Đêm đêm, hàng chục đứa trẻ từ những xóm trọ công nhân hăm hở đến với lớp tình thương, mong thoát cảnh thất học đang vây bủa.
Đêm đêm, hàng chục đứa trẻ từ những xóm trọ công nhân hăm hở đến với lớp tình thương, mong thoát cảnh thất học đang vây bủa.
Muôn hình giọt nước mắt
Một buổi trưa, anh Dương Thanh Quý (khu phố Tân An, P.Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương) bỗng nhìn thấy hai đứa trẻ ăn mặc nhếch nhác đang lượm ve chai trong hẻm. Anh Quý dừng xe, hỏi: “Sao các em không đi học mà lượm ve chai?”. Không hẹn mà gặp, hai đứa trẻ đồng thanh nói: “Tại cha mẹ không có tiền”. Anh hỏi tiếp: “Vậy có muốn học lớp tình thương không?”. Các em nói ngay: “Có!”.
Nhiều trẻ là con em công nhân thất học tìm đến lớp tình thương - Ảnh: Như Lịch
Câu chuyện trên cứ khiến anh Quý nặng lòng: “Tại sao trên địa bàn mình không có lớp học tình thương? Trong khi đó, khu vực này có nhiều trẻ là con em công nhân thất học do không có giấy khai sinh và hoàn cảnh nghèo khó”. Mang trăn trở trên chia sẻ với cô Huỳnh Thị Phận - một giáo viên về hưu, Quý được cô đồng cảm và hưởng ứng ý tưởng lập lớp tình thương trong khu phố Tân An. Lớp học khai giảng đúng vào ngày 5.9.2011. “Khi có quyết định thành lập, hai cô cháu mừng quá ôm nhau khóc”, Quý xúc động nhớ lại.
Lớp học tá túc trong một căn phòng nhỏ mượn tạm của Công ty Xây lắp 5, nằm ở vị trí trung tâm những xóm trọ công nhân trong khu phố. Tất cả bàn, ghế và bảng trong lớp đều rất cũ kỹ, vốn xin từ những trường học, sau đó được đóng sửa lại. Hiện lớp có gần 30 trẻ (lúc đầu chỉ có 18 em) thuộc nhiều lứa tuổi theo học.
Tô Mộng Bình, 12 tuổi, là học sinh lớp 2 rất chăm chỉ, được các bạn bầu làm lớp phó học tập. Bình cho hay mẹ em làm công nhân, ba làm bảo vệ. Hồi Bình đang học ở dưới quê (Cà Mau) thì mẹ về đưa đi. Hơn 3 năm theo gia đình sống ở TP.HCM và 2 năm gần đây chuyển đến Bình Dương (vì cha mẹ em không kham nổi giá nhà trọ), Bình chưa bao giờ được đến trường. “Em mơ ước được đi học, đặng có chút chữ nghĩa với người ta. 1-2 năm nữa chắc em đi làm công nhân như chị em bây giờ”, đôi mắt cô gái nhỏ chợt đỏ hoe...
Trở thành thầy giáo
Trong số những trẻ từng lêu lổng, hay “cắm chốt” ở tiệm internet, có hai anh em Nguyễn Bình Quân và Nguyễn Văn Chương. Từ khi tham gia lớp tình thương, Quân và Chương dần rời xa thói quen “cày game”. Đặc biệt, cặp “anh em cùng tiến” này đã tranh thủ chạy sô cả 2 lớp tình thương: ban ngày và cuối tuần học ở P.Bình An; ban đêm học ở P.Tân Đông Hiệp.
Ngoài anh Dương Thanh Quý thường xuyên đứng lớp, còn có gần 10 tình nguyện viên khác. Họ chủ yếu là thanh niên đã đi làm, sinh viên, học sinh và một số cô chú nghỉ hưu. Do cả mấy khối lớp (lớp 1, lớp 2…) dồn ghép vào một phòng nên người dạy càng vất vả hơn. Thế nhưng, nhiều tình nguyện viên khẳng định: “Được đi dạy là rất vui!”
Dương Trọng Hữu, học sinh lớp 11 Trường THPT Bình An (thị xã Dĩ An), cũng là một thầy giáo tận tình của các em nhỏ. Hữu chia sẻ trước đây, cha mẹ Hữu từ Quảng Ngãi vào Bình Dương làm công nhân, hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn nên mẹ Hữu đành gửi em vào lớp học tình thương. Thấy Hữu sáng dạ, vài giáo viên giúp Hữu chuyển sang học ở trường công. Suốt nhiều năm liền, Hữu là học sinh giỏi. Từ năm lớp 10, Hữu quay trở lại lớp tình thương Bình An trong vai trò… thầy giáo. “Em nhớ lời dặn từ người thầy - ân nhân của mình, rằng vô dạy lớp tình thương cho những em nhỏ thiệt thòi khác là cách hay nhất để trả ơn thầy”, Hữu bộc bạch. Nhận thấy lớp tình thương khu phố Tân An mới mở, thiếu nhiều giáo viên nên Hữu chuyển sang dạy ở đây. “Nhiều em đáng thương lắm, bị bệnh còn không có tiền mua thuốc, nói chi đến học hành. Em thấy hình ảnh tuổi thơ mình trong đó”, Hữu chùng giọng.
Thị xã Dĩ An hiện có 3 lớp học tình thương thuộc những phường: Bình An, Tân Đông Hiệp và Bình Thắng, giải quyết tạm thời tình trạng thất học cho hơn 110 con em công nhân. Toàn thị xã có 6 khu công nghiệp và tổng số thanh niên công nhân khoảng 59.000 người.
|
Như Lịch
Theo Thanhnien