Sự kiện hot
3 năm trước

Lo sốt đất ảo do nạn phân lô tách thửa tràn lan khắp nơi

Nhiều trường hợp mua bán đất để đầu cơ chứ không có nhu cầu xây dựng nhà để ở, gây lãng phí đất đai. Chưa kể, việc mua đi bán lại còn tiềm ẩn nguy cơ sốt đất ảo.

Lo sốt đất ảo do nạn phân lô tách thửa tràn lan khắp nơi - Ảnh 1.
Nhiều địa phương tạm dừng giải quyết thủ tục tách thửa đất nông nghiệp và đất có cả đất ở. (Ảnh minh họa: Hà Lê).

Nhiều địa phương trên cả đã có động thái siết chặt tình trạng san nền, phân lô, tách thửa đất nông nghiệp trái quy định nhằm tránh nguy cơ sốt đất ảo, phá vỡ quy hoạch, gây bất ổn cho thị trường bất động sản.

Đơn cử, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội mới đây đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện kiểm tra, rà soát, báo cáo về việc phân lô, chia tách thửa đất, san hạ đất để xây dựng hạ tầng đường giao thông trên địa bàn trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2017 đến 31/1/2022 đối với thửa đất có diện tích lớn hơn 500 m2.

Sở này cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp, thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất, thửa đất phi nông nghiệp không phải đất ở. Và chỉ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất đối với thửa đất ở đảm bảo điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất theo quy định của pháp luật hiện hành.

Một số địa phương ở Bình Phước vừa qua cũng đã có động thái siết chặt việc phân lô bán nền, tách thửa đất nông nghiệp trái phép.

Đơn cử, UBND TP Đồng Xoài đã đề nghị các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố tạm dừng tách thửa đất nông nghiệp đối với các thửa đất không tiếp giáp đường giao thông.

Đối với các thửa đất tiếp giáp đường giao thông thì tạm dừng tách thửa đối những thửa có diện tích dưới 2.000 m2 trên địa bàn phường và dưới 3.000 m2 trên địa bàn xã; đồng thời, không thực hiện tách thửa đất đối với những khu đất đã có quy hoạch tỷ lệ 1:500 đã được phê duyệt. Đối với những trường hợp khác, vẫn thực hiện theo quy định.

UBND huyện Bù Đăng cũng có công văn khẩn chỉ đạo các địa phương, cơ quan chức năng trên địa bàn báo cáo các trường hợp người sử dụng đất tự ý mở đường đi không theo quy hoạch; báo cáo các trường hợp người dân đã lập hồ sơ, thủ tục tách thửa đất nông nghiệp diện tích trên 1.000 m2 tại địa phương gửi về UBND huyện để có hướng giải quyết.

Tương tự, UBND huyện Lộc Ninh cũng đã có công văn chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn khi có tình trạng đăng tin quảng cáo trên mạng xã hội là dự án bất động sản nhưng thực tế không được cấp phép,…

Tại Quảng Ngãi, tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất ven biển, nhất là dọc theo tuyến đường Dung Quất - Sa Huỳnh đang diễn ra phức tạp và có nhiều trường hợp lợi dụng việc này để trục lợi.

Do đó, UBND tỉnh này yêu cầu UBND các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ và TP Quảng Ngãi tăng cường quản lý về giao dịch chuyển quyền sử dụng đất đai, cho phép tách thửa và xác nhận cho phép chuyển nhượng đất ở, đất nông nghiệp và đất rừng không đúng quy định pháp luật để không làm ảnh hưởng đến các dự án đầu tư sau này được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện theo quy định, hoàn thành trước ngày 10/4/2022.

Trước tình trạng phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp trái phép diễn ra tràn lan, lãnh đạo huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã đề nghị Sở TNMT và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện kiến nghị UBND tỉnh không cho tách thửa đối với các lô đất nông nghiệp không có đường.

Đối với các chủ sở hữu đất nằm trong danh sách sai phạm trong giao dịch đất đai, huyện sẽ đề nghị Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tạm dừng không giải quyết các thủ tục liên quan đến đất đai.

Hay thời gian gần đây, trên địa bàn một số xã, phường của TP Kon Tum cũng xảy ra tình trạng một số đối tượng đã mua đất nông nghiệp, thực hiện tách thửa, phân lô trên thực địa và bán lại diện tích đất nông nghiệp này nhưng không lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thông qua công chứng, chứng thực mà chỉ bằng hình thức viết giấy tờ tay, thỏa thuận giữa bên mua, bên bán.

Do đó, lãnh đạo TP yêu cầu các xã, phường chấn chỉnh công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn; không để người dân tự ý san lấp mặt bằng, mở đường trái phép và xây dựng công trình trái phép trên đất không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt;

Đồng thời không xác nhận hồ sơ đề nghị tách thửa, hợp thửa; hiến đất làm đường giao thông đối với các trường hợp tự ý tách thửa, hợp thửa, san lấp mặt bằng, xây dựng công trình khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép,…

Tại Lâm Đồng thời gian vừa qua cũng xuất hiện các điểm nóng phân lô, tách thửa đất nông nghiệp như TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm, huyện Lâm Hà.

Trước tình trạng này, UBND tỉnh đã yêu cầu UBND các huyện kiểm tra, rà soát lại toàn bộ diện tích đất các hộ hiến, trả lại đất để mở đường, san lấp mặt bằng, phân lô trên địa bàn tỉnh, đối chiếu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy định về nông thôn mới, xem xét xử lý theo đúng quy định (nếu có) hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương rà soát, lập quy hoạch điểm dân cư nông thôn theo quy định của pháp luật.

Sắp có quy định mới về phân lô, bán nền

Trước tình trạng nhiều khu đất phân lô tại các dự án, khu đô thị được mua đi bán lại với mục đích đầu cơ, Bộ Xây dựng mới đây đã cho biết, quy định pháp luật hiện hành cho phép các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị và khu nhà ở trong một số trường hợp được áp dụng việc thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân (hộ gia đình, cá nhân) tự xây dựng nhà ở.

Tuy nhiên, theo Bộ này, để xem xét việc có áp dụng quy định nêu trên hay không thì UBND cấp tỉnh cần căn cứ điều kiện, nhu cầu phát triển đô thị tại từng địa phương và sự phù hợp trong đề xuất của từng chủ đầu tư trước khi quyết định cho phép áp dụng, nhằm đảm bảo các yêu cầu quản lý Nhà nước trong đầu tư phát triển đô thị theo quy định.

Trường hợp UBND cấp tỉnh cho phép các dự án được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở, thì UBND cấp tỉnh cần chỉ đạo việc đảm bảo thực hiện đúng trách nhiệm giám sát, kiểm tra của các cơ quan có liên quan và chủ đầu tư đã được quy định, theo Bộ Xây dựng.

Cũng theo Bộ này, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1963 ngày 22/11/2021 phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022.

Trong đó, đối với quy định về việc thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định đơn giản hóa theo hướng "Phân cấp toàn bộ cho UBND cấp tỉnh quyết định khu vực được chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt…" và yêu cầu bổ sung quy định"… tăng cường việc kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp đối với các địa phương thực hiện".

"Những nội dung này sẽ được cụ thể hóa tại Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng, dự kiến trình Chính phủ trong quý I/2022", Bộ Xây dựng thông tin.

Công Tâm
Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết

Từ khóa: