Sự kiện hot
13 năm trước

Lở loét khắp người vì đắp lá

Vốn chỉ có vài nốt sần trên da, sau khi chữa bằng đắp lá, khắp người bé H. nổi từng đám thâm đen, sần sùi, lở loét chảy mủ.

Vốn chỉ có vài nốt sần trên da, sau khi chữa bằng đắp lá, khắp người bé H. nổi từng đám thâm đen, sần sùi, lở loét chảy mủ.

Bác sĩ Nguyễn Thành, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cảnh báo, việc đắp các loại lá điều trị bệnh da có thể gây nhiều tổn thương. Nhẹ sẽ gây viêm da tiếp xúc còn nặng sẽ gây viêm hạch bạch huyết, nhiễm trùng hoại tử mô mềm, nhiễm trùng huyết.

Da thâm đen, lở loét

Tại phòng khám của Bệnh viện Da liễu Trung ương, các bác sĩ đã phải "cầu cứu" tiến sĩ Trần Hậu Khang, Giám đốc bệnh viện, tới khám cho một ca bệnh đặc biệt. Bệnh nhi là bé gái H., 10 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội. Khắp người bé từng đám da thâm đen, nổi sần sùi, lở loét chảy mủ. Cô bé đau đớn khóc rấm rứt, người ngọ nguậy không yên vì các vết lở gây ngứa ngáy, khó chịu.  Mẹ bé H. cho biết, từ khi sinh ra đến 9 tuổi, bé H. phát triển bình thường. Khi 10 tuổi, đột ngột hai bàn tay bé nổi những vết sần đỏ, lan nhanh lên cánh tay. Gia đình đã đắp lá kinh giới, lá mày đay, rồi vô số loại lá khác được xin, hay sưu tập từ trên rừng về.  Bệnh không khỏi mà các vết lở ngày một lan rộng khắp cơ thể, sần sùi, thâm đen, vết lở cũ chồng lên vết lở mới. Đến khi thấy con phát sốt, khắp người tím đen, mẹ bé H. mới đưa con đi khám. 

Tiến sĩ Trần Hậu Khang đang khám cho bệnh nhi H. Ảnh: P.Ninh.

Tiến sĩ hang kết luận bé H. bị viêm da cơ địa, nhiễm trùng da nặng do đắp lá. Bé H. phải nhập viện để điều trị vì nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nặng, khó lường. Những ca biến chứng như bé H. không hiếm. Hầu như tháng nào bệnh viện cũng cấp cứu những ca bệnh bị nhiễm trùng, thậm chí suy gan, thận, đe dọa tử vong do nhiễm trùng máu vì dùng các loại lá để đắp, bó chữa bệnh về da.

Dễ gây nhiễm trùng nặng

Theo bác sĩ Nguyễn Thành, nhiều bệnh nhân mắc bệnh về da không đến  bệnh viện hay các cơ sở y tế khám, hoặc chỉ khám trong thời gian ngắn, lại không theo dõi tái khám định kỳ. Sau đó họ tự điều trị bằng cách đắp lá cây, hạt đậu, gạo nếp, thậm chí cả kem đánh răng hay bã mật mía lên vùng da đã bị tổn thương, để lại nhiều hậu quả đáng tiếc. Thường gặp nhất là viêm da tiếp xúc kích ứng. Nặng hơn sẽ xuất hiện viêm quầng, viêm mô tế bào, viêm hạch bạch huyết, nhiễm trùng hoại tử mô mềm ngay tại nơi tiếp xúc và lan rộng đến các mô lân cận. Khi viêm mô tế bào xuất hiện, tại nơi tổn thương sưng đau.  Trường hợp nặng hơn nữa sẽ gây nhiễm trùng huyết, ảnh hưởng đến tính mạng nếu vết thương không được chăm sóc tốt kèm thêm cơ địa bệnh nhân không đủ sức đề kháng.

Các bác sĩ cảnh báo, hết sức cẩn trọng khi dùng thuốc đắp. Đặc biệt với trẻ em, khi trẻ mắc các bệnh về da, phải được đi khám và theo dõi cẩn thận, chăm sóc da theo hướng dẫn y tế. Không tự ý mua thuốc điều trị, càng không nên bôi đắp lá cây theo kinh nghiệm dễ làm bệnh trẻ càng nặng hơn vì da trẻ mỏng, sức đề kháng yếu.

Minh Ninh
Theo Dat Viet


Từ khóa: