Sự kiện hot
11 năm trước

Lây lan "căn bệnh" bằng giả: Tệ nạn làm băng hoại xã hội

Mỗi khi định cất nhắc, hay quy hoạch một cá nhân nào đó, ở nước ta thường căn cứ vào hai tiêu chuẩn quan trọng: Phải là đảng viên và có học vị. Riêng tiêu chuẩn thứ hai xét về mặt khách quan có thể nói là một bước tiến bộ của Nhà nước ta khi đưa chuẩn trí thức để sử dụng cán bộ.

Mỗi khi định cất nhắc, hay quy hoạch một cá nhân nào đó, ở nước ta thường căn cứ vào hai tiêu chuẩn quan trọng: Phải là đảng viên và có học vị. Riêng tiêu chuẩn thứ hai xét về mặt khách quan có thể nói là một bước tiến bộ của Nhà nước ta khi đưa chuẩn trí thức để sử dụng cán bộ. Còn nhớ thời kỳ cải cách ruộng đất, dù cá nhân ấy có học hành đến đâu cũng phải giấu nhẹm đi vì mục tiêu đáng sợ: “Trí, phú, địa, hào” là đối tượng cần “đào tận gốc, trốc tận rễ”. May sao sự ấu trĩ đó đã qua đi nhanh chóng.

Trí thức nước ta bắt đầu được trọng dụng và càng được đề cao hơn khi bước vào thời kỳ đổi mới, thời kỳ rất cần chất xám của những tài năng. Song thật đáng tiếc sự trọng dụng trí thức của ta không đi vào thực chất mà chỉ thuần tuý hình thức, tức chỉ căn cứ vào bằng cấp. Nên hệ lụy đầu tiên của sự trọng dụng hình thức này là sự phát sinh việc dùng bằng giả để lừa dối và cầu lợi. Đáng tiếc “căn bệnh” và có thể nói là nạn bằng giả đã phát sinh ở nước ta ngay sau khi Nhà nước có cách nhìn khác đối với tầng lớp trí thức và căn bệnh này ngày càng có nguy cơ phát triển trầm trọng làm băng hoại chế độ, hạ thấp trình độ cũng như uy tín của trí thức nước ta.

Câu chuyện về bằng giả đã xảy ra ngay cả với chính tôi. Vào những năm 1963, 1964, nước ta bắt đầu tuyển dụng lao động, sinh viên đi lao động, học tập ở các nước XHCN. Một anh cùng làng trong diện được tuyển đi Tiệp Khắc học nghề, nhưng ngặt nỗi anh này lại chưa tốt nghiệp cấp 2. Thế là anh ta đến mượn bằng tốt nghiệp cấp 2 của tôi. Thấy anh ấy bảo để cho thằng con anh ấy nhìn thấy mà phấn đấu, thế nên tôi tin ngay. Một điều khá trùng hợp là tên họ và tên đệm của tôi và anh này khá giống nhau. Riêng tên chính thì chỉ khác nhau dấu sắc. Vì vậy, khi đem tấm bằng về, anh ta liền xoá dấu tên tôi, rồi chữa năm sinh của tôi thành năm sinh của anh ta. Thế là anh ta đàng hoàng có tấm bằng tốt nghiệp cấp 2 - đủ chuẩn đi học nghề bên Tiệp Khắc. Chuyện này xẩy ra dạo đó được xem là trường hợp hy hữu, còn bây giờ sau hơn nửa thế kỷ, việc mua bằng giả, dùng bằng giả đã trở thành “căn bệnh” lây lan đáng sợ ở nước ta mà dường như chưa có biện pháp “đặc trị” nào để chữa.

