Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình lạm phát

Trong 8 tháng đầu năm 2022 kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, bất chấp bối cảnh kém lạc quan của kinh tế toàn cầu. Hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô đều khá tích cực.

Chuyên gia: Chính sách tiền tệ đã góp phần kiểm soát lạm phát

Theo đó trong 8 tháng qua, thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị. Giá năng lượng tăng cao gây lạm phát trên toàn thế giới, các ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ và nâng lãi suất.

Xuất khẩu tăng trưởng khá cao mặc dù các nền kinh tế đối tác gặp nhiều khó khăn. Vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục xu hướng tăng. Khu vực doanh nghiệp dần phục hồi, doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp trở lại thị trường tăng rất mạnh. Sản xuất công nghiệp khởi sắc... phản ánh nhu cầu trong nước gia tăng cùng với chủ trương mở cửa thị trường dịch vụ và du lịch.

Để chủ động ứng phó với rủi ro lạm phát, với các yếu tố nguy cơ cả từ bên trong và bên ngoài, thời gian qua, Chính phủ đã có những động thái chính sách được đánh giá là khá linh hoạt, phù hợp tình hình hiện tại.

Đơn cử như, Ngân hàng Nhà nước liên tục sử dụng các biện pháp “bơm - hút” tiền đan xen; kết hợp linh hoạt với các chính sách tài khóa. Việc thực hiện bơm - hút tiền liên tục nhằm kiểm soát thanh khoản thị trường, điều tiết cung tiền, hướng tới thực hiện hai mục tiêu lớn: Ổn định mặt bằng lãi suất và giữ ổn định tỷ giá và giá trị đồng VND, qua đó kiểm soát, đối phó với áp lực lạm phát.

Bên cạnh đó, các cơ quan chủ quản cũng thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạ nhiệt giá xăng dầu như giảm thuế, ổn định giá cả và nguồn cung đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu giúp ổn định mặt bằng giá cả.

Giá xăng, dầu giảm là yếu tố chủ yếu kiềm chế tốc độ tăng của Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 và tháng 8/2022 (CPI tháng 8/2022 chỉ tăng nhẹ 0,005%). CPI tháng 8/2022 tăng 0,005% so với tháng trước, tăng 3,6% so với tháng 12/2021. Bình quân 8 tháng qua, lạm phát cơ bản tăng 1,64%.

Bên cạnh đó, những hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, giá điện sinh hoạt chiếm tỷ trọng 12,87% trong tổng chi tiêu dùng của dân cư được Chính phủ điều hành giữ ổn định trong năm 2022.

Với giá dịch vụ y tế, năm 2021 phải hoàn thành việc tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, khấu hao tài sản cố định và các chi phí khác theo pháp luật về giá, tuy nhiên việc này đã được hoãn lại trong đại dịch.

Việc kiểm soát tốt lạm phát trong 8 tháng giúp Việt Nam có dư địa để đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 khoảng 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra.

Theo Bộ Tài chính, với ước tính CPI tháng 8 tăng 0,006%, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 4 tháng còn lại, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng 1,27% để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%. Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2022 tăng trong khoảng 3,37 - 3,87%.

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: