Phát triển chè hữu cơ là một trong những định hướng quan trọng của ngành Nông nghiệp huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) trong việc tạo sức cạnh tranh của sản phẩm chè Shan tuyết trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng chè và xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Huyện Hoàng Su Phì là địa phương có nhiều diện tích chè cổ thụ lớn với trên 4.600 ha; sản lượng chè búp tươi đạt trên 21.000 tấn/năm.Cây chè Shan tuyết hiên ngang đứng giữa đất trời, ngày ngày hưởng trọn nắng sớm bình minh, khi mặt trời xuống núi lại chìm trong hơi ẩm của mây trời. Những cây chè được người dân nơi đây coi là “quà tặng của thiên thiên”, được tạo hóa ban cho vùng đất này, để người dân đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Dao với đi cuộc sống mưu sinh hàng ngày, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì với những rừng chè San Tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi của bà con người Dao đỏ. Vẫn lung linh màu xanh huyền thoại, từ xưa đến nay, người dân nơi vẫn không thay đổi tập quán canh tác chè, cây chè sống dựa hoàn toàn vào đất trời, hút tinh hóa của đất, hít khí trời để đâm chồi nảy lộc mà không có bất cứ bàn tay chăm sóc nào của con người. Đồng bào ở đây khi nào thấy cây chè ra bút thì lại rủ nhau đi hái. Vì vậy cây đảm bảo theo tiêu chuẩn Organic của Châu Âu. Vì sự an toàn của người thưởng chè, bảo vệ sự tinh khôi của hệ sinh thái chè đã tồn tại lâu đời trên mảnh đất này. Dù rằng người dân nơi đây có nhiều hình thức chế biến chè khác nhau để cho ra nhiều sản phẩm chè có hương vị khác nhau.
Nắm bắt nhu cầu sử dụng sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường của người tiêu dùng, HTX chè Phìn Hồ (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) đã tích cực sản xuất chè hữu cơ đi đôi với chế biến sâu nhằm cung cấp ra thị trường những sản phẩm cao cấp, thượng hạng.
Trong những năm qua, HTX chế biến chè Phìn hồ với thương hiệu Chè Fìn Hò, luôn là HTX có thành tích nổi bật trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, đóng góp tích cực cho cộng đồng xã hội, trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói chung và huyện Hoàng Su Phì nói riêng. Đây cũng là đon vị duy nhất trên địa bàn tỉnh có 2 sản phẩm được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận OCOP 5 sao.
Vừa qua, HTX chế biến chè Phìn Hồ, Hoàng Su Phì vinh dự là 1 trong 55 doanh nghiệp, HTX được Thủ tướng Chính phủ trao giải thưởng Chất lượng quốc gia năm 2020.
HTX Phìn Hồ hiện có 46 thành viên đều là dân tộc Dao đỏ. Để bảo đảm quy trình chế biến, đáp ứng các đơn hàng lớn, HTX đã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè shan tuyết với 1.000 hộ dân. Đến nay, HTX có vùng nguyên liệu đạt trên 500 ha và được công nhận tiêu chuẩn Hữu cơ (Organic), trong đó trên 160 ha đạt tiêu chuẩn Organic của châu Âu.
Với dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại theo hướng chuyên sâu, nâng cao giá trị, phẩm cấp sản lượng chè cao cấp, mỗi ngày HTX tiêu thụ sản xuất hơn 1 tấn búp chè hữu cơ, đảm bảo chất lượng đầu vào thì phải tuân thủ kỹ thuật thu hái, bảo quản nguyên liệu,... Có thể nói, với lợi thế vùng nguyên liệu là chè sạch hữu cơ Oganic, quy trình sản xuất nghiêm ngặt, sự tận tâm của người trồng và sản xuất, thành phẩm trà Shan Tuyết Phìn Hồ đến tay người tiêu dùng luôn sạch, thơm ngon không sử dụng bất cứ chất phụ gia nào để làm tăng hương vị.
Hiện nay HTX đang chế biến các dòng Trà Xanh, Hồng Trà, Trà Đen, Bạch Trà, và các dòng sản phẩm theo nhu cầu và yêu cầu kỹ thuật của khách hàng với kiểu dáng bao bì sản phẩm với nhãn hiệu Fin Hò Trà để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Không chỉ tập trung vào chất lượng sản phẩm, thương hiệu chè Fìn Hò cũng được chú trọng xây dựng hình ảnh bằng chân dung những người cao tuổi trong vùng. Bao bì sản phẩm với gương mặt của cụ Triệu Mùi Nghí, năm nay ngoài 90 tuổi với nhiều thế hệ trong gia đình gắn liền với cây chè San Tuyết, đã trở thành hình ảnh nhận diện cho thương hiệu chè Fìn Hò.
Lấy bản sắc của địa phương làm giá trị cốt lõi để xây dựng sản phẩm OCOP, thương hiệu trà Fìn Hò đã mang lại lợi ích kép: Hợp tác xã chế biến chè đã có cả những đơn hàng xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, còn đời sống của đồng bào nơi đây cũng khá giả hơn xưa.
Theo các thành viên của HTX Phìn Hồ, trồng chè hữu cơ khi đến tay người tiêu dùng sẽ bảo đảm được yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, để có thành phẩm đạt yêu cầu, trong quá trình sản xuất, người trồng chè phải tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt.
Theo đó, người dân và thành viên không được sử dụng các chất hóa học (phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học, thuốc diệt cỏ...), chỉ sử dụng các chất thải tự nhiên (phân ủ hoai mục) và dùng các phương pháp tự nhiên để kiểm soát sâu bệnh và cỏ dại (bắt sâu bằng tay, cắt cỏ)...
Khi mới áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ, bước đầu, năng suất chè sẽ bị giảm trong khoảng thời gian từ 18-36 tháng, hình thức búp chè kém bắt mắt (không mập, vàng ngọn)... ảnh hưởng đến màu sắc nước trà và giá bán sản phẩm chè. Tuy nhiên, sau thời gian này, chè bắt đầu nâng cao năng suất và phẩm cấp. Trải qua thời kỳ này, các diện tích chè mới đủ điều kiện để công nhận đạt chuẩn hữu cơ.
Theo Ban giám đốc HTX, ban đầu việc thuyết phục người trồng chè chuyển sang sản xuất chè hữu cơ là không hề đơn giản. Tuy nhiên, xác định được giá trị của vùng chè địa phương khi là rừng chè shan tuyết khởi nguyên của nước ta, người dân đã dần hiểu việc sản xuất chè hữu cơ sẽ mang lại những hiệu quả, lợi ích thiết thực như bảo đảm sức khỏe, chất lượng sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường…
Điểm nổi bật của mô hình trồng chè hữu cơ là làm cho đất màu mỡ và giàu chất đạm, giữ gìn các khoáng chất trong đất nhằm bảo vệ chất lượng nước cũng như môi trường tự nhiên, từ đó giúp cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Đây là cách HTX thu hút khách hàng trong và ngoài đồng thời giữ gìn giống chè shan tuyết cổ hàng trăm năm của người Dao đỏ.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên cho biết: “Đưa vào làm chè hữu cơ tuyệt đối không sử dụng thuốc, như thuốc bảo vệ thực vật cũng như thuốc trừ cỏ các loại vân vân. Thôn bây giờ cũng đưa ra hương ước của làng văn hóa, ai còn vi phạm những điều đấy thì sẽ xử lý vi phạm đưa vào phạt, công quĩ đưa vào quỹ của thôn.”
Để nâng cao giá trị và thích ứng với nhu cầu thị trường, HTX Phìn Hồ đã bước đầu phát triển mô hình “Cây chè Shan tuyết nhà tôi”. Với mô hình này, người mua và HTX sẽ thống nhất thời gian và giá bán cây chè trong một hoặc nhiều năm. Sau đó, HTX và người dân sẽ chăm sóc, thu hái sản phẩm từ cây chè theo tiêu chuẩn tốt nhất rồi chế biến, đóng gói sản phẩm mang thương hiệu riêng, trước khi chuyển gửi trả người mua sử dụng hoặc làm quà biếu. Tất cả các gốc chè được mua đều đánh dấu trên Googlemap nên sản phẩm luôn truy xuất được nguồn gốc một cách dễ dàng.
Các thành viên kỳ vọng, mô hình này sẽ góp phần giúp gia tăng giá trị thương hiệu cho cây chè của cả cộng đồng người Dao đỏ nơi đây, đồng thời giúp bà con nông dân, HTX liên kết lại với nhau nhằm quản lý chất lượng hiệu quả và giao thương tốt hơn.
Chia sẻ với báo chí, ông Lý Chòi Nhàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Thôn Phìn Hồ cách đây 5 năm về trước vẫn còn trên 12% là hộ nghèo nhưng hiện tại bây giờ 100% không còn hộ nghèo. Đó là từ tác động của cây chè có giá trị đem lại cho bà con nhân dân thu nhập, thì bà con mới có cuộc sống như ngày hôm nay”
Những cây chè San Tuyết cổ hàng trăm năm tuổi tại Phìn Hồ được ví như “báu vật” của bản làng giờ đây đã trở thành thương hiệu nông sản “xóa đói giảm nghèo” của huyện Hoàng Su Phì và vẫn đang tiếp tục chinh phục các thị trường quốc tế.
Thanh Tú
Theo KTDU