Sự kiện hot
9 tháng trước

Lạng Sơn phê duyệt Quy hoạch phân khu phía Đông với quy mô hơn 723 ha

UBND tỉnh Lạng Sơn vừa phê duyệt Quy hoạch phân khu phía Đông, thành phố Lạng Sơn, tỷ lệ 1/2.000. Quy mô lập quy hoạch phân khu hơn 723 ha, quy mô dân số khoảng 47.400 người.

Lạng Sơn: Tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển đô thị bền vững
Lạng Sơn phê duyệt Quy hoạch phân khu phía Đông với quy mô hơn 723 ha.

Theo đó, phạm vi khu vực lập quy hoạch bao gồm khu ở số 4 và một phần khu ở số 1, 2, 3, 5 được xác định trong điều chỉnh Quy hoạch chung TP Lạng Sơn đến năm 2025. 

Phạm vi ranh giới được xác định như sau: phía Bắc giáp với Khu dân cư xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn (Quy hoạch phân khu khu vực phía Bắc TP Lạng Sơn). Phía Nam giáp với Khu dân cư xã Mai Pha, TP Lạng Sơn và Khu du lịch sinh thái hồ Na Vàng.

Phía Đông giáp với tuyến đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc. Phía Tây giáp với Khu dân cư phường Hoàng Văn Thụ, phường Vĩnh Trại, phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn. 

Quy mô lập Quy hoạch phân khu phía Đông rộng hơn 723ha, quy mô dân số khoảng 47.400 người.

Mục tiêu lập Quy hoạch phân khu phía Đông nhằm cụ thể hóa điều chỉnh quy hoạch chung TP Lạng Sơn, định hướng phát triển đô thị TP Lạng Sơn đáp ứng lâu dài cho các nhu cầu hoạt động của các cơ sở sản xuất, dịch vụ, các khu dân cư và khu đô thị; từng bước tạo dựng không gian kiến trúc cảnh quan hài hòa với cảnh quan chung, có nét đặc trưng địa phương.

Hiện tỉnh Lạng Sơn có tổng số 15 đô thị, trong đó 1 thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại II, 1 đô thị loại IV và 13 thị trấn thuộc huyện (đô thị loại V được UBND tỉnh Lạng Sơn công nhận năm 2022).

Lạng Sơn đặt ra mục tiêu toàn tỉnh đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 40%; phấn đấu xây dựng TP. Lạng Sơn trở thành đô thị thông minh, kết nối với mạng lưới đô thị thông minh của khu vực và quốc gia.

Tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh tối thiểu bằng tỷ lệ đô thị hóa trung bình của cả nước. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các khu vực, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Tiến Hoàng/KTDU

Từ khóa: