Sự kiện hot
3 năm trước

‘Lạm phát tăng cao, ngành bất động sản chịu nhiều tác động tiêu cực hơn tích cực’

Theo chuyên gia, khi lạm phát tăng, giá cả mọi mặt hàng cũng tăng theo khiến tâm lý phòng thủ xuất hiện. Người dân sẽ bớt ăn tiêu, thậm chí là từ bỏ ý định đầu tư. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm thuận lợi cho các nhà đầu tư dài hạn.

Ngành bất động sản đang đối mặt với nhiều khó khăn kép khi thủ tục pháp lý còn nhiều vướng mắc và dòng vốn bị kiểm soát chặt,…

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá, thị trường bất động sản từ nay đến cuối năm dự báo gặp nhiều thách thức khi lãi suất cho vay mua nhà gặp áp lực tăng khi lãi suất huy động tăng, ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn của người mua nhà.

Các chủ đầu tư cũng gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn khi hạn chế tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và giám sát chặt chẽ hoạt động phát hành trái phiếu.

Ngoài ra, room tín dụng hạn chế của các ngân hàng thương mại ảnh hưởng tới khả năng cấp tín dụng cho khách mua nhà.

Đánh giá về thị trường bất động sản tại buổi họp báo do Batdongsan.com.vn vừa tổ chức, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, nếu pháp lý được tháo gỡ thì sẽ có hàng nghìn dự án được giải tỏa. Kéo theo đó sẽ có hàng tỷ USD đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội.

Hiện nay nhiều dự án vẫn gặp vướng mắc về pháp lý khiến nguồn cung bị ảnh hưởng, nhất là ở hai thị trường chính là Hà Nội và TP HCM. Trong hơn hai năm qua, nguồn cung căn hộ chỉ tăng 2% (theo thống kê của HoREA) trong khi nhu cầu tăng tới 35%.

“Chứng tỏ cung cầu không gặp nhau dẫn tới giá bán bị đẩy lên cao. Bình quân giá căn hộ đã tăng 18% trong hai năm vừa qua”, ông Lực cho biết.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV. (Ảnh: Reatimes).

Liên quan đến dòng vốn vào bất động sản, chuyên gia đánh giá, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua có sự phát triển nóng, đây là một kênh dẫn vốn trung và dài hạn rất quan trọng. Kỳ vọng trong tháng 7 tới đây, Chính phủ sẽ sửa đổi Nghị định 153 để kênh trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được khơi thông tốt hơn. Thực tế, trong tháng 5 không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu, trong tháng 6 đã có doanh nghiệp phát hành trở lại (khoảng 5.000 tỷ đồng).

Cũng theo ông Lực, từ đầu năm đến nay tín dụng tăng trưởng hơi nóng (khoảng 9,35%). Do đó, nhiều ngân hàng đã hết dư địa. Kỳ vọng trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục nới room tín dụng cho một số ngân hàng.

Tuy nhiên, vị này cho rằng, tín dụng trong năm nay chỉ tăng khoảng 15% là phù hợp, nếu tăng 17 - 18% thì sang năm lạm phát sẽ có nguy cơ tăng cao. Chưa kể, nếu tín dụng tăng trưởng nóng quá, dòng tiền sẽ lại đi vào những phân khúc đầu cơ, rủi ro thì lại phải xử lý hậu quả về sau.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, về lâu dài, Việt Nam nên đánh thuế bất động sản thứ hai, thứ ba,… vì một thị trường lành mạnh và để theo thông lệ quốc tế, không thể một mình một chợ. Đây cũng là một cách để phân bổ thu nhập cho nền kinh tế và làm giảm tình trạng đầu cơ.

Ông Lực cho biết, hai năm vừa qua, giá bất động sản tăng nóng, không riêng gì tại Việt Nam mà tăng trên toàn thế giới. Bởi vì dòng tiền rẻ, lãi suất thấp, cơ hội đầu tư sản xuất kinh doanh ít và bởi vì chứng khoán tăng mạnh nên nhiều người mới đua nhau đổ tiền vào bất động sản.

“Tuy nhiên, năm nay khác. Ở thời điểm này, nếu như bất động sản còn tăng ở một nơi nào đó thì đó chỉ có thể là hiện tượng thổi giá. Năm nay, những yếu tố cơ bản để đẩy giá bất động sản lên như hai năm qua đã không còn nữa. Trừ khi pháp lý đã được điều chỉnh, thông tin quy hoạch được công bố, cơ sở hạ tầng được đầu tư,… Chưa kể Chính phủ và các địa phương cũng đang có động thái, chính sách điều tiết giúp cho thị trường trở về giá trị thật”, vị này nhấn mạnh.

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh thì về tổng thể, thị trường bất động sản chịu tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực. Bởi vì khi lạm phát tăng thì buộc các nước phải can thiệp bằng cách tăng lãi suất. Hiện nay, có tới 80 nước trên thế giới đã và đang tăng lãi suất. Và khi mặt bằng lãi suất tăng thì nghĩa vụ trả nợ tăng theo, tỷ giá cũng tăng theo, đồng tiền nội tệ của các nước mất giá,… Do đó, những người đi vay ngoại tệ sẽ bị thiệt hai lần, một là lãi suất tăng, hai là tỷ giá tăng.

Ngoài ra, khi lãi suất tăng thì đầu tư, tiêu dùng giảm và kinh tế sẽ giảm đà phục hồi. Hiện nay cũng có không ít lo ngại nền kinh tế bị suy thoái. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, sẽ không xảy ra suy thoái toàn cầu mà sẽ suy thoái cục bộ ở một vài quốc gia nếu như họ ứng xử không tốt.

Bên cạnh đó, khi lạm phát tăng, giá cả mọi mặt hàng cũng tăng theo khiến tâm lý phòng thủ xuất hiện. Người dân sẽ bớt ăn tiêu, thậm chí là từ bỏ ý định đầu tư.

“Tuy nhiên, điểm tích cực là giá bất động sản đang trở về giá trị thực và đây là cơ hội của những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính. Bất động sản cũng là một kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh có nhiều rủi ro để chờ thời. Lúc này là lúc thuận lợi hơn cho những người đầu tư dài hạn, không có chuyện dễ dàng lướt sóng kiếm lời trong giai đoạn này”, ông Lực nhận định.

Hà Lê
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh

Từ khóa: