Những vụ thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài của các đại gia Việt có thể coi là những điểm sáng trên thương trường khi mà những phi vụ M&A phần lớn diễn ra với kết quả doanh nghiệp Việt bị thâu tóm bởi các đối tác nước ngoài.
Trong đó, không ít những thương vụ mở đầu xu hướng này lại được thực hiện bởi các doanh nghiệp do các nữ tỷ phú Việt điều hành như Tập đoàn BRG của bà Nguyễn Thị Nga, Sovico Holdings của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tập đoàn TH của nữ doanh nhân Thái Hương.
Bà Nguyễn Thị Nga - Tập đoàn BRG
Âm thầm nhưng táo bạo, "nữ tướng" Tập đoàn BRG - bà Nguyễn Thị Nga đang chiếm lĩnh thị trường khách sạn Việt Nam sau khi mạnh tay chi tiền triệu đô để thâu tóm khách sạn từ các công ty và quỹ đầu tư nước ngoài.
Đầu tiên phải kể đến thương vụ khủng âm thầm diễn ra trong 4 năm (2009 – 2012) khi BRG mua lại Hilton Hanoi Opera - khách sạn 5 sao có vị trí "vàng" ngay cạnh Nhà hát Lớn và gần hồ Hoàn Kiếm.
Năm 2009, BRG mua lại 70% cổ phần khách sạn này từ hai quỹ đầu tư được niêm yết trên thị trường chứng khoán London là VinaLand Limited (VNL) và Vietnam Opportunity Fund Limited (VOF) thuộc quản lý của VinaCapital.
3 nữ doanh nhân Việt (từ trái qua phải): bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Tập đoàn BRG, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Sovico Holdings, bà Thái Hương - nhà sáng lập và tư vấn đầu tư Tập đoàn TH.
Thời điểm đó có những lời đồn đoán về danh tính đại gia Việt đứng sau giao dịch này nhưng không ai chắc chắn đó là bà Nguyễn Thị Nga. Chỉ đến năm 2012, thương vụ hoàn tất khi bà Nga thâu tóm nốt 30% còn lại từ đối tác Đức và Áo, bí mật về người chủ mới của Hilton Hanoi Opera mới được giải đáp và khách sạn này cũng chính thức mang "quốc tịch" Việt Nam.
Năm 2016, một thương vụ tài chính nổi bật nữa của BRG là mua lại khách sạn Sedona Suites Hanoi (nay là Diamond Westlake Suit) từ Tập đoàn Keppel Land Ltd của Singapore với giá 31,5 triệu USD.
Đây là một tổ hợp khách sạn được xây dựng tại khu Quảng Bá trên bờ rìa hướng Đông Bắc của Hồ Tây, Hà Nội bao gồm 175 căn hộ và biệt thự dịch vụ cho thuê, cùng với các câu lạc bộ và dịch vụ giải trí.
Một trong những thương vụ "đình đám" mới đây là tập đoàn Berjaya (Malaysia) tuyên bố đã thoái toàn bộ 75% cổ phần của mình tại Công ty THHH T.P.C Nghi Tam Village - công ty sở hữu Khách sạn InterContinental Hanoi Westlake - cho Công ty TNHH phát triển du lịch khách sạn Hà Nội. Giá trị của giao dịch được công bố là 1.245 tỷ đồng (tương đương khoảng 54,13 triệu USD).
Bên mua là Công ty TNHH Phát triển Du lịch khách sạn Hà Nội, doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn BRG.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Sovico Holdings
Không chỉ nổi đình đám với việc gây dựng Vietjet Air thành hãng hàng không danh tiếng chiếm thị phần lớn chỉ trong một thời gian ngắn và mới đây còn ký hợp đồng hàng tỷ USD để mua hàng trăm máy bay nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đến Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn ghi nhiều dấu ấn trong lĩnh vực bất động sản. Trong đó, thâu tóm Furama Resort Danang - một trong những khu resort 5 sao đầu tiên của Việt Nam, có tiếng tăm trên toàn thế giới - được xem là thương vụ không kém phần mạo hiểm của Chủ tịch Sovico Holdings.
Giữa năm 2005, Sovico Holdings - do bà Nguyễn Thị Phương Thảo và chồng là ông Nguyễn Thanh Hùng là những lãnh đạo cao cấp cũng như đóng vai trò là cổ đông sáng lập - đã mua lại toàn bộ cổ phần của liên doanh Khu du lịch Bắc Mỹ An (gồm Công ty Du lịch Đà Nẵng và Tập đoàn Lai Sun Development đến từ Hong Kong, trong đó các công ty con của Lai Sun Development, chiếm tới 75% cổ phần trong liên doanh).
3 nữ doanh nhân Việt (từ trái qua phải): bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Tập đoàn BRG, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Sovico Holdings, bà Thái Hương - nhà sáng lập và tư vấn đầu tư Tập đoàn TH.
Gần đây, Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long – công ty chuyên phát triển dự án bất động sản mới được thành lập của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, đã mua lại 50% cổ phần tại Công ty An Khánh JVC – chủ đầu tư dự án Splendora. 50% cổ phần này Phú Long mua lại từ Công ty xây dựng Posco E&C đến từ Hàn Quốc.
Bà Thái Thương - Tập đoàn TH
Ngày 20/4/2011, Tập đoàn TH do bà Thái Hương sáng lập chính thức nhận chuyển nhượng quyền sở hữu 100% Công ty Mía đường Nghệ An Tate & Lyle từ tập đoàn mía đường lớn nhất Anh quốc - Tate & Lyle PLC. Thương vụ có giá trị 52 triệu USD.
Nhà máy Đường Nghệ An Tate & Lyle, thuộc Tập đoàn Tate&Lyle (Anh), được xây dựng tại Nghệ An cách đây hơn 20 năm, với thương hiệu đường Mely.
3 nữ doanh nhân Việt (từ trái qua phải): bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Tập đoàn BRG, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Sovico Holdings, bà Thái Hương - nhà sáng lập và tư vấn đầu tư Tập đoàn TH.
Tháng 11/2013, nhà máy chính thức được đổi chủ sở hữu và đầu tư từ Tate & Lyle sang Tập đoàn TH. Cùng với sự kiện này, công ty cũng quyết định đổi tên thành Công ty TNHH Mía Đường Nghệ An (NASU) và nhận diện thương hiệu mới của sản phẩm đường: Natural Sugar.
Thu Phương
Theo Nhà đầu tư