậy theo ông, để kiềm chế lạm phát cũng như tháo gỡ các khó khăn của nền kinh tế, chúng ta cần có những giải pháp gì?
|
Trong bối cảnh này, các số liệu của nền kinh tế công bố lại chưa chính xác... Chúng ta muốn chữa được bệnh thì phải "bắt" đúng bệnh.
Chuyên gia kinh tế
Ngô Trí Long
|
|
- Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ đã rõ và toàn diện các giải pháp. Tôi cho trong bối cảnh nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái như hiện thời thì cái "gốc" của các giải pháp là làm sao làm cho nền kinh tế năng suất, hiệu quả. Năng suất và hiệu quả này của chúng ta đang còn quá thấp nên bất kỳ tác động bên ngoài nào cũng làm chúng ta khó khăn. Kích cầu trong bối cảnh này cũng không phải dễ thực hiện. Việc hạ lãi suất như vừa qua các DN chưa hấp thụ được, không nhiều DN vay được. Sản xuất trong nước thì chưa ấm lên trong khi khó khăn tiềm ẩn rất lớn. Đó là nợ xấu, tồn kho, giá cả tăng... Trong bối cảnh này, các số liệu của nền kinh tế công bố lại chưa chính xác... Chúng ta muốn chữa được bệnh thì phải "bắt" đúng bệnh.
Do vậy, trước mắt chúng ta cần tập trung làm sao tăng sản xuất, sức mua; giảm thuế, phí... Cầu tiêu dùng đang suy giảm là một trong những nguyên nhân chính làm tăng trưởng kinh tế trì trệ, các DN khó khăn. Để vực dậy nền kinh tế, phải có những biện pháp kích thích tiêu dùng như giảm giá cả, tạo thêm việc làm mới, tăng lương... Ổn định được cầu thì vốn và lao động phải được sử dụng hiệu quả.
Cuối cùng, việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý được đánh giá là nguyên nhân quan trọng nhất tác động tới diễn biến lạm phát năm 2013 (các nguyên nhân được xếp sau là: Việc thay đổi chính sách tiền tệ, thay đổi chính sách tài khóa...). Nỗ lực kiềm chế lạm phát trong năm 2013 phụ thuộc lớn vào việc ổn định giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý...
Xin cảm ơn ông!
Mai Hương
theo Dân Việt