Các tổ chức tín dụng kì vọng sự “cải thiện” đáng kể về nhu cầu tín dụng của khách hàng trong 6 tháng cuối năm 2020. Lĩnh vực xuất nhập khẩu được đánh giá là động lực tăng trưởng tín dụng chính trong nửa cuối năm nay.
Khảo sát điều tra xu hướng tín dụng các tổ chức tín dụng (TCTD) của Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy bốn lĩnh vực là động lực tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2020 bao gồm bán buồn, bán lẻ; xuất, nhập khẩu; xây dựng và dệt may.
6 tháng cuối năm, phần lớn các lĩnh vực đều được kì vọng tăng trưởng tín dụng so với nửa đầu năm. Trong đó, xuất nhập khẩu được đánh giá là động lực tăng trưởng tín dụng chính của hệ thống với 49% TCTD đồng tình. Tiếp đến sau đó là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với 47%, lĩnh vực dệt may với 41% và lĩnh vực xây dựng với 40%.
Về tổng thế cả năm, bán buôn, bán lẻ vẫn là lĩnh vực được dự báo là động lực tăng trưởng tín dụng nhất với 46,9% TCTD lựa chọn. Các lĩnh vực xây dựng, xuất nhập khẩu, dệt may lần lượt xếp sau với tỉ lệ đồng tình đạt 43,9%, 41,8% và 40,8%.
Ngược lại, bốn lĩnh vực ít được kì vọng nhất bao gồm thương mại và dịch vụ; nông, lâm nghiệp và thủy sản; cao su; vay đầu tư kinh doanh chứng khoán.
Năm 2021, bốn lĩnh vực trên tiếp tục được dự báo là động lực tăng trưởng tín dụng. Trong đó, lĩnh vực xuất nhập khẩu được kì vọng là động lực tăng trưởng chính thay cho lĩnh vực bán buôn, bán lẻ.
Theo số liệu tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 3,65% so với cuối năm 2019, trong khi đó mức cùng kì năm trước đạt 7,33%. Đây cũng là mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại.
Lê Huy
Theo Kinh tế & Tiêu dùng