Trong buổi họp mặt giữa các khách hàng và chủ đầu tư dự án Chung cư Quốc Cường Gia Lai 1, Công ty Quốc Cường Gia Lai (QCGL - công ty mẹ của chủ đầu tư) đưa ra một phương án, QCGL sẵn sàng đưa luôn 35 triệu đồng phí quản lý chung cư để bàn giao việc quản lý tòa nhà cho cư dân. Đây là số tiền mà QCGL đang phải bù lỗ hàng năm để quản lý Khu chung cư Quốc Cường Gia Lai 1.
Lý do QCGL đưa ra phương án này là bảng tính chi tiết từng khoản chi phí trong quản lý chung cư dự kiến đã gửi đến người dân trong chung cư, nhưng nhiều hộ dân không tán thành và yêu cầu chủ đầu tư phải có giải trình về cách tính chi phí.
Nhưng phương án bàn giao lại toàn bộ hoạt động quản lý cho cư dân của QCGL cũng khiến không ít người dân giật mình, vì tòa nhà chung cư QCGL mới đưa vào sử dụng còn nhiều sai sót phát sinh cần bảo hành. Trong trường hợp hỏng bất kỳ bộ phận nào, chủ đầu tư có thể đổ lỗi cho lý do sử dụng không đúng cách. Mặt khác, điều người dân muốn là minh bạch về phí quản lý, họ chỉ giám sát, chứ không thể tự tổ chức quản lý.
Ở TP. HCM, thời gian qua có rất nhiều tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư ở các dự án chung cư cao cấp về tiến độ, chất lượng công trình. Nếu chủ đầu tư là DN có thương hiệu lớn và có chiến lược phát triển lâu dài thì xu hướng là họ sẽ chiều lòng khách hàng để nhanh chóng đi đến thỏa thuận hợp lý và ngược lại.
Một môi giới của Công ty Nam Việt cho biết, dự án New Sài Gòn của Hoàng Anh Gia Lai khi mới bàn giao, bị khách chê về một số vật liệu nội thất, nhưng chủ đầu tư sẵn sàng thay thế cho khách hàng nên mọi chuyện êm thấm. Rút kinh nghiệm từ dự án này, những dự án sau đó, Hoàng Anh Gia Lai rất cẩn thận trong việc lựa chọn vật liệu.
Dân cư và Ban quản lý Keangnam vừa có bất đồng lớn xung quanh vấn đề phí chung cư
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư ở TP. HCM khóc dở khi mua dự án của các chủ đầu tư kém tên tuổi. Chị Thu Hương ở Phú Mỹ Hưng cho biết, gia đình chị mua căn hộ của dự án Richland Emerald do CTCP Đầu tư xây dựng Nhật Quang làm chủ đầu tư cách đây mấy năm.
Dự án này đã hoàn thành xong phần thô, chủ đầu tư gửi thư cho khách hàng xin giãn tiến độ giao nhà một năm. Nhưng thêm một năm nữa trôi qua mà tiến độ dự án vẫn chưa có thêm tiến triển nào. Khi khách hàng tìm đến văn phòng thì Công ty đã chuyển địa điểm.
Hỏi mãi, khi chị Hương tìm được chủ đầu tư ở địa điểm mới thì được trả lời rằng, việc chậm triển khai dự án là do thay đổi nhà thầu và tháng 12 này sẽ khởi động công trình trở lại. Tuy nhiên, chị Hương vẫn rất nghi ngờ khả năng nhận nhà trong năm tới với tình hình tài chính khó khăn hiện nay.
Những mâu thuẫn giữa cư dân và Ban quản lý Cao ốc Keangnam ở Hà Nội vừa qua cũng cho thấy, sở dĩ chủ đầu tư rất căng thẳng với khách hàng vì họ không cần phải bán sản phẩm của một dự án nào tiếp theo.
Như vậy, một mẹo hay để lựa chọn dự án, ngoài yếu tố giá cả thì tìm đến dự án của chủ đầu tư đã có các dự án chung cư bàn giao cho khách hàng, đang đầu tư dự án mới và có quỹ đất để phát triển thêm dự án khác.
Họ sẽ phát triển và bán căn hộ lâu dài chứ không phải "đánh quả" một dự án. Mặt khác, việc tổ chức quản lý nhiều chung cư cũng giúp chi phí quản lý cạnh tranh hơn, kinh nghiệm quản lý tốt hơn và khách hàng được hưởng lợi từ điều này.