Giữ gia đình hạnh phúc rất khó chứ không phải dễ. Trong một trăm gia đình, chưa chắc đã có hai mươi gia đình hạnh phúc.
Giữ gia đình hạnh phúc rất khó chứ không phải dễ. Trong một trăm gia đình, chưa chắc đã có hai mươi gia đình hạnh phúc.
Ảnh minh họa. Nguồn: Micro.
Điều quan trọng số một đối với cả chồng lẫn vợ là tự nguyện làm thế nào đó để hai vợ chồng toàn tâm toàn ý xây dựng gia đình của mình chứ không nghĩ tới chuyện khác.
Làm thế nào để thầy người bạn đời của mình luôn luôn hấp dẫn hơn những người khác?
Đây là một câu hỏi rất thực tế. Người phụ nữ đến tuổi 70 hay 80 vẫn còn sức hấp dẫn chứ đừng nói chi đến những người phụ nữ 30, 40, 50 tuổi. Có một người rất dễ thương than phiền với tôi một cách đời thường thế này: “Thầy ơi! Đâu có phải vợ con hết lửa. Cô ấy còn nhiều lửa lắm, nhưng không hiểu sao cô ấy làm cho con chán, không muốn về nhà. Thành ra con cũng đi chơi chỗ này, chỗ kia.”
Biết cách thưởng thức thực tế đang diễn ra
Có một lần tôi đến thăm một gia đình bác sĩ người Thụy Điển, vợ của ông ấy là dược sĩ người Việt Nam. Ông ấy rất thích chơi nhạc, sưu tầm và đấu giá rất nhiều đồ cổ. Ông ta cùng hai người bác sĩ nữa thành lập một phòng khám tư nhân. Tôi cũng trao đổi với ông ấy rất nhiều thông qua việc đặt hàng loạt các câu hỏi để ông trả lời.
Ông này là một người rất thích cãi và cãi bướng, cái gì cũng cãi được hết nên người vợ cũng khổ với ông ta. Ông ấy hỏi tôi rằng:
“Theo ông, điều gì Phật dạy là quan trọng nhất?”
Tôi trả lời là:
“Vợ ông đi làm về sớm hơn ông để lo cơm nước. Ông đi làm về sau, rửa tay rồi ngồi vào bàn ăn. Ông đem chuyện trong phòng khám của ông, nào là bệnh nhân này, bệnh nhân kia khó chịu, nào là người này người kia dễ ghét v.v. Ông cũng góp ý quá nhiều thứ cho vợ ông: món ăn này thế này, món ăn kia thế kia… Rồi vợ ông cũng nói lại, và hai người cứ nói qua nói lại mãi. Lúc đó có một vị Phật đi ngang mới dạy rằng: ‘Quý vị hãy ngồi lại ăn cho sung sướng, có cái gì ăn cái nấy và ăn nhiệt tình, sung sướng. Trong đầu cả hai người chỉ biết cùng nhau thưởng thức món ăn.’ Phật không có tiêu chuẩn gì cả, cứ thấy chúng sinh không hưởng được cái gì thì chỉ cho họ hưởng. Đơn giản vậy thôi!”
Tôi còn trao đổi với ông thêm vài câu hỏi nữa nhưng tôi không nhớ. Ông ấy cũng gởi bản dịch tiếng Anh cho gia đình đọc, giảng cho một nhóm bạn bè bác sĩ của ông theo cuốn Cẩm nang Thiền Minh Triết. Ông ấy nhớ hết tất cả những gì tôi nói chuyện với ông trong đêm đó.
Tôi kể một ví dụ như vậy để quý vị thấy rằng cuộc sống chính là thực tế đang diễn ra. Đừng để ý tưởng của mình bóp méo thực tế đang diễn ra, mà hãy biết cách hưởng lợi từ trong thực tế ấy, biết cách khám phá những định lý, quy luật mà thực tế ấy đang tồn tại và vận hành. Rồi chúng ta nương theo những định lý, quy luật ấy mà thưởng thức thực tế.
Thời gian trôi đi làm cho cả vợ lẫn chồng có những thay đổi về thể chất, tâm sinh lý, dáng vẻ bên ngoài... Đây là quy luật tất yếu. Nếu không để ý tưởng đánh giá, sự thỏa mãn ý muốn cá nhân chen vào cuộc sống của hai vợ chồng, mà chỉ sống với thực tế đang diễn ra, người chồng sẽ luôn thấy và thưởng thức điều mới mẻ nơi vợ của mình và ngược lại. Cuộc sống vợ chồng vẫn luôn hấp dẫn, thú vị ngay cả vào tuổi xế chiều
Người khác có nhìn thực tế ấy phũ phàng hay không phũ phàng thì đó là chuyện của người khác. Chuyện của người minh triết là nhìn thật rõ, biết thật rõ, thấy thật rõ và thưởng thức cho được tất cả mọi thực tế đang diễn ra chung quanh mình và không hề dính mắc đến ý kiến, quan niệm của người khác.
Chúng ta giống như một phần tử không thể tách rời thực tế. Và do có bộ óc nhận thức được các quy luật, nên chúng ta hưởng được trọn vẹn thực tế ấy. Chúng ta vừa gắn liền, hòa chung làm một với thực tại mà lại vừa thưởng thức được nó, không để bất cứ một thứ ý tưởng gì ngăn cách giữa chúng ta và thực tại đang diễn ra. Đó cũng là cách chúng ta hòa thế giới tâm linh của mình với thế giới tâm linh của thế giới hình tướng, với thực tại đang vận hành một cách sống động mà không nói cái gì tốt hay cái gì xấu. Thực tại là thực tại.
Quý vị cố gắng hình dung và phải tập từ cái đơn giản nhất thì mới hiểu được bài giảng hôm nay. Quý vị hãy tập ôm chầm lấy người mà mình thù ghét, gần gũi người mình sợ hãi, hãy hòa làm một với điều mình bất bình và quên đi ý tưởng của mình. Sống chung với kẻ thù mà không có ý tưởng kẻ thù, không thấy người đó là bạn mà cũng không thấy người ấy là thù. Sống với người mình ghét mà cũng không thấy thương hay thấy ghét… Quý vị cố gắng hãy nhập lại thành một thì quý vị sẽ hiểu được những điều tôi chia sẻ. Nếu cố gắng tìm đọc sách vở để hiểu hay vận dụng suy nghĩ để hiểu thì không có cách gì hiểu được cả.
Theo Tienphong