Dantin - Tình trạng sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông diễn ra khá phổ biến. Trong đó, các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nguyên nhân do sử dụng rượu, bia chiếm tỷ lệ khá cao. Người điều khiển phương tiện giao thông trong trạng thái say sỉn thường không kiểm soát được hành vi của mình, khi bị cảnh sát giao thông dừng phương tiện kiểm tra, “ma men” sẵn sàng cà khịa, gây mất trật tự thậm chí đánh lại cảnh sát giao thông.
Lái xe thổi hơi vào máy để đo nồng độ cồn.
Say rượu tấn công cảnh sát giao thông
Khoảng 20h30 ngày 13/5, tổ công tác của đội CSGT Công an thị xã Sầm Sơn đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát thì phát hiện hai thanh niên đi trên một xe máy không đội mũ bảo hiểm, hơn nữa hai thanh niên này có biểu hiện say rượu. Ngay lập tức tổ công tác yêu cầu dừng xe, tiến hành kiểm tra hành chính.
Khi dừng xe, người ngồi sau là Lê Anh Tuấn, không những không chấp hành những yêu cầu của các đồng chí trong tổ công tác mà còn chửi, lăng mạ và có biểu hiện xúc phạm người thi hành công vụ. Tiếp đó, Tuấn còn đạp, đá vào người CSGT làm đồng chí này bị thương rồi bỏ chạy. Được sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân, tổ công tác đã bắt giữ đối tượng Lê Anh Tuấn, lập biên bản và đưa về trụ sở Công an thị xã Sầm Sơn giải quyết. Lúc này Tuấn có biểu hiện say rượu.
Tại trụ sở cảnh sát, Tuấn khai nhận toàn bộ hành vi của mình và biện minh những hành động đó là do bị say rượu nên không kìm chế được hành vi của mình.
Chiều 15 -5 Công an thị xã Sầm Sơn đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Lê Anh Tuấn (trú tại phường Trung Sơn – thị xã Sầm Sơn) vì hành vi lăng mạ và chống người thi hành công vụ.
Mới đây, ngày 11 -6 Công an huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) đã tạm giam Lê Long Khánh B (22 tuổi, ngụ xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng) để điều tra về hành vi Chống người thi hành công vụ.
Sau khi cùng 4 “chiến hữu” nốc hết 2,5 lít rượu, Khánh B điều khiển xe máy đến xã Tân Hộ. Trong tình trạng say sỉn, Khánh B tông vào xe đạp do chị Phạm Thị Ngọc Tuyền điều khiển lưu thông cùng chiều khiến Khánh B ngã bất tỉnh, chị Tuyền bị thương được người dân đưa đi cấp cứu.
Lực lượng chức năng đã có mặt ngay sau đó để giải quyết vụ việc. Nhưng ngay khi tỉnh lại, thấy bị bắt giữ, Khánh B bực tức, chửi bới và lao vào đánh anh Nguyễn Tấn Linh (công an viên xã Bình Phú). Khi được đưa về trụ sở Công an xã Bình Phú, Khánh B tiếp tục la lối om sòm và có những hành vi chống đối lực lượng công tác.
Gần đây nhất ngày 13 – 6, Công an huyện An Dương (Hải Phòng) cho biết vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Ngọc Cường (30 tuổi, ở phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng) để điều tra về hành vi Chống người thi hành công vụ.
Tối ngày 11 - 6 trong khi tổ công tác đang kiểm tra, khám nghiệm đo đạc hiện trường vụ tai nạn giao thông làm một người tử vong trên quốc lộ 5 đoạn thôn An Phú, xã Đại Bản (huyện An Dương, Hải Phòng) thì một xe Innova do Cường và Lê Văn Bình (42 tuổi) điều khiển dừng lại giữa đường làm cản trở công tác điều tra của các đồng chí trong tổ công tác.
Lập tức tổ công tác yêu cầu hai người này đưa xe ra khỏi hiện trường để lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, tránh ùn tắc giao thông. Nhưng hai đối tượng đã không chấp hành còn chửi bới, lăng mạ lực lượng cảnh sát. Không những thế, Cường còn cởi áo, thách thức đại úy Đồng Thanh Hội (phó đội trưởng Đội điều tra tổng hợp Công an huyện An Dương). Tiếp đó, Cường giật biển hiệu cảnh sát và tát vào mặt đại úy Hội.
Bị cảnh sát khống chế, bắt giữ, Cường chống trả quyết liệt và dùng chân đạp vào thượng úy Nguyễn Anh Đức (cán bộ đội CSGT huyện An Dương).
Tiến hành đo nồng độ cồn trong hơi thở của Cường và Bình đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Tại cơ quan điều tra, Cường đã khai nhận hành vi vi phạm của mình.
Xử phạt ra sao với những “ma men” này?
Theo Nghị định 34 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, mức xử phạt đối với người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về uống rượu bia quá nồng độ cho phép khi đang điều khiển phương tiện như sau:
Người điều khiển phương tiện trên đường mà trong máu, hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu; hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 2- 3 triệu đồng.
Mức phạt từ 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện trên đường mà trong máu, hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50- 80 miligam/100 mililít máu; hoặc vượt quá 0,25 miligam- 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 30 đến 60 ngày tùy theo mức độ vi phạm.
Theo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, người vi phạm quy định trên còn phải học lại Luật Giao thông đường bộ.
Với hành vi của các đối tượng tham gia giao thông như không đội mũ bảo hiểm, khiêu khích cảnh sát khi bị tổ công tác khống chế nhưng đối tượng không chịu hợp tác còn lăng mạ người thi hành công vụ, tấn công cảnh sát thì tùy vào tính chất và mức độ nguy hiểm của từng hành vi cụ thể có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi tương ứng đó.
Theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/7/2010 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Cản trở, không chấp hành yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có lời nói, hành động lăng mạ, xúc phạm danh dự hoặc chống lại người thi hành công vụ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi chống người thi hành công vụ cũng tùy vào tính chất và mức độ nguy hiểm mà hành vi này là hành vi vi phạm hành chính (sẽ bị xử phạt hành chính) hoặc là hành vi phạm tội (sẽ phải chịu hình phạt) theo Điều 257 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Hoàng Hà