Anzi từng khóc trong nhiều đêm tỉnh dậy hút sữa nhưng cô cũng nhận thấy các con mình hồi phục nhanh hơn sau mỗi trận ốm.
Các con gái của Anzi Hung quấn quýt bên mẹ.
Lần đầu tiên Anzi Hung, bà mẹ ba con hiện sống tại Malaysia, cho con bú là năm 2007. Khi đó, cô đã không nghĩ quá nhiều về chuyện này và cũng chẳng kỳ vọng nguồn sữa mẹ sẽ dồi dào. Nhưng hiện tại, cô vẫn chưa dừng việc cho nuôi con bằng sữa mẹ. Khoảng thời gian bú mớm này kéo dài liên tục đến nay đã hơn 10 năm.
Con gái lớn của Anzi được bú mẹ cho tới năm học mẫu giáo lớn, 5 tuổi. Con thứ hai và con út bú sữa mẹ từ lúc sinh ra đến tận bây giờ. Ba con gái của Anzi lần lượt là: Liew Vixi, 10 tuổi, Viqi, 6 tuổi và Vini, 3 tuổi. Bà mẹ ba con đã có một cuộc trả lời phỏng vấn thú vị về hành trình nuôi con bằng sữa mẹ này.
- 10 năm cho con bú liên tục - thật ấn tượng! Chị đã gặp những khó khăn gì trong suốt hành trình đó?
- Khi tôi làm việc trong một nhà máy, tôi đã phải hy sinh một nửa thời gian ăn trưa của mình và chui vào toilet hút sữa. Bữa trưa của tôi thường diễn ra nhanh chóng trong nhà bếp.
Hàng ngày, khoảng 5h, chồng sẽ chuẩn bị bữa trưa cho tôi đem đi làm.
Sau này, khi vào làm ở công ty, tôi phải tranh thủ những khoảng thời gian đi toilet trong ngày để hút sữa, bởi tôi thường xuyên phải họp hành hay tham gia tập huấn.
Tới khi làm việc ở một trụ sở chính của công ty lớn hơn, tôi cần hút sữa trong ô tô hoặc một phòng trống lúc tôi đi kiểm tra hoặc thu thập dữ liệu.
Cũng có lúc, văn phòng của tôi không có tủ lạnh, chồng tôi đã phải chuẩn bị thùng đựng đá cho tôi mang đi làm để có thể bảo quản sữa mẹ suốt 10 tiếng đồng hồ. Tôi cũng làm như vậy khi đi công tác.
Tôi từng sử dụng máy hút sữa bằng tay và phải tới năm 2012, tôi mới sắm được chiếc máy cắm điện đầu tiên để rút ngắn thời gian hút sữa.
Chồng là người duy nhất rửa dụng cụ cho Anzi mỗi lần cô hút sữa, chuẩn bị cơm trưa và hộp đá trữ sữa để cô đem đi làm.
- Có bất cứ vấn đề sức khỏe nào xảy ra với chị trong thời gian cho con bú này không?
- Trải nghiệm tồi tệ mà tôi nhớ nhất là khi tôi bị ốm nặng trong lần mang thai thứ hai. Tôi không cai sữa đối với con lớn và lượng haemoglobin giảm đáng kể do bệnh bạch cầu cấp. Tôi cũng bị phát ban nữa...
Có người hỏi liệu tôi có bị điên không khi tiếp tục cho con bú và chẳng chịu dừng lại việc mình đang làm. Nhưng tôi rất khó xử... Mặc dù vậy, tôi cũng đã phải tạm dừng việc cho con bú trong 2 tháng. Bởi khi con bú, có thể gây co bóp tử cung và tôi đang mang thai.
Tôi cũng nhớ lại lần đi Kuala Lumpur, máy hút sữa của tôi hoạt động kém hay khi đi Singapore, pin của máy hút sữa bị hỏng... khiến tôi bị tắc sữa, đau đớn kéo dài cả tuần. Đã có lúc, tôi hút sữa mà bật cả máu; sữa và máu hòa làm một, vì sự co giãn tĩnh mạch quanh vú. Tôi phải uống kháng sinh, để lực hút của máy thấp và bây giờ, mọi chuyện đã trở lại bình thường.
- Thành thật mà nói, có lúc nào chị thấy mệt mỏi vì phải cho con bú?
