Cuối xuân, sự thay đổi thời tiết bất thường cũng không ngăn được chúng tôi đến Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), một phần vì muốn “săn mây” - thứ “quà” mà thiên nhiên hào phóng ban cho Y Tý, một phần vì muốn tìm đến tận nơi sản sinh ra thứ rượu nổi tiếng là quý (về chất lượng) và hiếm (về số lượng): Rượu Sim San!
Cuối xuân, sự thay đổi thời tiết bất thường cũng không ngăn được chúng tôi đến Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), một phần vì muốn “săn mây” - thứ “quà” mà thiên nhiên hào phóng ban cho Y Tý, một phần vì muốn tìm đến tận nơi sản sinh ra thứ rượu nổi tiếng là quý (về chất lượng) và hiếm (về số lượng): Rượu Sim San!
Dân du lịch bụi nếu có lên Y Tý, thường nhắc tới việc “săn mây”. Quả thật, ở Y Tý, mây là thứ đặc sản trời cho và chụp ảnh thì vô cùng đẹp. Thế nên dân du lịch bụi tìm đến đây nhằm được hưởng một cảm giác “cân đẩu vân” và để có những bức ảnh kỷ niệm đẹp. Và rồi, họ lại bị cuốn hút bởi một thứ đặc sản do người và đất Sim San tạo ra, đó là rượu Sim San. Thứ rượu đặc biệt nổi tiếng này mang tên chính nơi sản sinh ra nó - thôn Sim San nằm cách trung tâm xã Y Tý khoảng 6km, thông thương cũng thuận lợi.
Mây vờn nơi rẻo cao Y Tý. Ảnh: L.H.Q
Thực may mắn khi tình cờ chúng tôi làm quen được với Tần Văn Phù - một trai bản dễ mến và nhiệt tình làm hướng dẫn viên đưa chúng tôi đến nhà anh Tần Phù Tìn (Trưởng thôn Sim San). Gia đình anh nhiều bếp nấu rượu nhất thôn Sim San hiện nay, với 5 bếp luôn đỏ lửa. Ngồi bên bếp cất rượu, bưng bát rượu Sim San nhấp cho dịu bớt cái lạnh vùng sơn cước mà lắng nghe chuyện về thứ rượu thơm lừng này. Sau tiếng “khà” sảng khoái, anh Tìn chậm rãi kể chuyện. Đôi mắt anh sáng, phản chiếu ánh lửa như bừng bừng những giọt men say. Anh bảo, rượu Sim San ngon là nhờ chất lượng thóc tốt, nguồn nước luộc thóc được lấy từ suối Sim San trong vắt và đặc biệt là nhờ loại men được làm từ 3 loại quả đặc biệt, là bí quyết của người Dao.
Muốn nấu rượu, trước tiên phải chọn loại thóc phơi nhiều nắng, mà hạt phải bóng, mẩy. Người Dao thường dùng chảo gang để luộc thóc, luộc cho đến khi thấy hạt thóc chín mềm là vừa. Sau đó, tãi thóc cho thật nguội, thật khô rồi mới đem ủ men. Thời gian ủ men khoảng 10 – 15 ngày. Nếu thời gian ủ khoảng hơn 1 tháng, rượu sẽ ngon hơn. Khi ủ men đủ ngày, thóc được đưa vào hông để đồ chín. Cách nấu rượu đặc biệt này khiến cho hương vị của rượu Sim San được cô đọng nhiều hơn. Rượu Sim San có nồng độ khoảng 40 độ. Tuy “nặng” là vậy, nhưng lại dễ uống, vị ngon ngọt, hương thơm quyến rũ. Cứ 10kg thóc, người Dao lại cất thành 4 lít rượu.
Nhưng thứ rượu này phải nấu tại Sim San, nơi mà nhiệt độ cùng độ ẩm và áp suất không khí cho phép rượu sôi ở tầm đó, men chín ở tầm đó và những giọt “mồ hôi của thóc” cũng nhỏ xuống ở tầm đó. Nếu vẫn men đó, thóc đó, nước đó mang về xuôi hay ngược lên nữa cũng không ra được thứ rượu Sim San này. Đó chính là chất lượng của rượu Sim San và đồng thời lý giải vì sao rượu Sim San dù sản lượng tuy thấp, nhưng lại vô cùng nổi tiếng ở Lào Cai và các vùng lân cận; sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Tại trung tâm TP.Lào Cai cũng khó có thể tìm mua được. Vậy nên, trong hành trang của những du khách khi rời Y Tý, luôn có vài lít rượu Sim San mang về làm quà. Để rồi, lại có ngày nhớ mây, nhớ rượu mà lên xe đến với Sim San.
Hồng Quang
Theo Lao dong