Sự kiện hot
3 tháng trước

Lạm phát năm 2024 dự kiến khoảng 4-4,5%

Với mức kiểm soát CPI bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với bình quân năm 2022, thành công này càng có ý nghĩa khi đây là năm thứ 10 liên tiếp lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu của Quốc hội. Các chuyên gia dự báo rằng áp lực lạm phát sẽ không lớn trong năm 2024.

Dự báo lạm phát Việt Nam sẽ đạt đỉnh trong quý I/2023
Lạm phát năm 2024 dự kiến khoảng 4-4,5%.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra hai kịch bản tăng trưởng GDP và dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024. Kết quả dự báo theo nhóm chuyên gia của CIEM cho thấy, tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 6,13% theo kịch bản 1 và 6,48% trong kịch bản 2.

Cùng đó xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,02% trong kịch bản 1 và tăng 5,19% trong kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,64 tỷ USD và 6,26 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2024 dự báo lần lượt ở mức 3,94% và 3,72%, theo ông Nguyễn Anh Dương, trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu của CIEM.

Ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính đưa ra ba kịch bản lạm phát gồm: Kịch bản cao CPI tăng khoản 3,5%; kịch bản thấp CPI tăng khoảng 2,5% và dự báo CPI năm 2024 trong khoảng 3%. Tuy nhiên, dự báo đó chưa tính đến giá các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước quản lý. Phân tích bối cảnh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng:

Thứ nhất, kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, đồng thời nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái chưa được loại trừ. Các số liệu trong lịch sử từ năm 1982 đến nay cho thấy khi lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3 tháng cao hơn so với kỳ hạn 10 năm (đường cong lãi suất âm), thì nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái sau 3-6 quý.

Thứ hai, với triển vọng kinh tế thế giới không thật sự khả quan, giá dầu sẽ khó tăng mạnh, thậm chí có thể giảm mạnh nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Dự báo giá dầu WTI trong năm 2024 sẽ xoay quanh mức trung bình 5 năm của giai đoạn 2019- 2023 là 67 USD/thùng.

Thứ ba, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 được dự báo cũng sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải dù so với nền thấp của năm 2023 (mục tiêu trên 6%). Hơn nữa, do thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, khu vực công nghiệp - xây dựng nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung cũng sẽ bị ảnh hưởng và tăng trưởng thấp trong năm 2024.

Thứ tư, áp lực lạm phát từ yếu tố tỷ giá tăng trong năm 2024 được dự báo sẽ không lớn khi đồng USD đang trong xu hướng giảm giá, còn Fed nhiều khả năng sẽ bắt đầu giảm lãi suất từ quý II/2024.

Chuyên gia dự báo lạm phát năm 2023 chỉ 2,5% - Nhịp sống kinh tế Việt Nam &  Thế giới

Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, một yếu tố đáng chú ý của năm 2023 là công tác cải cách thể chế kinh tế có những chuyển biến quan trọng, đặc biệt đối với việc hoàn thiện khung chính sách cho kinh tế số, bước đầu hiện thực hoá một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế địa phươnng.

Nhờ đó, Việt Nam đã xử lý tương đối hiệu quả tác động của các diễn biến trên thị trường thế giới đối với tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn, đồng thời tiếp tục duy trì, củng cố niềm tin của cộng đồng của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

“Công tác cải cách thể chế cần tiếp tục được coi là một động lực tăng trưởng quan trọng cho năm 2024, bên cạnh các động lực tăng trưởng khác đã được xác định”, bà Minh nêu quan điểm.

Phân tích thêm, bà Trần Thị Hồng Minh cho rằng, thực tế cho thấy, Việt Nam không chỉ dựa vào các giải pháp tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà đã tạo dựng không ít động lực mới từ cải cách thể chế kinh tế.

Các động lực ấy đến từ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình kinh tế mới, cải cách môi trường kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện quy hoạch và thể chế liên kết vùng. Chính phủ cũng đã nhìn nhận thẳng thắn, cầu thị về các vấn đề cần tháo gỡ, trong đó có tình trạng nợ đọng văn bản, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ, khó khăn đối với hấp thụ vốn… để từ đó có những chỉ đạo, nghiên cứu tháo gỡ.

Theo dự đoán của các cơ quan chức năng như Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Tổng cục Thống kê, áp lực lạm phát năm 2024 không quá lớn. Các yếu tố có thể tác động đến lạm phát gồm: giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao và đồng USD tăng giá sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.

Cùng với đó, việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý và khả năng Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục tăng giá điện khi nguyên liệu đầu vào tăng giá sẽ tác động làm tăng CPI. Giá một số hàng hóa thiết yếu như giá thịt lợn, giá gạo… dự báo có thể tăng trong thời gian tới.

Trong năm 2024 còn có đợt cải cách tiền lương và tăng lương tối thiểu vùng từ tháng 7/2024 cũng là yếu tố kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong gia đình tăng lên. Đồng thời, các chương trình hỗ trợ phục hồi, giải ngân đầu tư công của Chính phủ, dịch vụ du lịch... dự kiến cũng sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong thời gian tới.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố có khả năng tạo áp lực lên lạm phát cũng có những yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá như hỗ trợ giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế giá trị gia tăng tiếp tục được thực hiện trong năm 2024...

Sang năm 2024, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn cung thịt lợn vẫn đảm bảo nhưng đòi hỏi sự quản lý nhà nước và kiểm soát tốt dịch bệnh, không để xảy ra tình trạng như cuối năm 2019, giá thịt lợn tăng cao do bán tháo, tiêu hủy lớn và không kịp phục hồi, tái đàn.

Năm 2024, giá xăng dầu được đánh giá ổn định. Nhưng đây là một yếu tố rất khó lường bởi biến động chính trị, nếu tiếp tục đứt gãy vận chuyển, giá dầu có thể sẽ là một ẩn số. Bên cạnh đó, một yếu tố có thể tăng áp lực là những mặt hàng do Nhà nước điều chỉnh theo lộ trình do suốt 3 năm qua, để hỗ trợ kinh tế, người dân, nhiều mặt hàng được Nhà nước giữ bình ổn và chậm lộ trình tăng giá. Tới đây, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục sẽ là yếu tố có thể tác động lên CPI năm 2024.

Đối với giá điện điều chỉnh lần 2 vào cuối năm 2023, chưa phải cao điểm nên năm 2024 sẽ chịu ảnh hưởng. Việc điều chỉnh giá điện tiếp hay không sẽ phụ thuộc vào sự tính toán của Bộ Công thương, EVN và sự phối hợp của Bộ Tài chính. Có ý kiến cho rằng, CPI của năm 2024 sẽ xoay quanh 4% do cộng hưởng từ yếu tố thị trường và quản lý nhà nước. Cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá sẽ diễn ra trong tháng 1/2024 để xây dựng kịch bản điều hành giá sát thực tiễn.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: