Với mô hình kinh tế kết hợp VAC, Trương Hữu Công (30 tuổi, trú ở khóm Ngã Tư, thị trấn Bến Quan, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã vươn lên làm giàu trên đất khách.
Với mô hình kinh tế kết hợp VAC, Trương Hữu Công (30 tuổi, trú ở khóm Ngã Tư, thị trấn Bến Quan, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã vươn lên làm giàu trên đất khách.
Là con út trong một gia đình nghèo quê ở Hà Tĩnh, cũng vì cuộc sống khó khăn nên năm 1985 cả gia đình phải vào Quảng Trị lập nghiệp. Học xong cấp 3, Công quyết định vào miền Nam rồi sau đó đi xuất khẩu lao động tại Malaysia, trải qua quãng thời gian làm thuê với đủ nghề từ phụ hồ, cạo mủ cao su, công nhân trồng trọt… nhưng vẫn không thể thoát được nghèo.
Năm 2002, Công trở về quê với hai bàn tay trắng, cũng chính lúc này anh nhận ra tiềm năng trên mảnh đất quê hương. “Bao nhiêu năm đi làm thuê đã giúp tôi tích cóp được nhiều kinh nghiệm, nhờ đây mà tôi thấy được tiềm năng làm giàu từ đồng đất quê nghèo”, Công chia sẻ.
Trương Hữu Công đang chăm sóc đàn heo của mình - Ảnh: Phạm Tùng
Công chọn cho mình mô hình phát triển trồng trọt và chăn nuôi heo theo hướng trang trại để tận dụng quỹ đất của gia đình. Với số tiền vay mượn từ nhiều nguồn khác nhau, Công bắt đầu mua vật liệu và tự tay xây dựng chuồng trại để nuôi heo. Ngoài ra, anh còn cho đào thêm 4 ao với diện tích gần 2 ha mặt nước để nuôi cá, chăn nuôi thêm gà vịt. Để tận dụng chất thải trong chăn nuôi, anh xây dựng hệ thống hầm biogas, không chỉ đáp ứng nhu cầu đun nấu trong gia đình, anh còn bắt đường dây cung cấp tới 3 hộ gia đình trong khóm sử dụng vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình sau 1 năm, trang trại của Công đã bắt đầu có hiệu quả, xuất chuồng 3 lứa heo, gà, cá, mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng. Nhờ đó anh trả hết tiền vay và tiếp tục đầu tư phát triển mô hình kinh tế tổng hợp của mình.
Với lợi thế đất đai rộng lớn, lại phù hợp với điều kiện phát triển của cây cao su nên Công xem cao su là cây trồng chủ lực để làm giàu. Hiện anh có trong tay 3 ha cao su trong đó có 1 ha đã đi vào khai thác. Theo tính toán của Công, mô hình kinh tế tổng hợp này mang lại cho gia đình nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm. Hiện Công đang ấp ủ thêm nhiều dự định mới cho mình và xem đây chỉ là bước khởi đầu trên con đường làm giàu. “Thời gian tới, tôi sẽ đầu tư mở rộng thêm chuồng trại để phát triển đàn heo, ngoài ra tôi cũng đầu tư xây dựng chuồng trại để phát triển mô hình nuôi bồ câu”, Công tâm sự.
Không chỉ làm ăn giỏi, Công còn là đoàn viên tham gia tích cực vào các phong trào, hoạt động của đoàn thanh niên địa phương. Ngoài ra, anh còn tích cực giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong làm ăn kinh tế của mình với mọi người.
Phạm Tùng
Theo Thanhnien