Sự kiện hot
3 năm trước

Chè cổ thụ - sản phẩm chủ lực của Tà Xùa trong đại dịch Covid

Thuộc huyện Bắc Yên (Sơn La), xã vùng cao Tà Xùa được khách du lịch ưu ái gọi là “Thiên đường mây”. Không chỉ là điểm sáng trên bản đồ du lịch của tỉnh Sơn La, Tà Xùa còn hấp dẫn với đặc sản nổi tiếng là chè Shan Tuyết cổ thụ.

Bản Bẹ là nơi tập trung nhiều “cụ” chè Shan tuyết nhất Tà Xùa (Bắc Yên, Sơn La) - Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.

Bản Mông thoát nghèo nhờ... cây chè

Cây chè Shan tuyết cổ thụ Tà Xùa sinh trưởng tự nhiên trên vùng đất Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La, ở độ cao gần 2000m so với mực nước biển. Nơi đây được mệnh danh là Thiên đường mây Tây Bắc với khí hậu quanh năm mát lạnh, không khí trong lành, độ ẩm cao. Đây là địa điểm lý tưởng để cây chè phát triển.

Bản Bẹ là nơi tập trung nhiều “cụ” chè Shan tuyết nhất Tà Xùa, mọc xen giữa những cây rừng, cây chè cổ thụ thân bám đầy địa y và rêu phong vươn mình trổ búp với sức sống mãnh liệt. Rừng chè shan tuyết cổ nơi đây được ví như “kho báu” mà thiên nhiên, đất trời ban tặng bà con người Mông ở Tà Xùa. Mấy năm gần đây, nhờ có cây chè cổ thụ số hộ nghèo đã dần được thu hẹp, bản làng đã đổi thay.

Giữa tinh khôi của mây trời Tà Xùa là rừng chè bản Bẹ, nơi những cây  chè có thân cổ thụ vạm vỡ, rêu phong, địa y bám đầy từ gốc đến thân mọc quanh các ngọn đồi quanh bản. Có cả trăm cây chè cổ thụ mọc tự nhiên, tán rộng, thân xù xì cao 10-15m mọc trên những triền núi và đỉnh núi ở đại ngàn Tà Xùa.

Để hái được những ngọn chè shan tuyết, những người dân tộc Mông (bản Bẹ, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, Sơn La) phải trèo lên những cây chè cổ thụ cao, hái từng búp chè non bỏ vào gùi.

Những người dân tộc Mông (bản Bẹ, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, Sơn La) thu hoạch chè - Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam.

Búp chè khi đạt chuẩn “một tôm 2 lá” có búp trắng, cánh vàng, lá to cũng là thời điểm những người phụ nữ dân tộc Mông bản Bẹ vào rừng chè thu hái chè shan tuyết cổ thụ Tà Xùa bắt đầu cho hái vụ đầu tiên (thời điểm cho chất lượng cao nhất) vào cuối tháng 3, đầu tháng 4. Vụ thứ hai vào tháng 5 và tháng 6 (có năng suất cao nhất trong năm), vụ ba vào tháng 8 và vụ cuối cùng vào tháng 10 và 11.

Anh Mùa A Vàng, trưởng bản Bẹ, xã Tà Xùa (Bắc Yên Sơn La) cho biết: Trước đấy, các hộ người Mông trong bản tự thu hái và sao chè bán với giá 80.000-90.000 đồng/kg trà khô. Do phải xuống tận chợ huyện để bán, đường xá xa xôi, phương tiện đi lại khó khăn, nên nhiều khi đồng bào còn không muốn hái, cuộc sống bữa đói, bữa no. Nhiều đứa trẻ mới chỉ học hết lớp 3 đã phải nghỉ giữa chừng, rồi những cô bé 13-14 tuổi đã làm mẹ. Thế nhưng, kể từ khi Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc cùng chính quyền địa phương giúp đồng bào người Mông kinh doanh sản xuất trên chính mảnh đất Tà Xùa. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc thực hiện chủ trương của huyện Bắc Yên thành lập Hợp tác xã (HTX) Tà Xùa - đây là HTX duy nhất của xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên đứng ra thu mau chè của bà con, từ đó, bà con trong bản không phải mang chè đi bán xa nên có thu nhập ổn định, tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn 20/111 hộ.

Đối với gia đình anh Mùa A Già thông bản Mống Vàng, xã Tà Xùa, trước đây, gia đình thu hái về tự sao, tự đi chợ huyện bán. Bán không hết lại mang đến những khu du lịch bán. Hơn nữa, việc thu hái bấp bênh, đầu ra không ổn định, không có người hướng dẫn để nâng cao chất lượng trà, nên cuộc sống vô cùng vất vả, chủ yếu trông chờ vào cây lúa, cây ngô, bữa no bữa đói.

Gia đình anh Mùa A Già ở bản Mống Vàng, xã Tà Xùa cũng đã sớm thoát nghèo nhờ vùng chè cổ shan tuyết. Nhớ lại những ngày trước khi Công ty trà và Đặc sản Tây Bắc đến Tà Xùa, gia đình thu hái về tự sao, tự đi chợ huyện bán. Bán không hết lại mang đến những khu du lịch bán. Hơn nữa, việc thu hái bấp bênh, đầu ra không ổn định, không có người hướng dẫn để nâng cao chất lượng trà, nên cuộc sống vô cùng vất vả, chủ yếu trông chờ vào cây lúa, cây ngô, bữa no bữa đói.

Thế nhưng, nay anh chỉ việc hái chè theo hướng dẫn, đúng thời điểm, đầu ra đã có công ty thu mua, bán được với giá cao từ 50-70.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình thu về gần 100 triệu đồng tiền chè tươi. Vì vậy anh tập trung mở rộng nuôi trâu, bò, tăng thêm thu nhập. Hiện gia đình anh có 6 con trâu, 7 con bò, đầu tư 7ha trang trại rau màu. Anh đã sắm cho mình nhiều tiện nghi đắt tiền như xe máy, tivi, tủ lạnh…

Đánh thức vùng chè cổ thụ

Chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Công ty chè và Đặc sản Tây Bắc cho biết, cả xã Tà Xùa có khoảng 300 hộ người Mông, tổng diện tích hơn 200ha chè nguyên liệu, cây ít tuổi nhất cũng 70 năm, cây nhiều tuổi nhất 280 năm tuổi. Giá thu mua cho loại chè 1 tôm 2 lá từ 50.000 – 60.000 đồng/kg tuỳ từng vụ, loại đặc biệt 1 tôm 1 lá thu mua từ 70.000 - 100.000 đồng/kg chè tươi.

"Dự án khởi nghiệp của chúng tôi là Dự án trà Shan tuyết cổ thụ Việt Nam, thương hiệu trà Shannam. Dự án của chúng tôi được sáng lập từ các thành viên Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc (Tafood) tại xã Tà Xùa. Chúng tôi tập trung xây dựng chuỗi giá trị từ vùng nguyên liệu chè cổ thụ, kết nối với doanh nghiệp, tổ chức chế biến, xây dựng thương hiệu, phát triển kinh doanh, phân phối ra thị trường. Hiện nay chúng tôi tập trung cho thị trường trong nước và giai đoạn tiếp theo sẽ xuất khẩu". Bà Thắm cho biết thêm.

Để giữ đúng chất lượng và cũng nhằm tăng thêm thu nhập ổn định cho bà con, doanh nghiệp đưa ra quy định, hái chè là người dân, bảo vệ cây chè phải là người dân và hái hoàn toàn thủ công. 

Cũng theo bà Thắm, theo hướng dẫn là hộ gia đình nào sẽ tự thu hái và tự sao, công ty kiểm tra chất lượng. Tuy nhiên, nếu làm như vậy chất lượng sẽ không đồng đều, thế nên để sản phẩm trà shan tuyết có chất lượng, đến được tay khách hàng, có thể “mang chuông đi đánh xứ người”, doanh nghiệp đã quyết định đầu tư làm nhà máy và tổ chức mô hình kinh doanh bền vững.

Sản phẩm trà Shanam đạt chứng nhận OCOP (mỗi xã mỗi phường một sản phẩm) cấp quốc gia, đoạt các giải thưởng ở châu Á, châu Âu, đều do người H’Mông Tà Xùa làm. Để hoạt động của doanh nghiệp ngày càng hướng tới hiệu quả bền vững, Tafood đã tham gia Dự Án "Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động trong chuỗi giá trị Nông Nghiệp (Chương trình EFD) và nhận được hàng trăm giờ tư vấn chuyên sâu cho doanh nghiệp, nhiều khóa đào tạo kiến thức về quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là khóa đào tạo xây dựng thương hiệu. Hiện công ty đã xây dựng được 2 thương hiệu trà là ShanVie và Shanam, các sản phẩm chè của 2 thương hiệu này đã nhận được nhiều phản hồi tích cực của thị trường.

Nói về sự “thay da đổi thịt” trên vùng đất nghèo, chia sẻ với báo chí, ông Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên (Sơn La) cho hay, huyện luôn chào đón và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vì cộng đồng. Công ty Trà và Đặc sản Tây Bắc không chỉ mang kỹ thuật, công nghệ để thay đổi tập quán, thói quen của đồng bào người Mông trong sản xuất và chế biến chè, mà còn giúp bà con thay đổi cuộc sống.

Cả huyện Bắc Yên chỉ có vùng Tà Xùa có chè cổ thụ. Từ khi Công ty Trà và Đặc sản Tây Bắc có mặt, huyện đã cho tiếp cận vùng quy hoạch đó để xây dựng vùng nguyên liệu và tham gia ngay từ khâu giống, kỹ thuật, sản xuất, tiêu thụ chè. Tổng diện tích chè quy hoạch khoảng 280 ha, thực hiện trong vòng 5 năm, nhưng đến đầu năm 2020 đã thực hiện được 250 ha. Trong năm 2020 đã hoàn thành phát triển diện tích cả trồng mới và quy hoạch vùng chè cũ.

Tú Thành

Theo KTDU

Từ khóa: