AFF Cup 2012 kết thúc sớm với đội tuyển Việt Nam khiến kế hoạch kiếm tiền ăn theo giải bóng đá này của không ít bạn trẻ phải ngưng lại.
AFF Cup 2012 kết thúc sớm với đội tuyển Việt Nam khiến kế hoạch kiếm tiền ăn theo giải bóng đá này của không ít bạn trẻ phải ngưng lại.
“Trước giải đấu hơn nửa tháng, chúng mình đã đến các đại lý phân phối để mua vật dụng cổ vũ bóng đá bán kiếm lời. Đã từng kinh doanh dạng này ở những giải tương tự như AFF Cup 2010, SEA Game 2011, những giải đấu mà Việt Nam thi đấu khá thành công, nên cứ nghĩ kiếm được một khoản kha khá. Nhưng hy vọng quá nhiều rồi phải thất vọng”- Quỳnh Chi, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM vừa gom vội đống đồ với những băng rôn “Việt Nam chiến thắng”, “Việt Nam vô địch”... vừa thở dài.
Nhiều bạn trẻ không thể cười vui khi kế hoạch kinh doanh mùa AFF Cup 2012 đã hết
- Ảnh: N.T.Nam
Tại Nhà văn hóa Thanh niên và Cung văn hóa Lao động TP.HCM cũng xuất hiện những hình ảnh buồn bã tương tự, vì đây là những nơi tổ chức chiếu những trận của đội tuyển Việt Nam trên màn ảnh rộng, thu hút hàng ngàn người hâm mộ theo dõi, nên được khá đông bạn trẻ bày bán vật dụng cổ vũ bóng đá như: những lá cờ Việt Nam, kèn tự chế, đề can dán mặt, cờ cầm tay, thanh đập, tù và cổ động, que phát sáng...
“Hai trận đầu tiên chúng mình bán được kha khá. Đến trận cuối, đã phải đến sớm từ trước 4 giờ với hy vọng bán được nhiều nhưng nào ngờ, khi mà cơ hội được đi tiếp của Việt Nam thấp, số lượng người đi xem ít nên người mua đồ cổ vũ không nhiều”- Minh Toàn, SV Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ, ôm ba lô với hàng trăm chiếc áo phông các loại, áo gi lê màu đỏ... buồn rầu cho biết.
Niềm an ủi mà nhóm của Vân Anh, sinh viên Trường ĐH Hùng Vương có được là nhóm gần 12 thành viên cùng nhau hùn vốn, chia nhau bán ở nhiều tuyến đường nên hao hụt ít tiền. Không như một mình đứng ra kinh doanh như trường hợp của Thanh Phong, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM phải lỗ khá nặng, hơn 3,2 triệu đồng.
Không chỉ gây thất vọng với những bạn trẻ kinh doanh vật dụng cổ động như trên, việc Việt Nam bị loại ngay vòng bảng cũng khiến những ấp ủ kiếm tiền của nhiều SV có năng khiếu mỹ thuật tan biến. “Ngỡ đâu bội thu nào ngờ chỉ hoàn vốn. Buồn quá anh ạ!”, một nhóm SV Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM nhận vẽ trang trí cho người hâm mộ tại Cung văn hóa Lao động tỏ ra chán nản. Thậm chí, từng thành viên trong nhóm phải đi khắp mọi nơi quanh khuôn viên để chào mời nhưng vẫn rơi vào tình cảnh ế khách.
“Trận đầu tiên chúng mình thực hiện hơn 150 yêu cầu của khán giả, mỗi lượt vẽ kiếm từ 5.000 đến 10.000 đồng. Nhưng đã giảm dần đều sau mỗi ngày, và đến hôm nay chỉ vẽ được chưa đến 10 người”, Lâm Uyên, một thành viên trong nhóm thu xếp cất bút lông, màu vẽ cho biết.
Theo ghi nhận, chỉ có những nhóm sinh viên kinh doanh bằng cách bán nước giải khát là không rơi vào những trường hợp trên. “Dường như mọi người hò hét cổ vũ khản cổ nên nước giải khát tiêu thụ mạnh, có hôm bán được gần cả trăm chai nước, kiếm thêm được một khoản kha khá để trang trải tiền ăn vài tuần”, hai nữ sinh viên Trường ĐH Kinh tế, nói.
Còn các thành viên của nhóm công tác xã hội Trường ĐH Mở TP.HCM thì kể, vì Việt Nam thua trận nên mọi người khi ăn uống cũng chẳng hề bận tâm đến việc bỏ rác đúng nơi quy định, vứt các vỏ chai nhựa khắp trên sân nên là cơ hội của nhóm, nhặt tất cả để đem bán ve chai, tạo quỹ hoạt động tình nguyện.
Xuân Phương
Theo Thanhnien