Để diễn màn kịch này, đoàn tìm kiếm mộ liệt sĩ do “cậu Thủy” cầm đầu đã không ngần ngại tường thuật trực tiếp cho người dân xem cảnh bốc mộ thông qua một màn hình lớn.
Để diễn màn kịch này, đoàn tìm kiếm mộ liệt sĩ do “cậu Thủy” cầm đầu đã không ngần ngại tường thuật trực tiếp cho người dân xem cảnh bốc mộ thông qua một màn hình lớn. Càng diễn, vở kịch này càng để lộ ra những bằng chứng khẳng định đó là những ngôi mộ giả...
Sáng 28/10, Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Quảng Trị) phối hợp với Công an tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Nguyễn Văn Thúy (tức “cậu Thủy”, SN 1959, trú tại thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh). Nhà ngoại cảm tự phong này trước đó đã dàn dựng 9 ngôi mộ giả đánh lừa thân nhân các anh hùng liệt sĩ tin rằng đó là hài cốt thật trên địa bàn Quảng Trị…
Nhà ngoại cảm “cậu Thủy” (dấu X) tại hiện trường (ảnh lớn). Đại tá Trần Minh Thanh, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị xem phần đất hài cốt được tìm thấy có lẫn lá tràm tươi (ảnh nhỏ). Ảnh: T.G
Chiều ngày 26/7/2013, người dân ở hai thôn Lâm Xuân (xã Gio Mai) và Tân Minh (xã Gio Thành, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) khá bất ngờ trước sự xuất hiện của một đoàn xe hùng hậu đưa nhà ngoại cảm tự phong với biệt danh là “cậu Thủy” đến khu vực đồi bạch đàn giáp ranh giữa hai thôn để tìm mộ liệt sĩ.
Người dân bắt đầu để ý bởi khu vực mà đoàn tìm mộ tiến hành khai quật vốn là cánh đồng lúa những năm 1960. Sau này, do tình trạng cát bay, cát nhảy bồi lấp hình thành cồn cát hoang hóa. Càng bất ngờ hơn khi đoàn tìm kiếm mộ chỉ đào bới ở độ sâu khoảng 0,6m đã phát hiện những bộ hài cốt mà “cậu Thủy” khẳng định là hài cốt liệt sĩ.
|
Quá khứ đen tối
Nguyễn Văn Thúy từng bị Công an Bắc Ninh bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tàng trữ vũ khí quân dụng. Sau khi mãn hạn tù năm 2005, Thúy tự nhận mình là “nhà tâm linh” có khả năng tìm mộ liệt sĩ. Không ít gia đình các thân nhân liệt sĩ tin vào khả năng “tự vẽ” này của Thúy. Thúy bị Công an Quảng Trị bắt tạm giam 4 tháng cùng với “vợ” là Mẫn Thị Duyên (SN 1962). Các đối tượng này đã được di lý về Quảng Trị để phục vụ công tác điều tra.
|
|
Một số người dân định thần nhớ ra, nhà ngoại cảm đang lầm rầm khấn vái, chỉ đạo buổi khai quật chính là người đã có mặt ở khu vực này mấy tháng trước. “Cậu Thủy” trên tay cầm hương chỉ trỏ, miệng thì “úm ba la” còn đoàn người mang áo xanh có in lô gô của Ngân hàng Chính sách Việt Nam chỉ cần lấy tay gạt cát đi là tìm thấy di vật của các liệt sĩ như bi đông hoen gỉ, cúc áo…
Rồi họ cũng gặp phải một số mẩu xương lẫn trong đất đen như đất thường thấy xung quanh bộ hài cốt thật. Thi thoảng, người ta còn mang lên ít lá tràm tươi lẫn trong mớ dị vật, xương và đất đen ấy… Những người chứng kiến thì lắc đầu và khẳng định rằng ở đó không có mộ liệt sĩ nào cả còn nhà ngoại cảm vẫn cứ “úm ba la” và khẳng định rằng “dưới đó còn có thêm một bộ hài cốt nữa”(?!).
Để diễn màn kịch này, đoàn tìm kiếm mộ liệt sĩ do “cậu Thủy” cầm đầu đã không ngần ngại tường thuật trực tiếp cho người dân xem cảnh bốc mộ thông qua một màn hình lớn. Càng diễn, vở kịch này càng để lộ ra những bằng chứng khẳng định đó là những ngôi mộ giả.
Sự vụng về này được thể hiện rõ qua nhiều tình tiết bi hài như việc nhiều dấu vết không bình thường bởi đất cát ở đó rất tơi xốp, đào được dễ dàng bằng tay, các hố đào có diện tích 0,6x1,8m bên các gốc cây tràm hoa vàng được người dân trồng từ cách đây khoảng 5 năm, các rễ cây đều đã bị cắt, chặt đứt. Ở lớp đất đen được đào lên, “cậu Thủy” khẳng định là hài cốt thì chẳng có bất kể một sự liên kết nào với đất cát nguyên thủy ở đó, cũng như không có sự thẩm lậu của chất đất có màu đen ra xung quanh. Nhiều người khẳng định đó là lớp đất sét, chứ không phải thẩm thấu phân huỷ cơ thể người.
Hơn nữa, khu vực này đã bị cát bay bồi lấp ruộng đồng từ những năm 1970 mà mộ liệt sĩ chỉ đào sâu khoảng 0,6m đã phát hiện hài cốt là điều phi lý. Đại tá Trần Minh Thanh, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị là người trực tiếp đến hiện trường và cầm trong tay phần đất chứa hài cốt có lẫn vài lá tràm tươi khẳng định đây không phải là hài cốt liệt sĩ. Hơn nữa, liệt sĩ Tạ Văn Tín, quê ở Quảng Bình mà “cậu Thủy” khẳng định thuộc Sư đoàn 320 từng chiến đấu và hi sinh tại khu vực huyện Gio Linh được khắc lên bi đông đựng nước tìm thấy tại hố chôn không khớp với hồ sơ lưu trữ. Theo hồ sơ, liệt sĩ Tạ Văn Tín (SN 1946) nhập ngũ tháng 8/1964 thuộc Đại đội 8, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 hi sinh tại cao điểm 420 ở huyện Hướng Hóa năm 1969 và nhiều cựu binh từng tham gia chiến đấu đều khẳng định khu vực nói trên không hề có lính của Sư đoàn 320 hi sinh (?!)…
Những bộ hài cốt do nhà ngoại cảm này tìm thấy đã được cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị yêu cầu giám định ADN. Sau hơn hai tháng, Cơ quan Công an tỉnh Quảng Trị đã có trong tay đầy đủ những bằng chứng để chứng minh việc làm gian dối của nhà tâm linh tự phong này.
Vĩnh Quý
theo GĐ&XH