- Tất nhiên, tôi từng khóc nhiều lần lúc nửa đêm khi tôi phải thức dậy để hút sữa. Con gái út của tôi bây giờ hơn 3 tuổi nhưng ngày nhỏ khá khó nuôi. Trong 3 đứa, con bé là đứa duy nhất từ chối bú trực tiếp sau 28 ngày tôi trở lại với công việc.
Suốt 10 năm nuôi con nhỏ, tôi vẫn đưa các con đi du lịch, bởi vậy tôi cần hút và trữ đông sữa cho chúng. Mỗi lần, chúng tôi cần mang theo cốc hút sữa, máy hút, dây điện, pin... tới bất cứ nơi nào chúng tôi đến. Bạn có thể tưởng tượng được là ba lô của tôi nặng như thế nào khi phải chăm sóc cả 3 đứa trẻ trong một chuyến đi.
Tôi cũng cảm thấy có lỗi vì không hút sữa thường xuyên trong suốt hành trình đi chơi vì tôi quá mệt mỏi. Những ngày này, tôi cũng thấy bớt áp lực vì chuyện hút sữa bởi các con tôi đã lớn.
- Chồng và các thành viên trong gia đình ủng hộ như thế nào với quyết định nuôi con bằng sữa mẹ lâu dài của chị?
- Chồng là người duy nhất giúp tôi rửa sạch dụng cụ sau mỗi lần tôi hút sữa.
Mẹ tôi đã pha sữa công thức cho con gái đầu của tôi uống lúc tôi đi làm được 2 tháng vì bà khăng khăng nói rằng sữa mẹ không có vitamins.
Bố tôi cũng không thích việc tôi nuôi con bằng sữa mẹ lâu như thế vì nhìn tôi quá gầy gò. Anh trai của tôi thì chẳng bao giờ hiểu được tại sao tôi phải lãng phí quá nhiều thời gian vào việc hút sữa và sẽ dễ dàng hơn khi chỉ cần dùng tiền mua sữa công thức, rồi hòa với nước nóng là được.
Những lời chỉ trích khác mà tôi nghe từ mọi người liên quan đến chuyện này còn có: "Cho con bú làm hỏng dáng ngực", "Con sẽ bị phụ thuộc quá nhiều vào mẹ" và đặc biệt là "Trẻ sẽ không nhận đủ vitamins với việc chỉ bú sữa mẹ, tốt hơn là dùng sữa bột như quảng cáo trên tivi".
Các con của Anzi ít bị ốm và được cùng bố mẹ đi du lịch từ rất sớm.
- Lợi ích từ việc nuôi con bằng sữa mẹ là gì, đối với cả sức khỏe của chị và các con?
- Tôi có thể thấy là các con mình ít bị ốm hơn và có thể hồi phục nhanh sau mỗi trận ốm. Sữa mẹ là nguồn thực phẩm duy nhất chúng vui vẻ sử dụng khi phải nằm viện vì nhiễm virus. Các con của tôi vóc dáng vừa phải, không gầy, không béo. Chúng là những đứa trẻ bú mẹ hoàn toàn.
Tử cung của tôi co nhanh hơn khi các con bú trực tiếp, điều đó cũng giúp tôi về dáng nhanh chóng. Sau khi sinh con đầu lòng, cân nặng của tôi chạm mốc 78 kg và sau đó, tôi đã cố gắng duy trì ở mức 48-50 kg dù ăn nhiều.
Điều đáng ngạc nhiên là phải 8 năm sau khi tôi sinh con đầu lòng, kinh nguyệt mới trở lại. Điều này có nghĩa là tôi có thế tiết kiệm được khá nhiều tiền mua băng vệ sinh.
- Còn những điều bất lợi khi nuôi con bằng sữa mẹ là gì?
- Tôi nghĩ đó là bạn sẽ mất nhiều thời gian để hút sữa nếu không thể cho con bú trực tiếp. Ngoài ra, cũng khó duy trì một cuộc sống cân bằng, cả về thể chất và tâm lý.
- Chị có lời khuyên gì cho các bà mẹ khác khi lựa chọn nuôi con bằng sữa mẹ?
- Cho con bú theo nhu cầu. Cá nhân tôi thích cho con bú trực tiếp hơn ở bất cứ nơi nào có thể vì nó kích thích sữa về nhiều hơn. Hãy tin vào chính bạn, bạn có thể cho con những khoảng thời gian tuyệt vời và gần gũi nhất.
Kiên trì hút sữa thực sự quan trọng cùng với một chế độ dinh dưỡng cân bằng để kéo dài nguồn sữa mẹ.
Theo VnExpress