Năm 2001, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm một cuộc rà soát lại trình độ học vấn của các cán bộ, nhân viên đang làm việc trong bộ máy công vụ nước ta đã phát hiện ra hơn 10.000 trường hợp sử dụng bằng giả. Đáng tiếc con số này không được công bố rộng rãi và cũng không có một trường hợp nào bị xử lý. Phải chăng chính cách làm cải lương, nửa vời này mà việc mua bằng giả, dùng bằng giả để tiến thân càng có cơ để hoành hành. Từ đó càng khiến cho những con cú trình độ văn hoá thấp nhưng lại có sự liều lĩnh lưu manh để tiến thân bằng lối “mượn lông công” thông qua tấm bằng cấp giả càng có điều kiện phát triển. Người sử dụng bằng giả nước ta ở khắp mọi nơi và ở mọi thứ bậc trong bộ máy công quyền Nhà nước, từ ông Chủ tịch, Bí thư xã đến cả vị Thứ trưởng của Bộ, cả Chủ tịch tỉnh, Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh uỷ cũng dùng bằng giả. Như ông N.V.N, Phó Bí thư một tỉnh nghèo đã được hỗ trợ 74 triệu đồng để sang Malaysia làm tiến sĩ trong 6 tháng bằng cách mua bằng ở Trường Nam Thái Bình Dương với giá là 17.000 USD. Hay hàng loạt các ông Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc của hàng loạt Công ty, Tổng Công ty lấy tiền công để làm Thạc sĩ, Tiến sĩ tại Trường Nam Thái Bình Dương, một trường đại học đã bị Tòa án Hawaii (Hoa Kỳ) ra phán quyết giải thể từ 28/10/2003. Đáng sợ hơn, sự lây lan “căn bệnh” bằng rởm này còn khiến độ cả hàng chục quan chức một tỉnh miền Trung nghèo đều dùng bằng giả, bằng rởm, bằng không chất lượng. Hay ở một tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tới 90 cán bộ chủ chốt xã tiến thân bằng bằng giả… Cũng thật đáng tiếc khi những vị cán bộ có chức quyền dùng bằng giả không những không bị lên án, không bị pháp luật trừng trị mà còn “trèo cao” hơn đến độ không ít vị còn được phong các chức vị quan trọng trong cơ quan Nhà nước như Cục nọ, Cục kia, Bộ này, Bộ nọ… Ngay trong ngành Giáo dục, số lượng các thầy cô dùng bằng giả cũng không hiếm.

Nhu cầu về bằng giả, bằng rởm ở nước ta mạnh đến độ nó đã hình thành cả một công nghệ làm bằng giả. Loại làm bằng giả kiểu chữa bằng thật như trường hợp người làng mượn bằng của tôi cách đây hơn 50 năm nay đã trở thành lạc hậu. Giờ đây, các cơ sở làm bằng giả bằng công nghệ hiện đại công khai, rầm rộ ở khắp các thành phố, tỉnh thành trong cả nước. Tháng 12/2012, vụ làm bằng giả “như thật” bị phát giác tại TP. HCM đã làm chấn động dư luận cả nước. Cơ sở này đã tự tin với dòng quảng cáo “Bằng giả như thật 100% có phôi gốc do Phòng đào tạo của trường cấp, có hồ sơ lưu tại Phòng đào tạo, bảng điểm trong quá trình học tập, công chứng hợp pháp...”. Giá của tấm bằng “gắn mác” do Trường đại học BK TP. HCM cấp là 25 triệu đồng. Nhiều cơ sở làm bằng giả còn công khai giá các loại bằng như: bằng Tiến sĩ 10 triệu đồng, Thạc sĩ 8 triệu đồng, bằng đại học chính quy 6 triệu đồng, cao đẳng 4,5 triệu đồng… Nhu cầu bằng giả nước ta lớn không chỉ khiến các cơ sở sản xuất bằng rởm trong nước thừa cơ phát triển mà còn kéo theo không ít cơ sở ma muội của nước ngoài tham gia. Kiểu như bằng của Trường đại học Nam Thái Bình Dương, của Tổ chức Liên minh các viện hàn lâm quốc tế của Nga (MMC), Trường đại học La Salle (nơi mà người nước ngoài gọi là xưởng sản xuất bằng cấp… là những cơ sở chuyên cung cấp các loại bằng học vị rởm có giá từ 6.000 đến 17.000 USD…

Thực tế cho thấy, nói dối đang trở thành một biện pháp hữu hiệu “đẻ” ra căn bệnh thành tích đáng sợ. Việc một cơ sở, một ngành kinh tế quốc dân, một cơ sở giáo dục, y tế... báo cáo thành tích “rởm” để xin huân chương, bằng khen… đã trở thành phổ biến và dường như được xã hội chấp nhận. Vì vậy việc dùng bằng cấp giả chính là một nhánh của sự dối trá đang trở thành tệ nạn khủng khiếp làm băng hoại xã hội.

Trong khi đó, những người có tài, được đào tạo có bài bản ở thế giới thì ngại về công tác trong nước vì sợ bị đổ vấy với không ít vị Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ rởm đang giữ các trọng trách ở nhiều lĩnh vực.

Cú thì dù có khoác bộ lông của con công cũng vẫn là cú. Đáng tiếc, vì bộ lông mượn đó mà những con cú có điều kiện để kiếm ăn và làm băng hoại vẻ đẹp của cuộc sống và sự công bằng xã hội.

Hoàng Bách Thành
theo BVPL

Từ khóa: