Làm sao để trở thành một nhà làm phim độc lập? Tự bỏ tiền túi để sản xuất một bộ phim sẽ gặp phải những khó khăn gì?
Làm sao để trở thành một nhà làm phim độc lập? Tự bỏ tiền túi để sản xuất một bộ phim sẽ gặp phải những khó khăn gì?
Những trăn trở thường gặp của một nhà làm phim độc lập là chủ đề chính của buổi giao lưu cùng đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn vào tối 10.8 tại Đại học Hoa Sen (Q.3, TP.HCM).
Xuất hiện trẻ trung với áo thun, quần jeans, gương mặt bầu bĩnh cùng cách nói chuyện hóm hỉnh, Nguyễn Hữu Tuấn gây ấn tượng về một người trẻ mê làm phim hơn là một vị đạo diễn mày rậu rậm rạp, phong cách bụi bặm thường thấy.
Cũng dễ hiểu thôi vì anh là một đạo diễn “tay ngang”. Đang là một kiến trúc sư, Nguyễn Hữu Tuấn tự bỏ tiền túi để làm phim chỉ vì niềm đam mê ấp ủ bấy lâu.
Anh là một trong số ít nhà làm phim độc lập tại Việt Nam hiện nay.
Với bộ phim đầu tay mang tên Dành cho tháng sáu vừa ra mắt vào tháng 5 vừa qua, Nguyễn Hữu Tuấn vừa là biên kịch, vừa là đạo diễn, vừa là nhà sản xuất.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn trong buổi giao lưu - Ảnh: Thiên Hương
Chia sẻ về quá trình thực hiện một bộ phim độc lập, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho biết vấn đề nan giải vẫn là tài chính.
“Để huy động tài chính, có nhiều cách. Nếu không có 'tiền túi' thì người làm phim có thể đi xin tài trợ. Một trong những nguồn tài trợ hấp dẫn nhất là từ nước ngoài. Thường thì các nhà làm phim Việt Nam có thể kiếm nguồn tài trợ từ liên hoan phim chẳng hạn như liên hoan phim Cannes. Quan trọng là kịch bản có thuyết phục không”, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn bật mí.
Với Dành cho tháng sáu, mặc dù đã cố gắng tiết kiệm, Nguyễn Hữu Tuấn cũng móc tiền túi gần 200.000 USD, tốn kém nhất vẫn là khâu hậu kỳ.
“Mặc dù vậy, tài chính không phải là vấn đề duy nhất đối với một nhà làm phim độc lập”, đạo diễn khẳng định.
Cảnh trong phim Dành cho tháng sáu - Ảnh: đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cung cấp
Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn, quan trọng nhất vẫn là phải có kịch bản phim hay và phải vượt qua lực cản của chính mình.
“Lúc bắt tay vào làm phim, có những lúc tôi tưởng chừng như mình đã ngã gục. Một phân cảnh quay gần một tuần chưa xong. Gần đến ngày quay, áp lực làm sao để không làm sai, làm dở cũng khiến tôi mất ăn, mất ngủ. Cũng giống như anh lính ra chiến trường phải bắn phát súng đầu tiên mới thật sự là lính, phải vượt qua chính mình mới làm nên chuyện”, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nói.
Tại buổi giao lưu, những bạn trẻ mê làm phim cũng tỏ ra rất phấn khởi khi biết rằng với một chiếc máy ảnh trên tay, họ vẫn có thể cho ra đời một bộ phim hoàn chỉnh.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ: “Rất nhiều bộ phim làm bằng máy ảnh đã tạo ra hình ảnh khác biệt vì máy ảnh có thể thay đổi ống kính dù độ phân giải thua máy quay bình thường. Trước Dành cho tháng sáu, còn có Em hiền như ma sơ và gần đây là Ranh giới trắng đen cũng quay bằng máy ảnh”.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn sẽ tiếp tục có buổi giao lưu và giới thiệu phim miễn phí tại Đại học Hoa Sen (Q.3, TP.HCM) vào lúc 18 giờ ngày 11.8 với chủ đề Hành trang nhà làm phim trẻ. |
Thiên Hương
Theo Thanhnien