Sự kiện hot
3 năm trước

Lọt top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất, Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) làm ăn ra sao?

Trong danh sách công bố đầu tháng 6/2021, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) được bình chọn vào Top 50 công ty niêm yết tốt nhất thị trường chứng khoán năm 2021 của Forbes Việt Nam. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Bắc Ninh và Bắc Giang ít nhiều sẽ tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, bởi đây là hai tỉnh có các khu công nghiệp trọng yếu của Kinh Bắc.

KBC đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 6.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.000 tỷ đồng trong năm 2021 - Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Đấu thầu)

11 công ty con đều hoạt động liên quan đến bất động sản

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Kinh Bắc) có địa chỉ tại Khu công nghiệp Quế Võ, Xã Phương Liễu, Huyện Quế Võ, Tỉnh Bắc Ninh được thành lập ngày 27/3/2002 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2003. Các lĩnh vực hoạt động của Kinh Bắc Cty bao gồm đầu tư, xây dựng và kinh doanh, cơ sở hạ tầng khu đô thị - thương mại – khu công nghiệp – dịch vụ đa năng…

Tháng 12/2007, Công ty KBC chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội, với mã cổ phiếu là KBC. Tháng 5/2009, Công ty KBC chính thức đổi tên thành Tổng công ty phát triển Đô thị Kinh Bắc do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch.

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Kinh Bắc City, mã KBC, sàn HoSE) hiện có tổng cộng 11 công ty con, đều hoạt động liên quan đến bất động sản, chủ yếu là các chủ đầu tư khu công nghiệp.

Hơn 90% khách hàng của các khu công nghiệp là các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông…

Mỗi khu công nghiệp đều có những tập đoàn lớn như Canon, Foxconn, LG, JA Solar, Luxshare - ICT, Goertek, Fuyu, Jufeng… đầu tư với quy mô lớn. 

Trong số các công ty con, Kinh Bắc City nắm 100% vốn tại 5 công ty. Đó là Công ty TNHH một thành viên Phát triển Đô thị Tràng Cát, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư NGD, Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh văn phòng và nhà xưởng Kinh Bắc, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Kinh Bắc - Đà Nẵng và Công ty TNHH Phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp Tân Tập.

Trong một số công ty, Kinh Bắc City không nắm vốn trực tiếp, mà nắm vốn gián tiếp thông qua một công ty trung gian.

Chẳng hạn, Công ty TNHH một thành viên Khu công nghiệp Tân Phú Trung - Long An được Kinh Bắc City nắm gián tiếp thông qua Công ty cổ phần Phát triển đô thị Sài Gòn - Tây Bắc, Công ty TNHH một thành viên Khu công nghiệp Bắc Giang - Long An được Kinh Bắc City nắm gián tiếp qua Công ty cổ phần Khu Công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang.

Công ty TNHH Phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp Tân Tập được Kinh Bắc City nắm gián tiếp qua Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng.

Đẩy mạnh đầu tư vào mảng bất động sản nhà ở

Theo Kinh Bắc City, Tổng công ty đã tạo lập một quỹ đất khu công nghiệp là 5.278 ha, chiếm gần 5,5% diện tích đất khu công nghiệp của cả nước.

Mỗi khu công nghiệp của Kinh Bắc City có quy mô trung bình trên 200 ha, trong đó 2 khu công nghiệp thuộc khu kinh tế là Khu công nghiệp Tràng Duệ - Hải Phòng, Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây.

Trục chính khu công nghiệp Tràng Duệ - Ảnh: IT

Trục chính khu công nghiệp Tràng Duệ - Ảnh: IT

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc là doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp có tiếng tại thị trường phía Bắc. Đây cũng là doanh nghiệp quan trọng nhất thuộc sở hữu của đại gia Đặng Thành Tâm bên cạnh Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, Công ty Công nghệ Viễn thông Sài Gòn...

Thời gian gần đây, KBC của ông Đặng Thành Tâm liên tục thông báo thành lập doanh nghiệp mới để đầu tư dự án với các đối tác Saigontel, CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn Hải Phòng, CTCP Xây dựng Sài Gòn.

Cụ thể, KBC tham gia góp 60% vốn Tập đoàn Đầu tư Phát triển Hưng Yên (vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng), góp 36% vào Đầu tư Phát triển Long An (1.500 tỷ đồng) và góp 74,5% tại Tập Đoàn Đầu Tư Vũng Tàu (1.000 tỷ đồng).

KBC ước lãi trên 1.000 tỷ đồng từ các hợp đồng cho thuê khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh, KCN Quang Châu, Khu đô thị Phúc Ninh và Khu đô thi Tràng Duệ. Trong năm 2021 sẽ đưa vào khai thác dự án Tràng Cát Hải Phòng.

Như vậy, nếu không có gì thay đổi, Kinh Bắc của ông Đặng Thành Tâm sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào bất động sản công nghiệp (khu công nghiệp) trên phạm vi toàn quốc và một phần bất động sản đô thị tại Bắc Ninh - một trọng điểm của KBC và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Không những thế, KBC có dấu hiệu đẩy mạnh đầu tư vào mảng bất động sản nhà ở.

Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gần đây ban hành quyết định phê duyệt liên danh CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel) - CTCP Xây dựng Sài Gòn (SSC) - Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) của anh em ông Đặng Thành Tâm trong danh sách ngắn nhà đầu tư thực hiện Dự án Khu đô thị mới Nam Vũng Tàu (69,5 ha). Theo kế hoạch đây sẽ là khu tổ hợp bao gồm BĐS thấp tầng và cao tầng cũng như trung tâm thương mại với tổng vốn đầu tư ước tính là 4,6 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, Saigontel và KBC đều do ông Đặng Thành Tâm (sinh 1964) làm Chủ tịch HĐQT. Còn SCC được sáng lập bởi bà Đặng Thị Hoàng Phượng, em gái ruột của ông Đặng Thành Tâm.

Dự án Khu đô thị mới Nam Vũng Tàu có vị trí tại phường 10 và phường 11 (TP Vũng Tàu) - Ảnh minh họa (Nguồn: IT)

Dự án Khu đô thị mới Nam Vũng Tàu có vị trí tại phường 10 và phường 11 (TP Vũng Tàu) - Ảnh minh họa (Nguồn: IT)

Theo thông tin từ Infonet, hiện tại, KBC sở hữu trực tiếp và gián tiếp khoảng 4.700 ha đất khu công nghiệp, chiếm 6,4% tổng diện tích đất KCN đã hoạt động trên cả nước.

KCN mới đi vào hoạt động của KBC là Nam Sơn Hạp Lĩnh (Bắc Ninh) đã bắt đầu cho thuê đất cho một nhà sản xuất linh kiện điện thoại lớn với tổng diện tích bàn giao là 62,7 ha trong năm 2021.

Dự án KCN Tràng Duệ giai đoạn 3 (687 ha) tại Hải Phòng, sau thời gian dài chờ đợi đã được Chính Phủ phê duyệt bổ sung vào Khu kinh tế Cát Hải –Đình Vũ. Hiện tại, KBC đang hoàn tất các thủ tục cần thiết và dự kiến sẽ kết thúc trong những tháng tới.

KBC cũng lên kế hoạch mở rộng quỹ đất tại các tỉnh thành phố khác, bao gồm Hải Dương (800 ha), Hà Nội (400 ha) và Thái Nguyên (1.000 ha), ngoài ra còn có ở Long An, Bà Rịa Vũng Tàu....

Ngoài KCN, KBC cũng sở hữu 918 ha quỹ đất khu đô thị, trong đó đã giải phóng mặt bằng 88%. Về KĐT Phúc Ninh tọa lạc tại tỉnh Bắc Ninh, Công ty đã bán 28,3 ha và được phê duyệt các thủ tục liên quan vào cuối năm 2020. KĐT Tràng Cát với vị trí gần trung tâm thành phố Hải Phòng, đã giải phóng mặt bằng 511 ha trên tổng số 585 ha.

Chậm lại một nhịp do Covid?

Trong năm 2020, KBC ghi nhận nợ phải trả tăng mạnh gấp hơn 2 lần, từ mức 6.052 tỷ đồng hồi cuối 2019 lên mức 12.940 tỷ đồng vào cuối 2020. Tăng thêm gần 7.000 tỷ trong 1 năm qua. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng gấp hơn 1,5 lần trong năm 2020. Số dư vay dài hạn tăng vọt thêm hơn 3.000 tỷ đồng chỉ trong một năm 2020.

Với lãi suất vay từ 9-11,5%/năm, đây là áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp này.

Thực tế, Bắc Giang và Bắc Ninh là hai tỉnh có các khu công nghiệp trọng yếu của KBC, đặc biệt là Khu công nghiệp Quang Châu tại Bắc Giang (dự kiến là động lực tăng trưởng chính năm 2021 của KBC), nên đợt bùng phát dịch Covid-19 hiện tại được nhận định sẽ tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

KCN Quế Võ Bắc Ninh. (Ảnh: Kinh Bắc).

KCN Quế Võ Bắc Ninh. (Ảnh: Kinh Bắc).

Thực tế, Bắc Giang và Bắc Ninh là hai tỉnh có các khu công nghiệp trọng yếu của KBC, đặc biệt là Khu công nghiệp Quang Châu tại Bắc Giang (dự kiến là động lực tăng trưởng chính năm 2021 của KBC), nên đợt bùng phát dịch Covid-19 hiện tại được nhận định sẽ tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo thông tin từ Đầu tư Chứng khoán, kế hoạch tổ chức lại sản xuất 4 khu công nghiệp của Bắc Giang là tín hiệu đáng mừng, nhưng không phải các doanh nghiệp sẽ quay trở lại hoạt động bình thường ngay, mà kế hoạch này chia làm 2 giai đoạn và doanh nghiệp phải đáp ứng cũng như tuân thủ không ít điều kiện nhằm phòng chống dịch như thường xuyên xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho người lao động, không được sử dụng hết số lượng lao động (trừ doanh nghiệp có quy mô dưới 500 lao động)…

Do đó, yếu tố dịch bệnh Covid-19 không chỉ là nguy cơ hiện hữu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các khách thuê hiện tại, mà còn có thể làm chậm trễ việc bàn giao đất cho khách hàng mới. Đồng thời, hoạt động bán và cho thuê đất tại Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh và Khu đô thị Phúc Ninh tại tỉnh Bắc Ninh có thể bị chậm do dịch bùng phát.

Năm 2021, KBC đặt kế hoạch đạt doanh thu 6.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.000 tỷ đồng. Kế hoạch này dựa trên việc bàn giao 195 ha đất khu công nghiệp tại các dự án chính như Nam Sơn Hạp Lĩnh, Quang Châu, Tân Phú Trung và 8,4 ha đất tại Khu đô thị Phúc Ninh, Khu đô thị Tràng Duệ. Mảng cho thuê đất khu công nghiệp dự kiến đóng góp 70% kế hoạch lợi nhuận, phần còn lại đến từ mảng bán đất khu đô thị.

Nhưng với nguy cơ dịch bệnh hiện nay ảnh hưởng tới khả năng thanh toán của khách hàng, cũng như có thể làm chậm lại kế hoạch bàn giao sản phẩm cho khách hàng, sẽ tác động đáng kể tới doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Trong quý 1/2021, doanh thu của KBC đạt 2 nghìn tỷ đồng, tăng 260,2% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng gấp 11 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 599,2 tỷ đồng, mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong vòng 10 năm. Trong đó, doanh thu từ KCN Quang Châu (Bắc Giang) đóng góp tới 46% tổng doanh thu quý 1 của KBC.

Tính đến thời điểm 31/3/2021, tổng tài sản của KBC ghi nhận hơn 25.000 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho (chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang các dự án) ghi nhận hơn 11.000 tỷ. Song song, khoản phải thu ngắn hạn tăng 30% lên gần 9.000 tỷ đồng.

Hiện tổng nợ Công ty ghi nhận gần 14.000 tỷ đồng, trong đó vay nợ tài chính (ngắn và dài hạn) chiếm gần 9.000 tỷ.

Tổng nợ đi vay của doanh nghiệp hơn 6.045 tỷ đồng, tăng 5% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, trái phiếu dài hạn hơn 855 tỷ đồng còn trái phiếu đến hạn phải trả 1.289 tỷ đồng.

Năm nay, để huy động vốn cho hoạt động đầu tư, KBC sớm lên kế hoạch tăng vốn từ lợi nhuận chưa phân phối, và tăng vốn thông qua chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Ban lãnh đạo cho biết công ty đang có nhiều dự án đã đạt được các phê duyệt cần thiết về mặt pháp lý, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh.

Tại Đại hội cổ đông mới đây, sau khi nói về triển vọng của công ty trong năm 2021, Chủ tịch KBC Đặng Thành Tâm chia sẻ: “Năm nay sẽ có bùng nổ nhưng tôi nghĩ sẽ nổ rất to. Ai biết nổ to như thế nào thì mua cổ phiếu không thì tiếc ngẩn ngơ".

Ông Đặng Thành Tâm hiện nay đang trong top 50 người giàu nhất sàn chứng khoán, với giá trị cổ phiếu nắm giữ lên tới gần 3.285 tỷ đồng. Trong đó, ông đang sở hữu 85,25 triệu cổ phiếu KBC (18,15%), hơn 29 triệu cổ phiếu ITA (3,1%) và 17,53 triệu cổ phiếu SGT.

Trong phiên giao dịch sáng ngày 18/06/2021, thông tin từ Fili được biết, KBC đã vượt lên trên trendline ngắn hạn (bắt đầu từ tháng 01/2021) cho thấy nhịp tăng có khả năng trở lại trong thời gian tới. Mẫu hình nến Long-Legged Doji xuất hiện cho thấy tâm lý giằng co của nhà đầu tư.

Khối lượng giao dịch trong phiên sáng tiếp tục tăng cao (chạm ngưỡng trung bình 20 phiên gần nhất) cho thấy cổ phiếu đang nhận được sự quan tâm khá lớn từ nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chỉ báo MACD và chỉ báo Relative Strength Index vẫn đang tích cực. Điều này cho thấy tình hình đang khá khả quan.

Trong trường hợp đà tăng tiếp tục tiếp diễn thì nhiều khả năng cổ phiếu sẽ tiến đến mục tiêu dài hạn tại vùng 60,000-64,000 (ngưỡng Fibonacci Projection 100%). Tuy nhiên, KBC cần phải vượt qua những thử thách tại vùng đỉnh cũ lịch sử và ngưỡng Fibonacci Projection 61.8%.

Tạ Thành

Theo KTDU

Từ khóa: