Nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế chung của nông nghiệp toàn cầu, hướng đến những giá trị bền vững, an toàn, thân thiện với môi trường sống. Những năm gần đây, người trồng chè tại huyện Bắc Hà (Lào Cai) đang nỗ lực chuyển đổi trồng chè từ lối canh tác thông thường sang phương pháp hữu cơ, đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường, người tiêu dùng theo xu hướng sản xuất nông nghiệp sạch, phát triển bền vững.
Xã Bản Liền là xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nằm cách trung tâm huyện gần 30 km về hướng Đông Nam, nằm trên tuyến đường nối giữa Bắc Hà với huyện Xín Mần (Hà Giang), có nhiều tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch homesay, nhất là loại hình du lịch miệt vườn thăm đồi chè Shan cổ thụ, thưởng thức hương vị chè, thăm rừng cọ, nương ruộng bậc thang, rừng nguyên sinh hùng vĩ, loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc…
Tại xã Bản Liền, cây chè được người dân trồng và chăm sóc từ hàng chục năm trước theo phương pháp canh tác truyền thống. Cây chè được trồng rải rác trên các triền đồi thoải, người dân thường hái rồi chế biến thủ công thành chè khô, bán cho các tư thương trong xã, trong huyện. Vì vậy, thời điểm đó, giá trị kinh tế từ cây chè mang lại là không cao, người dân không mấy mặn mà với cây trồng này.
Thế nhưng, 10 năm trở lại đây, địa danh Bản Liền được gắn trực tiếp vào loại nông sản nức tiếng, đó là chè hữu cơ. Có thể nói, chè là sản phẩm đầu tiên “đặt nền móng” cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Bắc Hà.
Nếu như trước đây, việc tiêu thụ sản phẩm chè gặp không ít khó khăn, nhiều hộ ở Bản Liền gần như bỏ hoang nương chè cho cỏ dại xâm lấn. Xác định chè là cây có giá trị hàng hóa, có triển vọng nâng cao thu nhập cho người dân, nên năm 2004, huyện Bắc Hà đã thành lập Hợp tác xã Chè Bản Liền đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè cho người dân trên địa bàn. Khi hợp tác xã được thành lập, người dân đã thay đổi nhận thức và quan tâm phát triển cây chè. Từ hơn 100 thành viên ban đầu, đến nay xã đã có hơn 300 hộ liên kết trồng chè và bán chè búp tươi cho Hợp tác xã Chè Bản Liền.
Giá thu mua chè hữu cơ cũng luôn đạt cao hơn nhiều so với chè thường. Hiện nay, chè búp tươi hữu cơ được thu mua với giá khoảng 15 nghìn đồng/kg trong khi giá các loại chè thông thường chỉ đạt từ 6 – 7 nghìn đồng/kg.
Mới đây, Chè hữu cơ Bản Liền được Hội đồng OCOP tỉnh và huyện đánh giá là sản phẩm triển vọng, bởi chủ thể quản lý đã rất tích cực, đi đầu trong việc xây dựng phương án kinh doanh, bao tiêu sản phẩm và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, có liên doanh liên kết. Cùng với đó, sản phẩm đầu vào 100% là nguyên liệu địa phương, người đứng ra quản lý, điều hành việc hỗ trợ sản phẩm lại là người bản địa. Đây đều là những tiêu chí rất quan trọng trong xây dựng các sản phẩm (OCOP).
Hiện chè Bản Liền đã có tên trên bản đồ chè quốc tế, được cấp 3 chứng nhận thẩm định chất lượng từ Hoa Kỳ và EU. Từ nhiều năm nay, đã xuất khẩu, chỉ cung ứng một lượng nhỏ cho thị trường trong nước.
Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Quang Thận, Giám đốc Hợp tác xã chè Bản Liền cho biết: Sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Người dân phải tuân thủ theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt như không được sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vô cơ, hóa học, nguồn nước, không khí phải đảm bảo, không bị ô nhiễm… Mỗi năm, tổ chức nước ngoài sẽ thực hiện đánh giá lại vùng chè 1 lần, sản phẩm xuất khẩu được kiểm tra thường xuyên với chi phí rất cao. Sản phẩm chè của chúng tôi chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường rất khó tính tại châu Âu, châu Mỹ…
Trung bình mỗi năm, người dân Bản Liền xuất bán cho doanh nghiệp và thị trường nội tiêu trong nước khoảng 600 - 1.000 tấn chè búp tươi, mang về nguồn thu hàng chục tỷ đồng. Trung bình mỗi ha chè của xã có thể đem lại nguồn thu từ 80 - 100 triệu đồng/năm, cao hơn gấp nhiều lần so với cấy lúa, trồng ngô.
Bên cạnh việc cung ứng chè cho HTX, doanh nghiệp, nhiều hộ dân ở Bản Liền còn tự sao và chế biến chè búp khô bán phục vụ tại địa phương và tại huyện cũng đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Cùng với việc được công nhận sản phẩm OCOP, chè hữu cơ bản Liền được kỳ vọng sẽ mang lại giá trị cao hơn trong tương lai, cải thiện thu nhập cho người dân.
Nói về tiềm năng cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Bắc Hà (Lào Cai) cho biết: Trong những năm tới, diện tích nông nghiệp hữu cơ của huyện hứa hẹn sẽ tiếp tục được mở rộng vì còn nhiều dư địa. Cụ thể, trên địa bàn huyện còn hơn 100 ha chè tại xã Tả Củ Tỷ và gần 200 ha chè tại Bản Liền đang trong quá trình chuyển đổi, hướng tới công nhận đạt chuẩn hữu cơ trong những năm tới.
Ông Nguyễn Xuân Giang khẳng định: Tiêu chuẩn hữu cơ là tiêu chuẩn được thị trường quốc tế ưa chuộng bởi tính an toàn và bền vững. Các loại nông sản hữu cơ xuất khẩu đều rất thuận lợi, được giá nên sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ là xu hướng toàn cầu. Đối với huyện vùng cao như Bắc Hà, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đặc biệt là thói quen canh tác truyền thống rất phù hợp để chuyển đổi theo hướng hữu cơ nên có thể nói đây là thế mạnh, tiềm năng trong phát triển nông nghiệp của huyện. Tuy nhiên, chi phí để chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ quốc tế là rất lớn, thời gian để tạo “bước đệm” cũng rất dài, phải mất 3 - 4 năm chuyển đổi nên diện tích được công nhận chưa cao so với tiềm năng. Ngành nông nghiệp đang nỗ lực khai thác những thế mạnh sẵn có để phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững.
Vùng chè Shan Tuyết huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã góp phần đổi thay nhiều mặt ở địa phương, tạo ra lớp công nhân mới, là con em đồng bào các dân tộc có tay nghề thâm canh cao, nhiều gia đình đã có thêm nguồn thu nhập từ chính cây trồng thế mạnh của địa phương, đời sống thay đổi từng ngày, từ những búp chè xanh mơn mởn trên những triền núi cao.
Tú Thành
Theo KTDU