Sự quan tâm của Chính phủ và Bộ Tài chính đối với TTCK thời gian gần đây được kỳ vọng, thời cơ để chứng khoán lấy lại vị thế đã đến.
Sự quan tâm của Chính phủ và Bộ Tài chính đối với TTCK thời gian gần đây được kỳ vọng, thời cơ để chứng khoán lấy lại vị thế đã đến.
Tiếng cồng đầu năm mới
Ngay sau tiếng cồng mở cửa phiên giao dịch đầu tiên năm Nhâm Thìn sáng 30/1, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã có những trao đổi khẳng định quan điểm nhất quán của Bộ Tài chính là coi thị trường chứng khoán (TTCK) là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.
Bộ trưởng khẳng định, quan điểm của Chính phủ cũng như Bộ Tài chính là song hành với sự phát triển của thị trường tín dụng, thì TTCK cũng đồng hành với thị trường tín dụng để tài trợ vốn cho nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng, TTCK là phong vũ biểu đo lường kinh tế vĩ mô. Ngược lại, kinh tế vĩ mô mà tốt thì cũng là yếu tố thúc đẩy TTCK ổn định, tăng trưởng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động được nhiều vốn trên thị trường.
Một giải pháp được bộ trưởng đề cập tới nhằm tháo gỡ khó khăn cả về ngắn hạn và dài hạn cho các doanh nghiệp - cơ sở cốt lõi cho sự hồi phục của TTCK là hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Có thể nói, trong năm qua đa số các doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất là vấn đề thiếu vốn, mất thanh khoản. Tín dụng bị thắt chặt là nguyên nhân chính. Trong năm mới, theo kế hoạch thì tín dụng vẫn được điều hành thận trọng, kiềm chế lạm phát vẫn là nhiệm vụ cốt lỗi.
Việc phát triển thị trường trái phiếu là một điều tất yếu. Nó giúp cho các doanh nghiệp có nguồn vốn dài hạn với chi phí thấp.
Đề cập tới giải pháp này, Bộ trưởng Tài chính cho biết đã phối hợp với các Bộ ngành và các tổ chức quốc tế để xây dựng định giá tín nhiệm của các doanh nghiệp để các doanh nghiệp phát triển được thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó là tiến hành xây dựng các chỉ số nâng cao mức tín nhiệm của quốc gia.
Tín hiệu tích cực
Trái ngược với tâm lý bi quan cách đây một tháng, trong tuần trước Tết và những ngày đầu năm mới, thị trường đã có những tiến triển khá tích cực. Đã có nhiều tín hiệu cho thấy thị trườngcó thể đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Trước hết, tình hình lạm phát đã ổn định trở lại. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1 - tháng giáp Tết đã không vượt quá 1% tạo tiền đề cho việc giảm lãi suất trong năm 2012. Nhiều khả năng CPI tháng 2 sẽ đứng ở mức thấp và đây là cơ sở để hạ lãi suất trần huy động về 12% hoặc thận trọng hơn là 13%.
Trước đó, NHNN cũng đã bật tín hiệu cho biết có thể sẽ tính tới chuyện hạ lãi suất trong quý II.
Sự thận trọng trong việc kiểm soát lạm phát là cần thiết. Những gì đã làm trong thời gian vừa qua đã phát huy hiệu quả trông thấy. Tuy nhiên, nhiều khả năng việc nới lỏng có thể được thực hiện khi mà các nước phát triển như Mỹ và châu Âu đang tiếp duy trì lãi suất ở mức thấp.
Trong khi đó, các nước đang phát triển cũng đã bước đầu giảm lãi suất để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, tăng cường xuất khẩu, tạo đà hồi phục, tăng trưởng kinh tế. Khả năng Việt Nam hạ lãi suất là rất có thể xảy ra.
Một tín hiệu quan trọng khác chính là sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ tới TTCK. Bộ Tài chính và Chính phủ đang nhìn nhận lại vai trò huy động vốn của TTCK một cách nghiêm túc. TTCK sẽ được tái cấu trúc để phát triển song song với hệ thống ngân hàng để giảm nhẹ gánh nặng cho chính hệ thống này.
Thực tế vẫn còn nhiều khó khăn
Trên thực tế, hiện tại các doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của việc thiếu vốn và lãi suất quá cao trong suốt năm vừa qua. Các doanh nghiệp này cần nhiều thời gian để phục hồi.
Dòng tiền trong năm 2012 dự kiến vẫn sẽ hạn chế. Thị trường bất động sản có thể vẫn còn ảm đạm kéo dài.
Bên cạnh đó là những biến động phức tạp tại Mỹ, châu Âu và nguy cơ bất ổn giá dầu mỏ vẫn hiện diện. Tất cả những yếu tố này sẽ còn ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các doanh nghiệp nói chung và công ty niêm yết nói riêng.
Trả lời câu hỏi nhận định như thế nào về sự phát triển của TTCK trong năm 2012, người đứng đầu Bộ Tài chính cho rằng năm nay kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn gặp khó khăn. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn phát triển khá hơn trong tương lai ngắn hạn và trung hạn. "Các nhà đầu tư yên tâm với việc tin vào Chính phủ, tin vào các chính sách tái cấu trúc thì TTCK sẽ vượt qua khó khăn, phát triển hơn năm 2011", Bộ trưởng chia sẻ.
Cũng theo ông Huệ, Bộ Tài chính và Ủy ban chứng khoán nhà nước đang triển khai quyết liệt chiến lược chính sách phát triển TTCK đến năm 2020 cùng với việc bắt tay vào thực hiện ngay những ngày đầu năm tái cấu trúc TTCK, công ty chứng khoán và các công ty bảo hiểm cũng như các định chế tài chính tín dụng khác.
Và theo đó, TTCK năm 2012 sẽ ổn định đi vào thế ổn định vững chắc trong tương lai trung và dài hạn.
Theo VEF