Tôi không còn nhớ, tôi bắt đầu nghe câu nói cửa miệng ấy của ba từ lúc nào. Nhưng lần ông nói khiến tôi nhớ nhất là năm học lớp 11. Hôm đó tôi bị trúng gió nên cô chủ nhiệm nhờ một bạn trai trong lớp đưa về. Vừa trông thấy tôi, chưa kịp hỏi đầu đuôi, ông đã gầm lên: “Học không lo học lại đi trai gái. Mày giống con gái mẹ mày rồi hả?”.
Tôi không còn nhớ, tôi bắt đầu nghe câu nói cửa miệng ấy của ba từ lúc nào. Nhưng lần ông nói khiến tôi nhớ nhất là năm học lớp 11. Hôm đó tôi bị trúng gió nên cô chủ nhiệm nhờ một bạn trai trong lớp đưa về. Vừa trông thấy tôi, chưa kịp hỏi đầu đuôi, ông đã gầm lên: “Học không lo học lại đi trai gái. Mày giống con gái mẹ mày rồi hả?”.
Bạn tôi sợ xanh mặt, ấp úng giải thích. Nhưng ông chẳng thèm nghe cũng chẳng xem con bị bệnh thế nào. Hôm đó, lần đầu tiên tôi thấy xấu hổ vì người cha thô lỗ của mình.
Nhưng đó chưa phải là tất cả những gì mà tôi phải chịu đựng. Bình thường thì không sao, hễ có rượu vào thì ông lại chửi. Có lần tôi không kềm được đã cãi lại. Thế là ông nhào tới nắm tóc tôi nhấn vào lu nước.
Lần đó nếu không có bác tư hàng xóm đi ngang trông thấy chạy vô can ngăn thì có lẽ tôi đã đi theo ông bà. Ngay cả cái vết lõm trên đầu tôi không mọc tóc được cũng là hậu quả của một lần ông phang chai xá xị vô đầu khiến tôi ngất xỉu, đầu bị tét một mảng lớn.
“Mày giống con gái mẹ mày”- câu nói ấy ám ảnh tôi suốt những năm tháng thơ dại và kéo dài cho đến tận bây giờ. “Con gái mẹ” tôi là ai, tôi cũng chưa một lần gặp mặt. Mỗi lần tôi hỏi, ngoại tôi lại khóc.
Duy có một lần, ngoại kể, lúc trước mẹ tôi thương một người khác xã. Ngoại không gả vì đã lỡ hứa làm sui với một người bạn cùng làng. Bị ngoại ép gả, mẹ tôi đã tự tử mấy lần nhưng không chết. Đám cưới được 2 tháng thì mẹ tôi trốn nhà theo người đàn ông kia. Gần 1 năm sau thì có người mang một đứa bé đến giao cho ba tôi và bảo rằng, của người ta nhờ mang tới trả. Đứa bé đó là tôi…
Từ lúc ấy, nỗi oán giận người vợ bội bạc được ba tôi trút lên cái sinh linh bé bỏng mà ông không biết chắc có phải con mình hay không. Tôi lớn lên trong đòn roi, chửi mắng.
Lạ là ba tôi nhất định không cưới vợ nữa dù không ít người mối mai. “Cái bọn đàn bà ấy như nhau cả thôi”- có lần tôi nghe ông lẩm bẩm. Tôi cãi lại: “Ba nói người nào có người, đâu phải ai cũng hư hỏng hết đâu!”. Tôi vừa dứt lời thì cây chổi lông gà trên tay ba tôi đã bay vù lên đầu tôi. May mà cây chổi lông gà rất nhẹ nên tôi không hề hấn gì.
Điều lạ nữa ở ba tôi là tuy thô lỗ, cục súc vậy nhưng ông lại rất chú ý chuyện học hành của con. Lần nào tôi đòi nghỉ học cũng bị đánh thừa sống thiếu chết. Những trận đòn đau cùng những cơn mắng chửi như cơm bữa biến tôi thành một đứa trẻ lầm lì, khép kín.
Cho đến một ngày, lịch sử đã lặp lại. Tôi học xong lớp 12 thì ba tôi bảo: “Học bao nhiêu đó đủ rồi. Ở nhà lấy chồng, tao đã hứa gả cho người ta”. Tôi nghe vậy thì tay chân bủn rủn: “Ba nói gì kỳ vậy? Con còn nhỏ mà lấy chồng gì?”. Ba tôi vẫn lạnh lùng: “Đừng có cãi. Mày muốn giống con gái mẹ mày hả?”. Nhưng tôi vẫn chưa chịu thua: “Con đi học chớ không lấy chồng. Ba hứa thì ba lấy đi”. Vừa nghe vậy, ba tôi đã gầm lên: “Đồ mất dạy. Mày dám trả treo hả? Để tao cho mày trả treo…”.
Dứt lời, ông nắm tóc tôi lôi sềnh sệch vô nhà. Tôi đau quá nên la oai oái khiến bà con lối xóm bu lại. Thấy vậy, ba tôi đóng sầm cửa: “Chuyện của nhà tôi, không mượn mấy người xía vô”.
Tôi bị nhốt trong buồng, còn bên ngoài ba tôi bàn chuyện cưới xin với nhà trai. Chưa bao giờ trong tôi lại có cảm giác lạ lùng như vậy: Tôi căm thù và chỉ muốn giết chết người mà mình gọi là cha! Nhưng tôi không thể làm được điều đó khi bị nhốt giữa bốn bức tường.
Tôi nghĩ ra kế hoãn binh. Tôi bảo ông là tôi đồng ý lấy chồng. Vậy là tôi được phóng thích khỏi buồng giam. Người mà tôi sẽ lấy làm chồng là con ông chủ lò mổ heo trong chợ xã. Gánh đó rất khá. Ba tôi bảo về đó, ông yên tâm vì tôi sẽ không bị đói khổ… Nghe vậy, tôi vừa thấy thương ông, vừa thấy chua chát cho số phận mình.
Và chuyện gì phải đến đã đến. Tôi đã bỏ trốn khỏi nhà trước giờ rước dâu chỉ có 2 tiếng đồng hồ. Tôi tưởng tượng ra nét mặt, giọng nói của ba tôi khi phát hiện điều này. Chắc chắn là ông sẽ gầm lên: “Đồ hư thân mất nết. Tao đã bảo là nó giống con gái mẹ nó mà…”.
Tôi trốn về Cần Thơ, sau đó lần mò lên Sài Gòn làm mướn. Ai hỏi quê quán, bà con dòng họ của tôi ở đâu, tôi bảo mình mồ côi từ bé. Thế nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn gọi điện thoại về nhà bác tư hàng xóm để hỏi xem ba tôi sống chết ra sao…
Tôi mừng khi biết ông vẫn khỏe và thấy lo khi biết mỗi lần có ai nhắc đến tôi thì ông lại lên máu… Trong sâu thẳm lòng mình, tôi vẫn nghĩ ông là cha ruột của mình nhưng để “bình thường hóa” tình cảm cha con thì thật khó; thậm chí tôi không bao giờ nghĩ đến điều đó. Một khi đã thoát ra khỏi gia đình, tôi nghĩ mình đã sống một kiếp người khác…
Cách nay mấy ngày, tôi gọi điện về thì bác tư nói ba tôi bị tai biến, đang nằm cấp cứu ở bệnh viện Đa khoa Cần Thơ. Tôi chần chừ, nửa muốn về, nửa lại không. Tôi nhớ đến những trận đòn, những lần bị chửi mắng trước mặt người lạ, nhớ lần bị ép gả... Nỗi oán giận vẫn còn nguyên.
Nhưng rồi tôi lại nhớ đến lời ngoại kể. Nếu khi người ta đem tôi đến, ông không nhận nuôi mà vứt bỏ thì không chắc là tôi có sống sót đến bây giờ không… Tôi lại nhớ có lần tôi bị sốt cao, nửa đêm ông đã bỏ tôi xuống xuồng chèo qua tận bệnh viện tỉnh. Lần đó tôi bị sốt xuất huyết. Bác sĩ nói, chậm một chút có thể nguy hiểm đến tính mạng. Tôi cũng nhớ có lần, tôi bị bệnh, mới 4 giờ sáng ông đã lội bộ ra chợ xã mua thịt về nấu cháo cho tôi…
Tất cả những điều ấy ùa về cùng lúc. Tôi bỗng hốt hoảng và tức tốc đi chuyến xe 7 giờ tối để về nhà. Ba tôi vẫn nằm ở phòng cấp cứu. Ông vẫn chưa tỉnh lại. Người con trai của bác tư mừng rỡ khi trông thấy tôi: “May quá, em đã về”. Anh kể, hôm qua tới giờ, ba tôi lúc tỉnh, lúc mê. Bác sĩ tiên lượng tình hình rất xấu. Tôi nhìn cha nằm thiêm thiếp trên giường bệnh. Lúc đó trông ông thật hiền. Tôi năn nỉ mãi, bác sĩ mới cho tôi vào 5 phút.
Tôi nắm tay cha. Bàn tay ông rất lạnh. “Ba ơi, ba tỉnh lại đi ba… Con về thăm ba nè…”. Tôi vừa gọi vừa khóc. Thật kỳ diệu. Ông mở mắt ra nhìn tôi. Rồi hai giọt nước mắt chầm chậm lăn dài. Môi ông mấp máy điều gì đó nhưng không thành tiếng. Tôi không hiểu ông nói gì. Bất giác tôi thấy thèm nghe ông nói, dù chỉ là những lời chửi mắng…
Ba tôi đã không qua khỏi. Giờ đây tôi mới thật sự là trẻ mồ côi. Khi chỉ còn lại một mình trong căn nhà vắng, tôi cứ ngồi nhìn mãi lên bàn thờ. Ba tôi ngồi đó, trông thật khắc khổ.
Ký ức cứ thay nhau ùa về như những thước phim quay chậm. Lòng tôi đầy ứ những nỗi buồn. Và tôi lại thèm nghe cái câu cửa miệng của ba: “Mày giống con gái mẹ mày”.
Tôi thật sự thấm thía, khi đã đánh mất đi thì ngay cả những đớn đau cũng làm ta hối tiếc…
Hạ Mi
Theo Người lao động